Nhu cầu nội địa được dự báo tăng mạnh, cổ phiếu mía đường dậy sóng

27-05-2022 11:40|Thu Trang

Sự chững lại của các quốc gia xuất khẩu đường hàng đầu thế giới đã mở ra cơ hội xuất khẩu cho các nước phía sau trong đó có Việt Nam.

Mía đường: Cầu tăng cung giảm

Đại dịch Covid-19 được kiểm soát, ngành FMCG phục hồi mạnh mẽ đặc biệt là sữa và nước ngọt sẽ kéo theo nhu cầu tiêu thụ đường tăng lên.

Nhu cầu đường trên thế giới đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh trong khi các cường quốc sản xuất đường hàng đầu thế giới đang đối mặt với tình trạng giảm sản lượng đường do vấn đề thời tiết, cũng như việc chuyển sang sản xuất ethanol khi giá dầu thế giới liên tục tạo đỉnh.

Mới đây (ngày 25/5), Bloomberg trích nguồn tin thân cận cho biết Ấn Độ lên kế hoạch hạn chế xuất khẩu đường nhằm bảo vệ nguồn cung nội địa. 

Chính phủ Ấn Độ muốn giới hạn xuất khẩu đường ở mức 10 triệu tấn cho năm xuất khẩu hiện tại (kéo dài đến tháng 9). Mục đích là đảm bảo đủ dự trữ trước khi vụ đường tiếp theo bắt đầu vào tháng 10. Thông tin chính thức có thể được công bố trong những ngày tới.

Việc áp hạn ngạch có thể sẽ tác động đáng kể đến thị trường đường toàn cầu, do Ấn Độ là nhà sản xuất và xuất khẩu lớn.Nhu cầu đường nội địa được dự báo tăng trưởng mạnh mẽ cùng với sự phục hồi của ngành thực phẩm, đồ uống (FMCG) hậu Covid.

Theo Hiệp hội mía đường Brazil (Unica), kết thúc vụ ép 2021-2022, sản lượng nghiền mía của nước này đạt 523,1 triệu tấn, giảm 13,6% so với niên vụ 2020-2021. Sản lượng đường thu hoạch được trong vụ 2021-2022 của nhà sản xuất đường lớn nhất thế giới cũng giảm mạnh 16,6% so với niên vụ trước xuống mức 32,1 triệu tấn.

Theo Czarnikow, Trung Quốc sẽ sản xuất 9,6 triệu tấn đường trong niên vụ 2021-2022, mức thấp thứ 3 trong vòng 15 năm qua.

Sự chững lại của các quốc gia xuất khẩu đường hàng đầu thế giới đã mở ra cơ hội xuất khẩu cho các nước phía sau trong đó có Việt Nam. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), lũy kế đến cuối tháng 3 toàn ngành đã ép được gần 6 triệu tấn mía và sản xuất được 630.095 tấn đường, lần lượt tăng 103,15% và 102% so với cùng kỳ với vụ ép mía 2020-2021.

Cổ phiếu mía đường nổi sóng

Nguồn cung bị hạn chế từ các nhà sản xuất hàng đầu thế giới được cho là sẽ tiếp tục hỗ trợ giá đường trong nước trong thời gian tới. Các doanh nghiệp sản xuất đường trong nước như Thành Thành Công – Biên Hòa (SBT), Đường Quảng Ngãi (QNS), Mía đường Sơn La (SLS),… đang đứng trước cơ hội được xem là tốt nhất trong vòng nhiều năm để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trước bức tranh kinh doanh khả quan về ngành mía đường, nhóm cổ phiếu mía đường biến động tích cực, trong đó, LSS tăng trần lên 11.900 đồng/cp, SBT tăng 3,7%, QNS tăng 2,8%.... (tại thời điểm 9h33 phiên sáng 27/5).

Phiên giao dịch hôm qua, SBT  tăng trần lên mức 17.350 đồng/cp; QNS (+3,7%) đạt 47.300 đồng/cp, LSS cũng tím lịm đạt mức 11.150 đồng/cp.   Như vậy, các mã này đã phục hồi đáng kể so với vùng đáy hồi giữa tháng 5 vừa qua.

Lịch chốt trả cổ tức bằng tiền tuần từ 14-18/4: Tâm điểm 3 doanh nghiệp thanh toán tỷ lệ hàng chục %

Lãnh đạo loạt doanh nghiệp mạnh tay chi trăm tỷ 'bắt đáy' giữa làn sóng cổ phiếu giảm sâu

Bài thuộc chủ đề Sản xuất, Công nghiệp
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nhu-cau-noi-dia-duoc-du-bao-tang-manh-co-phieu-mia-duong-day-song-116590.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Nhu cầu nội địa được dự báo tăng mạnh, cổ phiếu mía đường dậy sóng
    POWERED BY ONECMS & INTECH