Năm 2022, giá trị giao dịch cổ phiếu của nhà đầu tư tại công ty chứng khoán này ghi nhận mức 115.920 tỷ đồng; giá trị giao dịch trái phiếu tăng gấp 12 lần lên 1.208 tỷ.
Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) thông báo nhận được công văn của CTCP Chứng khoán Phú Hưng (Mã PHS - UPCoM) về việc rút hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu.
Lý do được phía công ty đưa ra là tình hình thị trường chứng khoán chưa thuận lợi cho việc niêm yết cổ phiếu và lợi ích của cổ đông. Sau khi tình hình thuận lợi hơn, PHS sẽ tiến hành các bước theo quy định của pháp luật nếu tiếp tục triển khai việc niêm yết cổ phiếu.
Nguồn: Tài liệu họp ĐHCĐ thường niên 2023 |
Như vậy, trong trường hợp Phú Hưng nộp lại hồ sơ, HOSE sẽ thực hiện xem xét lại từ đầu.
Trước đó ngày 8/11/2022, HOSE đã thông báo về việc nhận hồ sơ đăng ký niêm yết 150 triệu cổ phiếu PHS - tương ứng vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng.
Chứng khoán Phú Hưng tiền thân là CTCP Chứng khoán Âu Lạc, thành lập tháng 12/2006 với vốn điều lệ ban đầu hơn 22 tỷ đồng. Đến năm 2009, công ty mới đổi tên thành Chứng Khoán Phú Hưng.
Sau khi hoàn thành việc hợp nhất với Chứng khoán An Thành (ATSC) năm 2016, vốn điều lệ của công ty đã tăng lên mức gần 202,6 tỷ đồng trước khi đạt mức như hiện tại.
Ngày 31/7/2019, Chứng khoán Phú Hưng đưa 70 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM với giá tham chiếu phiên đầu là 11.300 đồng/cổ phiếu.
Về kết quả kinh doanh, năm 2021, PHS đạt hơn 494 tỷ đồng doanh thu - tăng 131% so với năm trước đó; lợi nhuận sau thuế tăng 127% lên mức 141 tỷ.
Sang năm 2022, công ty đạt 535,6 tỷ đồng doanh thu hoạt động trong đó đóng góp chủ yếu là thu từ cho vay (290 tỷ) và doanh thu môi giới (188 tỷ); danh mục tự doanh của công ty chỉ còn giá gốc đầu tư hơn 7,4 tỷ.
Sau trừ các khoản thuế phí, lợi nhuận ròng hợp nhất đạt 60 tỷ đồng - giảm gần 58% YoY.
Tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản của công ty giảm sâu gần 1.100 tỷ đồng về còn 3.676 tỷ trong đó các khoản cho vay giảm 54% YoY về còn 1.992 tỷ đồng; nợ phải trả giảm gần 1.100 tỷ về mức 2.078 tỷ đồng (gồm 1.833 tỷ vay ngắn hạn trong đó 1.733 tỷ vay bằng đồng USD và công ty phải chịu lỗ chênh lệch tỷ giá); vốn chủ sở hữu xấp xỉ 1.600 tỷ.
Thuyết minh dư nợ margin và phải thu ứng trước tiền bán năm 2022 của PHS |
Năm 2022, giá trị giao dịch cổ phiếu của nhà đầu tư tại PHS giảm gần 30.000 tỷ so với năm trước đó song vẫn ghi nhận mức 115.920 tỷ đồng. Ngược lại, giá trị giao dịch trái phiếu của nhà đầu tư tăng gấp 12 lần lên mức 1.208 tỷ đồng.
Sang năm 2023, bằng cách sử dụng phương pháp P/E, Chứng khóan Phú Hưng cho rằng vùng định giá hợp lý cho VN-Index sẽ vào khoảng 1.535 điểm - tương đương với mức P/E mục tiêu là 12 lần. Công ty cũng giả định rằng thu nhập của các công ty niêm yết sẽ tăng trưởng 10% so với cùng kỳ trong khi GDP tăng 6,5%.
Công ty dự báo giá trị giao dịch tại HOSE và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) trong năm 2023 có thể đạt 21.191 tỷ đồng/phiên (bao gồm cả giao dịch thỏa thuận và khớp lệnh).
Theo đó, PHS trình kế hoạch doanh thu tăng lên mức kỷ lục 788 tỷ đồng trong đó dự kiến doanh thu hoạt động cho vay và môi giới lần lượt đạt 352 tỷ và 320 tỷ đồng; lãi sau thuế phấn đấu đạt 115,6 tỷ.
Nguồn: Tài liệu họp ĐHCĐ thường niên 2023 |
Quý 3/2022, PHS đã vào Top 10 thị phần môi giới chứng khoán phái sinh. Năm nay, công ty đặt mục tiêu vào Top 8.
Trên thị trường chứng khoán, nửa năm trở lại đây, cổ phiếu PHS giảm từ vùng giá 22,x đồng về còn 13.200 đồng (phiên 5/4/2023) và gần như không xuất hiện giao dịch do cơ cấu cổ đông khá cô đặc.
Cổ phiếu 'Anh trai vượt ngàn chông gai' giảm sàn trong ngày 'Lễ tặng quà' 
Dragon Capital không còn là cổ đông lớn tại Tập đoàn Hoa Sen