Nhiều bệnh nhân đã được BHYT thanh toán hàng chục tỷ đồng
Nhiều bệnh nhân đã được quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả hàng chục tỷ đồng trong quá trình điều trị, đặc biệt là các bệnh hiếm.
Hằng năm, Bảo hiểm xã hội (BHXH) đều thống kê số bệnh nhân được BHYT chi trả số tiền hàng tỷ đồng. Từ năm 2023 đến tháng 4/2024 đã có 10 bệnh nhi được quỹ BHYT  chi trả từ 2,5 tới 4,5 tỷ đồng.
Bệnh nhi sinh năm 2019 (trú tại phường An Lưu, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) mắc bệnh "tăng huyết áp, đái tháo đường, suy thận" đã được quỹ BHYT chi trả cao nhất là hơn 4,465 tỷ đồng.
Bệnh nhi sinh năm 2018 (trú tại phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) chẩn đoán bệnh "thiếu yếu tố VIII di truyền" được quỹ BHYT chi trả cao thứ 2 là 4,372 tỷ đồng.
Một bệnh nhi khác sinh năm 2018 (trú tại xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) chẩn đoán bệnh "bệnh tích lũy glycogen" được quỹ BHYT chi trả cao thứ 3 là hơn 3,687 tỷ đồng.
Trao đổi với VietNamNet, ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban thực hiện chính sách BHXH Việt Nam, cho biết những bệnh nhân này đều mắc bệnh lý hiếm về máu. Có trường hợp điều trị hết hàng tỷ đồng và kéo dài suốt đời.
Thống kê của BHXH Việt Nam, bệnh nhân được chi trả hàng chục tỷ đồng trong quá trình điều trị rất nhiều. Điển hình, bệnh nhân P.H.N (quê Vĩnh Long) mắc bệnh thiếu yếu tố VIII di truyền điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) được quỹ BHYT chi trả thời gian điều trị 2,5 năm là gần 13 tỷ đồng.
Một trường hợp khác là nam bệnh nhân trú tại Kiên Giang mắc bệnh lý Hemophilia (chứng rối loạn đông máu bẩm sinh hay còn gọi máu khó đông) được quỹ BHYT chi trả hàng chục tỷ đồng.
Năm 2008, Việt Nam có 39,7 triệu người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ đạt 46,1% dân số. Đến năm 2009, toàn quốc đã có trên 50 triệu người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ đạt 58,2% dân số. Hết năm 2023, trên 93,6 triệu người tham gia BHYT, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2008, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 93,35% dân số.
Năm 2023, toàn quốc có 174 triệu lượt khám chữa bệnh (tăng 4% so với năm 2020) với tổng chi từ quỹ khoảng 121.799 tỷ đồng (tăng 19,7% so với năm 2020). Hiện, 100% cơ sở khám chữa bệnh BHYT đã triển khai bằng căn cước công dân thay vì phải xuất trình thẻ BHYT như trước đây.