Hơn 1 tháng qua, một số công ty chứng khoán và cơ quan quản lý đã lên tiếng cảnh báo nhà đầu tư chứng khoán vì bị mạo danh để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Liên tục gần đây xuất hiện nhiều ứng dụng đầu tư chứng khoán giả mạo, không rõ nguồn gốc. Xem chi tiết tại đây ...
"Họ bảo là họ sẽ mua cổ phiếu lúc nó chưa ra thị trường, mua trước khi lên sàn, giá thấp hơn giá thị trường. Mình mua vào thì sẽ rẻ hơn giá ngoài thị trường nên lợi nhuận cao hơn khi mình mua cổ phiếu của những app kia", một nhà đầu tư chia sẻ.
"Các nhà đầu tư có thể đòi hỏi show danh mục xem quỹ đó nắm cổ phiếu đó bao nhiêu, thuộc công ty chứng khoán nào, mình có thể tra xem tài khoản đó có hợp pháp hay không", ông Lưu Chí Kháng, Trưởng phòng tự doanh, Công ty chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI) nói.
Trả lời báo giới về sự việc này mới đây, ông Hoàng Phú Cường, Phó Vụ trưởng Vụ quản lý kinh doanh chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết: "Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hiện chưa cấp phép cho bất kỳ tổ chức cá nhân nào được mua bán chứng khoán trong ngày, T+0. Vì vậy, tất cả những tổ chức, cá nhân quảng cáo nội dung như vậy là không đúng sự thật và chưa tuân thủ Luật Chứng khoán".
Vị lãnh đạo cũng nhấn mạnh: "Không có bất kỳ tổ chức, cá nhân nào (không phải thành viên của Sở Giao dịch) được nhập lệnh và chuyển lệnh trực tiếp vào Sở Giao dịch Chứng khoán.
Một trong những nguyên tắc hoạt động của thị trường chứng khoán là nguyên tắc trung gian; các lệnh giao dịch trên thị trường chứng khoán phải được thực hiện qua các công ty chứng khoán và từ các công ty chứng khoán được truyền lệnh về Sở và được khớp lệnh. Nguyên tắc này được áp dụng cho toàn bộ giao dịch chứng khoán trên toàn cầu, để đảm bảo tính khách quan, minh bạch".
Đưa ra khuyến cáo dành cho các nhà đầu tư khi mở tài khoản chứng khoán để tránh bị lừa đảo, ông Cường đề nghị các nhà đầu tư cần tham khảo nguồn thông tin chính thống ở trên các công ty chứng khoán hoặc do Sở Giao dịch Chứng khoán công bố.
Khi muốn mở tài khoản tại các công ty chứng khoán chính thống, nhà đầu tư cần phải có chứng minh thư, số điện thoại và email. Trong khi đó, các ứng dụng giả mạo, không rõ nguồn gốc chỉ yêu cầu nhà đầu tư cung cấp số điện thoại.
Một chú ý khác là việc số tài khoản chứng khoán hợp pháp theo quy định phải có 10 ký tự (bao gồm cả chữ cái và số) trong khi các ứng dụng giả mạo lại lấy ngay số điện thoại của nhà đầu tư làm số tài khoản. Do vậy, khi nhà đầu tư giao dịch tại các ứng dụng chứng khoán giả mạo, không rõ nguồn gốc, sẽ không được Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) ghi nhận, đồng nghĩa với việc nhà đầu tư hoàn toàn không sở hữu cố phiếu nào, rủi ro rất lớn
"Nhà đầu tư chỉ giao dịch với những công ty chứng khoán đã được cấp phép đồng thời tham khảo kỹ trước khi quyết định đầu tư ".
Ứng dụng StockX từng lừa đảo hàng nghìn nhà đầu tư cách đây không lâu
Gần 2 tháng qua, một số công ty chứng khoán và cơ quan quản lý cũng lên tiếng cảnh báo vì bị mạo danh để lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong đó trường hợp mới nhất là việc Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) hôm 7/9/2022 đã có thông báo gửi nhà đầu tư và Quý khách hàng cảnh báo về các hành vi lừa đảo mạo danh.
Hay như Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) hồi đầu tháng 8 đã cảnh báo có hiện tượng một số website giả mạo đã sử dụng trái phép logo, hình ảnh nhận diện thương hiệu và thông tin hoạt động của HNX, kêu gọi huy động tiền và đầu tư chứng khoán trực tiếp với Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.
Cách đây không lâu, hàng nghìn nhà đầu tư tham gia ứng dụng đầu tư chứng khoán không rõ nguồn gốc có tên là StockX khi ứng dụng này cũng quảng cáo cho giao dịch T+0, cam kết lợi nhuận 600%/năm, được mua cổ phiếu rẻ hơn so với thị trường. Tuy nhiên sau khi nhà đầu tư nạp tiền vào một thời gian, mới đây ứng dụng này đã dừng hoạt động, toàn bộ nhà đầu tư đã mất trắng tiền.
HNX bị mạo danh "làm càn", kêu gọi huy động tiền, đầu tư chứng khoán trái phép