Nhóm công nhân vô tình ‘đụng’ trúng mộ cổ, đoàn khảo cổ lập tức khai quật: Phát hiện chất lỏng ‘cực độc’ dưới tấm vải che hài cốt
Khai quật ngôi mộ cổ hàng nghìn năm tuổi, nhưng khi vén tấm vải che hài cốt bên trong, đoàn khảo cổ đã phải nhanh chóng rút lui vì lý do an toàn.
Theo 765 News, Trung Quốc sở hữu nhiều ngôi mộ cổ  có giá trị lịch sử và văn hóa lớn. Các lăng mộ của giới quý tộc thời xưa không chỉ thể hiện sự giàu có mà còn phản ánh tín ngưỡng và văn hóa của từng thời đại. Những ngôi mộ quy mô lớn này thường nằm rải rác khắp Trung Quốc, đôi khi xuất hiện một cách bất ngờ trong quá trình xây dựng hoặc khai thác.
Trong lần phát hiện tại Nội Mông, một công nhân mỏ đã vô tình đụng phải mộ cổ khi đào đất. Ngay khi nhận tin, đoàn khảo cổ  đã khẩn cấp tới hiện trường để tiến hành khai quật . Tuy nhiên, mộ cổ này tiềm ẩn những nguy hiểm mà nếu không phát hiện kịp thời, có thể đe dọa tính mạng cả đoàn.
Khi mở quan tài, các nhà khảo cổ thấy hài cốt của một phụ nữ với khuôn mặt được che kín bằng tấm vải. Do lớp vải đã mục nát, họ cẩn thận chụp X-quang trước khi lật tấm vải để bảo tồn hiện trạng. Sau đó, khi nhẹ nhàng vén lớp vải, họ bất ngờ phát hiện một dòng chất lỏng kỳ lạ có mùi kim loại nồng nặc chảy ra từ hài cốt.
Một chuyên gia lập tức hét lên: “Nguy hiểm! Rút lui ngay!” Sau đó, một thành viên trong đoàn mặc đồ bảo hộ đặc biệt tiếp cận để lấy mẫu chất lỏng. Kết quả xét nghiệm cho thấy chất lỏng này chính là thủy ngân - một chất độc nguy hiểm đến sức khỏe con người.
Thủy ngân là chất cực độc, có thể gây tử vong nếu hít phải hoặc tiếp xúc ở mức độ cao. Người ngộ độc thủy ngân có thể gặp các triệu chứng như viêm phổi cấp tính, ho, khó thở, đau ngực, và sốt. Nếu nhiễm độc nặng, có thể gây mất trí nhớ, co giật, viêm miệng, nôn mửa, và viêm ruột. Vì độc tính cao, thủy ngân có thể gây nguy hiểm nghiêm trọng cho sức khỏe của những người tiếp xúc trực tiếp với nó.
Tuy nhiên, thủy ngân lại có khả năng diệt trùng, khử khuẩn và cách nhiệt tự nhiên. Do đó, người xưa thường sử dụng thủy ngân để bảo quản thi thể, ngăn chặn sự phân hủy và ngăn mộ cổ khỏi bị trộm phá hoại. Theo các nhà nghiên cứu, ngôi mộ cổ mới phát hiện tại Nội Mông được cho là của một công chúa thuộc triều đại nhà Liêu - một triều đại của người Khiết Đan, tồn tại từ năm 907 đến 1125.
Việc phát hiện lăng mộ của công chúa nhà Liêu đã gây xôn xao trong giới khảo cổ, bởi tìm thấy một lăng mộ hoàng gia từ thời đại này, trong tình trạng bảo quản tốt như vậy, là điều cực kỳ hiếm. Dòng thủy ngân chảy ra từ hài cốt công chúa có thể được sử dụng để ướp xác, giúp bảo vệ thi thể khỏi tác động của thời gian và những kẻ trộm mộ.
Việc sử dụng thủy ngân để bảo quản thi thể không phải là hiếm trong lịch sử Trung Quốc. Một ví dụ nổi tiếng là lăng mộ Tần Thủy Hoàng, nơi được cho là có cả một dòng sông thủy ngân lên đến hàng trăm tấn để bảo vệ lăng mộ khỏi sự xâm nhập. Lượng lớn thủy ngân độc hại này đã khiến lăng mộ Tần Thủy Hoàng tránh được sự đột nhập của trộm mộ trong suốt hàng nghìn năm.
Dù có công nghệ khai quật hiện đại, các chuyên gia vẫn thận trọng và chưa dám khai quật lăng mộ Tần Thủy Hoàng do nguy cơ từ dòng sông thủy ngân. Điều này cho thấy không chỉ tính độc hại mà còn là vai trò bảo tồn của thủy ngân trong việc giữ gìn các bí mật lịch sử bên dưới lòng đất.
>> Phát hiện ‘rùng rợn’ tại ngôi mộ cổ 4.000 năm tuổi của con gái thống đốc Ai Cập cổ đại