Nhiệt độ đại dương tăng kỷ lục trong 400 năm, đe dọa sự sống còn của rạn san hô lớn nhất thế giới
Nhiệt độ nước biển tăng cao đang đe dọa sự tồn tại của rạn san hô Great Barrier - biểu tượng của thiên nhiên thế giới.
Trong năm qua, sự sống còn của các rạn san hô trên toàn cầu đã trở thành một vấn đề nóng, khi có đến 60% lượng san hô trên thế giới đang chịu tác động nghiêm trọng. Theo một nghiên cứu công bố ngày 8/8, nhiệt độ nước biển quanh rạn san hô Great Barrier của Úc đã đạt mức cao nhất trong 400 năm qua, dẫn đến tình trạng tẩy trắng và suy thoái nghiêm trọng của hệ sinh thái san hô tại đây.
Cụ thể, nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Nature vào ngày 7/8 cho thấy, các nhà khoa học Úc đã khảo sát nhiệt độ bề mặt Biển San Hô – vùng biển dài 2.000km bao gồm cả rạn san hô Great Barrier. Để tái hiện nhiệt độ bề mặt biển từ năm 1618 đến năm 1995 và trong những năm gần đây, họ đã sử dụng các mẫu xương san hô.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng trước năm 1900, nhiệt độ đại dương tương đối ổn định. Tuy nhiên, từ năm 1960 trở lại đây, nhiệt độ nước biển đã tăng trung bình 0,12 độ C. Đặc biệt, sự gia tăng nhiệt độ này đã gây ra năm đợt tẩy trắng san hô quy mô lớn vào các năm 2016, 2017, 2020, 2022 và 2024.
Báo cáo nhấn mạnh rằng sự ấm lên của nước biển có liên quan chặt chẽ đến biến đổi khí hậu, với nguyên nhân chủ yếu là do các hoạt động của con người.
Chuyên gia khí hậu Helen McGregor, một trong những đồng tác giả của nghiên cứu và là nhà nghiên cứu tại Đại học Wollongong, bày tỏ lo ngại sâu sắc về tình trạng này. Bà nhận định, tình trạng tăng nhiệt độ “chưa từng có” này đang đe dọa nghiêm trọng đến rạn san hô. Dù san hô có khả năng tự phục hồi, nhưng nhiệt độ nước biển ngày càng tăng cao cùng với các đợt tẩy trắng liên tiếp đã làm suy giảm đáng kể khả năng phục hồi của chúng. Bà McGregor cũng nhấn mạnh, những thay đổi diễn ra quá nhanh, khiến san hô không kịp thích nghi, thực sự đe dọa đến sự tồn tại của rạn san hô.
Richard Leck, Giám đốc bảo tồn đại dương của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên Úc (WWF Australia), cũng có cùng quan điểm. Ông cho rằng rạn san hô Great Barrier ngày càng trở nên mong manh hơn trước những tác động của biến đổi khí hậu. "Hiện tại, rạn san hô vẫn còn khả năng phục hồi, nhưng theo thời gian, sức chống chịu của nó sẽ dần cạn kiệt. Rạn san hô có thể trở thành hệ sinh thái đầu tiên trên hành tinh đối mặt với nguy cơ bị hủy diệt hoàn toàn bởi biến đổi khí hậu."
Rạn san hô Great Barrier, được ví như "cấu trúc sống lớn nhất thế giới", trải dài 2.300 km và là nơi cư trú của nhiều loài sinh vật đa dạng và kỳ diệu, bao gồm hơn 600 loài san hô và 1.625 loài cá. Tuy nhiên, những đợt tẩy trắng san hô liên tiếp và trên quy mô lớn đang đẩy hệ sinh thái mong manh này vào tình trạng cực kỳ nguy hiểm.
Hiện tượng tẩy trắng san hô  xảy ra khi nhiệt độ nước biển tăng cao hơn mức bình thường, khiến san hô phải trục xuất các loài tảo đầy màu sắc sống trong mô của chúng. San hô không thể tồn tại nếu thiếu đi tảo, vì tảo là nguồn cung cấp dưỡng chất quan trọng.
Dù Liên Hợp Quốc đã khuyến nghị từ lâu, rạn san hô Great Barrier hiện vẫn chưa nằm trong danh sách di sản thế giới bị đe dọa của UNESCO . Chính phủ Úc đã nỗ lực vận động trong nhiều năm để bảo vệ tài nguyên quý giá này. Tuy nhiên, bà Lissa Schindler, Giám đốc Chiến dịch Rạn san hô Great Barrier của Hiệp hội Bảo tồn Biển Úc đang kêu gọi chính phủ cần có hành động quyết liệt hơn nữa để giảm lượng khí thải, nhằm chống lại biến đổi khí hậu và bảo vệ di sản thiên nhiên quan trọng nhất của đất nước.
>> Việt Nam có ‘toạ độ’ ngắm san hô hóa thạch trên cạn chỉ cách Phan Rang - Tháp Chàm 17km