Nhu cầu gạo của Trung Quốc là rất lớn
Để tăng cơ hội xuất khẩu gạo vào thị trường Trung Quốc, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc Nông Đức Lai khuyến nghị, DN Việt Nam bám sát thị trường, cũng như đa dạng hóa công tác xúc tiến thương mại nhằm thâm nhập vào các khu vực tiềm năng của nước bạn.
Theo ông Nông Đức Lai, các DN xuất khẩu gạo  của Việt Nam cần phát huy và tận dụng lợi thế của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc. Bởi trong những năm qua, Việt Nam đã thiết lập được quan hệ bạn hàng truyền thống tốt đẹp với nước bạn; đồng thời, duy trì tỷ trọng gạo Việt Nam trong tổng nhập khẩu của thị trường Trung Quốc.
Thông tin về tình hình thị trường, vị này cho biết, Trung Quốc là quốc gia đông dân và người dân có thói quen ăn cơm hàng ngày. Thói quen này đã đi vào văn hóa ẩm thực của người Trung Hoa, do đó, nhu cầu tiêu dùng đối với gạo tại thị trường này là rất lớn. Song, Trung Quốc cũng là quốc gia sản xuất và có sản lượng gạo lớn nhất toàn cầu.
Số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy, từ năm 2021 đến nay, sản lượng lúa gạo của nước này đạt trên 200 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, trong 2 năm vừa qua, do tác động của yếu tố thời tiết, hiện tượng El Nino gây ra hạn hán, lũ lụt. Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa ngày càng sâu rộng, diện tích canh tác lúa đã giảm, dẫn đến sản lượng lúa những năm gần đây giảm so với những năm trước đây.
Còn theo báo cáo triển vọng nông nghiệp Trung Quốc giai đoạn 2022 - 2031 của Hội đồng chuyên gia dự báo thị trường - Bộ Nông nghiệp nông thôn Trung Quốc cho thấy, tiêu thụ gạo của Trung Quốc đã đạt ngưỡng 150 triệu tấn từ năm 2020 và duy trì tốc độ tăng trưởng liên tục cho đến nay. Trong đó, cơ cấu tiêu thụ gạo như sau: 74,5% làm thực phẩm cho người dân; 12 - 14% sử dụng vào ngành thức ăn chăn nuôi; 8% cho ngành công nghiệp chế biến (sản xuất tinh bột, sản xuất rượu).
Về thương mại gạo, trong mấy năm gần đây, xuất khẩu gạo của Trung Quốc tăng dần trở lại, nên để bảo hộ sản xuất gạo trong nước, Trung Quốc cũng đã ban hành biện pháp quản lý hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng này. Từ đó đến nay hạn ngạch đối với mặt hàng gạo của Trung Quốc vẫn duy trì ở mức 5,32 triệu tấn/năm.
Từ năm 2012, theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, mặc dù với hạn ngạch 5,32 triệu tấn, nhưng đến nay chưa có năm nào vượt qua mức hạn ngạch nhập khẩu.
Đến năm 2022, nhập khẩu của Trung Quốc vượt hạn ngạch và đạt 6,19 triệu tấn. Năm 2023, nhập khẩu gạo của Trung Quốc có sự biến động rất mạnh, chỉ đạt 2,63 triệu tấn, giảm đến 75% về số lượng và 45,8% về kim ngạch so với năm 2022.
Phân tích nguyên nhân của việc giảm đột ngột này, ông Nông Đức Lai nhận định, thứ nhất là do chênh lệch tỷ giá giữa nhân dân tệ và đồng USD.
Thứ hai, do tác động của một số chính sách hạn chế xuất khẩu lương thực nói chung và xuất khẩu gạo của một số quốc gia, trong đó có Ấn Độ đã tác động đến nhập khẩu gạo của Trung Quốc.
Thứ ba, tỷ trọng nhập khẩu gạo tấm để thay thế một số nguyên liệu như ngô, lúa mì dùng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi đã trở lại mức bình thường. Thứ tư, giá gạo của thế giới tăng trong năm 2023, điều này làm chênh lệch giá gạo của Trung Quốc với bên ngoài không đủ hấp dẫn đối với các nhà nhập khẩu.
>> Các nước Đông Nam Á đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc