Nhận người làm vườn làm con nuôi, tỷ phú lao đao vì khối tài sản trị giá 15 tỷ USD ‘không cánh mà bay’
Vụ việc nhanh chóng thu hút sự chú ý khi kéo theo loạt tranh cãi liên quan đến những quyết định thừa kế gây sốc và mối quan hệ rạn nứt trong nội bộ gia tộc Hermès.
Nicolas Puech – chắt nội của nhà sáng lập thương hiệu xa xỉ Hermès – bất ngờ tuyên bố đã “mất trắng” số cổ phần trị giá hàng tỷ USD, chỉ ít lâu sau khi ký thỏa thuận bán cho một quỹ đầu tư có liên hệ với hoàng gia Qatar.
Theo hồ sơ mới được đệ trình lên tòa án liên bang Mỹ, ông Puech thừa nhận từng nắm giữ khoảng 5% cổ phần Hermès và đã đồng ý chuyển nhượng hơn 6 triệu cổ phiếu – tương đương khoảng 15 tỷ USD – cho Honor America Capital.
Thỏa thuận này được ký kết ngay trước thời điểm Hermès đạt mức định giá kỷ lục 300 tỷ USD hồi giữa tháng 2.
Tuy nhiên, sau đó, ông lại khẳng định trước tòa án Thụy Sĩ rằng toàn bộ số cổ phần này đã "bốc hơi" vào tay một người quản lý tài sản, khiến thương vụ không thể tiến hành.

Honor America Capital – được thành lập tại Washington chỉ một tháng trước khi thỏa thuận diễn ra – đã lập tức đệ đơn kiện, cáo buộc ông Puech vi phạm thỏa thuận mua bán và yêu cầu bồi thường thiệt hại 1,3 tỷ USD do tổn thất tài chính lẫn uy tín.
Đáng chú ý, theo các tài liệu được công bố, phía ông Puech đã hai lần trì hoãn việc chuyển nhượng cổ phần, viện dẫn các lý do thông qua thư từ gửi tòa bởi người đại diện pháp lý.
Nhà quản lý bị ông Puech chỉ đích danh là Eric Freymond – người từng điều hành tài chính cho ông suốt nhiều năm. Puech cho rằng Freymond đã lợi dụng lòng tin để chiếm đoạt cổ phiếu, dù trước đó chính ông đã ký các giấy tờ trao toàn quyền quản lý tài sản. Tòa phúc thẩm Geneva từng bác bỏ cáo buộc lừa đảo với lý do không có bằng chứng cho thấy Freymond có hành vi gian dối.
Đây không phải lần đầu ông Puech (82 tuổi) khiến công chúng xôn xao vì những quyết định liên quan đến khối tài sản khổng lồ của mình. Trước đó, vào năm 2023, ông từng gây tranh cãi khi tuyên bố sẽ để lại một nửa tài sản cho người làm vườn mà ông nhận làm con nuôi.
Một số nguồn tin không loại trừ khả năng sự biến mất bí ẩn của cổ phần có liên quan đến cuộc đấu đá nội bộ trong gia tộc Hermès, khi ông Puech từng hỗ trợ tỷ phú Bernard Arnault – ông chủ đế chế LVMH – mua vào cổ phần Hermès, khiến nhiều thành viên trong gia đình bất bình.
Sự việc càng thu hút chú ý khi cổ phiếu Hermès đã tăng hơn 200% trong vòng 5 năm – minh chứng rõ rệt cho sức hút bền bỉ của thương hiệu xa xỉ này.
Theo giáo sư Eric Talley, chuyên gia luật doanh nghiệp tại Đại học Columbia, việc sở hữu 5% Hermès vào thời điểm hiện tại đồng nghĩa với việc nắm trong tay một “kho báu”.
Ông cũng lưu ý rằng việc định giá thiệt hại trong các tranh chấp cổ phần kiểu này là vô cùng phức tạp, và tòa án hoàn toàn có thể yêu cầu ông Puech phải hoàn tất giao dịch thay vì chỉ bồi thường bằng tiền mặt.
Theo The NY Times
>> Những tỷ phú thế giới bốc hơi hơn 500 tỷ USD chỉ trong 2 ngày