Nhiều người Nhật phẫn nộ trước tình trạng quá tải du lịch
Sự gia tăng lượng khách du lịch đến Nhật Bản đang mang lại lợi ích kinh tế nhưng cũng gây ra nhiều thách thức. Các quan chức và cư dân địa phương áp dụng một số giải pháp để cân bằng lợi ích của du lịch với việc bảo vệ văn hóa và môi trường địa phương.
Du lịch Nhật Bản  một phần được thúc đẩy bởi sự suy giảm của đồng Yên, khiến khách du lịch giảm bớt lo lắng về tài chính và chi tiêu thoải mái hơn. Theo đó, số lượng khách du lịch đang có xu hướng tăng cao trong những năm trở lại đây, sau khi Nhật Bản nới hạn chế nhập cảnh liên quan đến giai đoạn hậu Covid-19.
Tình trạng du lịch quá mức khiến nhiều quan chức quan ngại, trong đó có Thủ tướng Fumio Kishida. Vào tháng 3, nước này đã ghi nhận hơn ba triệu lượt khách quốc tế, lập kỷ lục số lượng lớn nhất theo tháng và cao hơn kỷ lục cũ 10% vào tháng 3/2019.
Gần 70% lượng du khách quốc tế đến Nhật Bản là từ Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc. Năm ngoái, chi tiêu của khách du lịch nước ngoài chiếm khoảng 9% tổng sản phẩm quốc nội của đất nước mặt trời mọc.
Số lượng du khách quá tải khiến nhiều điểm du lịch nổi tiếng ngày càng trở nên khó quản lý. Giờ đây, du khách đang đổ tới cả những địa điểm trước đây hiếm có khách du lịch, chẳng hạn như các thị trấn nhỏ gần núi Phú Sĩ hoặc những khu thương mại chỉ được biết bởi người bản địa.
Ông Matsumoto, một thợ cắt tóc bình dân ở Kyoto, chia sẻ: "Trước đây, việc nhìn thấy khách du lịch ở một số địa điểm nổi danh là điều bình thường. Nhưng giờ đây họ đang khám phá cả những địa điểm khác."
Sự náo nhiệt chưa từng có đang khiến nhiều người dân cảm thấy khó chịu. Ở Kyoto và nhiều thành phố lớn, cư dân phàn nàn về tình trạng giá phòng bị đẩy lên cao, và những phương tiện, địa điểm công cộng trở nên quá tải. Ngoài ra họ cũng chê trách khách du lịch đôi khi thiếu tôn trọng với những phong tục địa phương. Ví dụ như chụp ảnh những cô gái Geisha ở nơi công cộng, hay ăn uống trong khi đi bộ.
Ông Hiroshi Ban, 65 tuổi, một người dân địa phương, than phiền thời gian di chuyển bằng phương tiện công cộng có thể gấp đôi do khách du lịch làm cản trở xe buýt, gây chậm lại quá trình hoạt động. "Cảm giác ngày nào ở đây cũng là lễ hội. Chúng tôi không thể tận hưởng cuộc sống một cách yên bình" ông nói.
Nhiều người làm việc trong lĩnh vực du lịch bày tỏ lo ngại về tính ổn định của xu thế du lịch đến quốc gia này. Hisashi Kobayashi, tài xế taxi ở Kyoto, cho biết công việc kinh doanh suôn sẻ đến mức nghỉ một ngày đồng nghĩa với việc bỏ qua khoản tiền dễ kiếm. Nhưng ông nói rằng nhiều ngành liên quan đến du lịch đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu trong tình trạng thiếu hụt lao động. "Khi người bản địa đến đây, họ cảm thấy như đang ở một vùng đất xa lạ vì có quá nhiều khách du lịch. Đây không còn là Kyoto nữa," ông Kobayashi nói thêm.
Điều kiện cơ sở vật chất tại một số khu vực chưa đáp ứng được nhu cầu tham quan. Ví dụ như Thành phố Phú Sĩ, cách Kyoto khoảng 400km, gần đây đã trở nên phổ biến trên mạng xã hội Instagram từ những bức ảnh đẹp trên trang của Sở Du lịch Tỉnh Shizuoka.
Một cư dân giấu tên ở khu vực này chia sẻ: “Địa điểm chụp ảnh nằm trong khu dân cư nên không có tiện ích dành cho khách du lịch như bãi đỗ xe, nhà vệ sinh hay thùng rác”. Kết quả, nhiều du khách xả rác ra nơi công cộng, đỗ xe trên đường, và trong một số trường hợp, họ còn cản trở giao thông để chụp ảnh.
Các quan chức trên khắp Nhật Bản đang đưa ra những giải pháp thích ứng sự gia tăng du lịch. Tại Thành phố Fuji, chính quyền đã dựng một bãi đậu xe tạm thời cho sáu ô tô và bắt đầu xây dựng một bãi đậu xe lớn hơn có thể chứa 15 ô tô và có khu vệ sinh, Motohiro Sano, một quan chức du lịch địa phương, cho biết.
Ở Shibuya, một khu vực đông khách du lịch tại Tokyo, các quan chức đã tuyên bố kế hoạch cấm uống rượu ngoài trời vào ban đêm nhằm hạn chế hành vi xấu của giới trẻ và khách du lịch.
Và ở Kyoto, nhiều ga tàu đã lắp đặt biển nhắc nhở yêu cầu du khách "chú ý đến cách cư xử", Chính phủ đã bắt đầu vận hành các tuyến xe buýt đặc biệt cho khách du lịch trong tháng này.
Việt Nam, Nhật Bản phát huy tiềm năng FTA song phương và đa phương 
T&T Group và tập đoàn đa ngành Nhật Bản muốn làm khu công nghiệp xanh tại Thái Bình