Nhiều thanh niên Seoul rơi vào tình trạng nghèo
Kết quả một cuộc khảo sát vừa công bố ngày 6/12 cho thấy hơn một nửa số thanh niên sống ở Seoul rơi vào tình trạng nghèo, đặc biệt là thanh niên sống độc thân thì tỷ lệ này lại càng cao hơn.
Theo “Báo cáo phân tích thanh niên Seoul năm 2022" do Thành phố Seoul và Viện nghiên cứu Seoul phối hợp thực hiện, tỷ lệ nghèo về tài sản của thanh niên Seoul  là 55,6%. Điều đáng chú ý hơn là tỷ lệ nghèo tài sản của các hộ gia đình độc thân là 62,7%, cao hơn 7,1% so với tỷ lệ nghèo tài sản của toàn bộ thanh niên Seoul.
Tỷ lệ nghèo tài sản đề cập đến việc tài sản ròng không thể đạt tới 50% thu nhập trung bình trong vòng 3 tháng.
Cuộc khảo sát được thực hiện với 5.083 thanh niên từ 18-35 tuổi sống ở Seoul vào năm 2022.
Bên cạnh đó, tỷ lệ nghèo về thu nhập của thanh niên Seoul là 37%. Trong đó, tỷ lệ nghèo về thu nhập của thanh niên từ 19-24 tuổi là cao nhất, ở mức 73,4%. Số liệu cho thấy độ tuổi càng trẻ thì tỷ lệ nghèo về thu nhập càng cao.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy tỷ lệ thanh niên sống trong cảnh thiếu thốn chi phí sinh hoạt là 27,7%. Qua khảo sát bằng bảng câu hỏi cho thấy, khi không đủ chi phí sinh hoạt thì tỷ lệ "nhận được hỗ trợ từ cha mẹ" là cao nhất, đạt 41,2%. Tiếp theo là "chấm dứt hợp đồng gửi tiền gửi có kỳ hạn" (17,7%) và "vay tiền ngân hàng" (11%).
Về cơ cấu gia đình, phần lớn thanh niên ở Seoul vẫn còn sống chung với cha mẹ, chiếm 47,5% trong tổng số. Tiếp theo là số lượng thanh niên sống một mình (34,3%) và sống chung với người khác là 6,9%.
Trong số những người trẻ tuổi không sống cùng cha mẹ, 17,4% cho biết vẫn nhận được hỗ trợ tài chính từ cha mẹ và 35,2% cho biết họ hoàn toàn "độc lập".
Trong số những người trẻ sống cùng cha mẹ, độ tuổi trung bình mà họ cảm thấy có thể trở nên tự lập và "ra ở riêng" là 30,6 tuổi. Tuy nhiên, nếu xem xét theo từng độ tuổi, những người từ 19-24 tuổi cho rằng mình có thể sống tự lập ở tuổi 27,4; những người từ 25-29 tuổi là 30,8 tuổi và những người từ 30-34 tuổi là 35,3 tuổi. Có thể thấy, khi tuổi càng tăng thì thời gian dọn ra sống ở riêng dự kiến có xu hướng càng bị trì hoãn hơn.
Khảo sát cũng cho thấy 87% thanh niên ở Seoul chưa lập gia đình. Trong đó, 46,5% thanh niên có ý định kết hôn, 19,1% chưa có ý định kết hôn và 34,3% thanh niên trả lời "không biết".
Trong tổng số thanh niên sống ở Seoul, 65,8% đang làm việc, 25,6% không đi học không đi làm (NEET: thuật ngữ chỉ một người vừa thất nghiệp vừa không đi học hoặc được dạy nghề) và 10,5% thất nghiệp.
Người ủng hộ và phản đối Tổng thống Yoon Suk-yeol biểu tình lớn ở Seoul 
Hàn Quốc công bố quốc tang, thu thập thi thể nạn nhân gặp khó