Như chưa hề có cuộc chia ly: ‘Không dám thờ tại nhỡ đâu con còn sống, tội nghiệp nó…’
45 năm, bố mẹ không dám lập bàn thờ, mong ngóng tin tức anh Lyle (Nguyễn Đình Lợi) còn sống, cũng là khoảng thời gian dài đằng đẵng trước khi anh hội ngộ cùng gia đình của mình.
Tháng 3/1975, Quân đoàn 2 Việt Nam Cộng hòa (VNCH) rút chạy theo đường Liên Tỉnh lộ 7B từ Kon Tum - Pleiku chạy xuống Phú Yên, khiến cho trên dưới 200.000 người dân là cha mẹ, vợ con của những người lính chạy theo. Trên đoạn đường chạy loạn hơn 200km đó đã có hàng ngàn đứa trẻ bị thất lạc gia đình.
Một số người đã không thể sống sót nổi trong đói khát, chiến sự, một số được bà con dân tộc đón về cưu mang, phần lớn được bộ đội đón và đưa về nơi ở cũ. Dọc đường chạy loạn, một số em được binh lính VNCH che chở, đưa về Nha Trang, Cần Thơ, Phú Quốc... rồi về quê của họ hoặc cùng di tản.
"Như chưa hề có cuộc chia ly  số 132: Khi những miền quê bỗng như gần lại" thông báo rằng ê-kíp đã tiếp nhận hơn 700 hồ sơ thông báo tìm kiếm những trường hợp thất lạc trong hơn 10 ngày trên con đường Liên Tỉnh lộ 7B đó. Trong đó, câu chuyện đoàn tụ cách cả nửa vòng trái đất sau 45 năm của anh Nguyễn Đình Lợi khiến người xem ấn tượng hơn cả.
Không dám lập bàn thờ vì lúc nào cũng mong con trở về
Thời điểm cuộc chạy loạn vào tháng 3/1975 đó, gia đình ông Nguyễn Đình Đường, năm nay đã 86 tuổi, chia nhau đưa các con đi ly tán. Ông Đường bỏ chạy và dẫn theo 4 người con, bà Gái - vợ cả của ông, cũng dẫn theo mấy đứa, còn mấy đứa con gái đi đường hàng không theo hàng xóm.
Còn bà Tuyết - vợ nhỏ của ông Đường, ôm bụng bầu và dẫn theo hai đứa con trai bỏ chạy vào rừng. Trên đường chạy, bà Tuyết sau khi hạ sinh đứa con trong bụng thì phát hiện đã thất lạc một đứa con. Sau đó, bà ẵm đứa nhỏ mới sinh ra đường lớn tìm chồng, được 2 ngày thì đứa nhỏ mất.
Bà Tuyết là vợ nhỏ được bà Gái cưới về cho ông Đường, quê gốc Huế. Thời điểm 1975, ông đã có với 2 người vợ tất cả là 10 người con, chung sống hòa thuận dưới một mái nhà tại Kon Tum. Thời điểm đó, ông phục vụ trong quân y, bà Gái ở nhà chăm các con, còn bà Tuyết bán cá hấp ở chợ. Bà cũng mới chỉ nghỉ bán cá cách đây mấy năm khi sức khỏe đã yếu.
Sau cuộc chạy loạn, gia đình chỉ lạc mất Lợi, tức Lùn, là con trai ruột của bà Tuyết và người con sơ sinh đã mất khi đó.
“Chỉ biết vái cho con mạnh giỏi vậy thôi chứ tôi cũng không biết đường nào. Thờ thì không dám thờ, tại có biết con sống hay đã chết đâu, thờ tội nghiệp nó.
Ham làm việc thì thôi mà không làm gì thì lại nhớ tới con”, bà Tuyết nói ra nỗi nhớ của bà với con trai Lợi thất lạc năm ấy.
Ông bà Tuyết sau đó còn sinh thêm 3 đứa con nhưng vẫn không thể nguôi ngoai nỗi mất mát ấy.
Cách đây 20 năm, ông Đường từng đi nhận một thanh niên cũng đi lạc trên Đường 7, được nhận nuôi ở Phú Yên, tên là Được. Thế nhưng gặp nhau là hai bên đã biết, đó không thể là anh Lợi, nhưng ông bà sau đó vẫn xin đưa anh Được về Gia Lai chăm sóc, lo việc cho anh.
Sau khi tìm kiếm hồ sơ, Như chưa hề có cuộc chia ly có tìm thấy được bức thư tìm kiếm người thân của một người đàn ông có đặc điểm rất giống anh Lợi. Chương trình đã liên lạc với chị Nguyễn Thị Lộc, con gái của ông bà Đường, để xin mẫu xét nghiệm ADN, và thật bất ngờ khi điều kỳ diệu đã xuất hiện.
Từ cánh rừng Ayun Pa sang nước Mỹ rộng lớn
Anh Lyle Christopher Schadt (tên Việt là Nguyễn Đình Lợi) là một trong những đứa trẻ thất lạc tại sự kiện tháng 3/1975. Anh còn nhớ khá rõ về những thông tin của bản thân như cái tên Nguyễn Đình Lợi hay việc mình đã lạc gia đình ra sao. Dù đã có cuộc sống ổn định ở xứ người, anh vẫn luôn hy vọng gia đình còn sống khỏe mạnh sau chiến tranh và mong mỏi được đoàn tụ.
Anh kể: "Người thân cuối cùng tôi còn thấy là anh trai tôi, anh cùng cha khác mẹ, vì cha tôi có hai người vợ. Có một người nào đó dẫn tôi và anh đi nhưng tôi không tin nên không chịu theo, còn anh tôi thì theo.
Còn lại mình tôi ở trong một đám đông giữa rừng, rồi có một chiếc trực thăng đáp xuống bốc mọi người đi. Lúc đó tôi không tin ai cả nên không đi. Khi chiếc thứ hai quay lại đáp xuống, tôi leo lên ngồi phía sau ghế của một người phi công và kể từ đó tôi bám lấy ông ấy. Ông đã đưa tôi cùng sang Mỹ trong năm 1975.
Tôi nhớ cha tôi tên là Nguyễn Đình Đường. Cha tôi có làm gì đó liên quan đến thuốc thang. Tôi chỉ còn nhớ được như vậy”.
Đó là những ký ức còn đọng lại trong Lyle về thời khắc định mệnh khiến anh lạc khỏi gia đình, từ rừng Tây Nguyên bay đến tận Mỹ - nơi cách quê nhà đến nửa vòng trái đất. Khi ấy, anh được một phi công tên là Ngọc cưu mang, đưa về Nha Trang, Mỹ Tho rồi di tản sang Mỹ. Ông Ngọc cũng là người đã đăng tải hình ảnh anh lên cộng đồng của người Việt để tìm gia đình cho Lợi.
Ông Ngọc rất thương anh Lợi nên sau một thời gian đã gửi anh vào một gia đình khá giả để anh có cuộc sống sung túc, sáng sủa hơn. Anh Lợi có một cuộc sống mới, sống trong tình yêu thương ngập tràn từ cha mẹ nuôi. Sau đó, mặc dù đã kết hôn và có 2 con nhưng người đàn ông này vẫn muốn được tìm về với gia đình ruột của mình.
Trong một dịp tình cờ, anh Lợi được chị Hà - một trong số ít người bạn anh quen thân tại Mỹ đã giới thiệu với anh hoạt động nhân đạo của chương trình “Như Chưa Hề Có Cuộc Chia Ly”
Khi nhận được kết quả xét nghiệm ADN trùng khớp với gia đình ông Đường, Lyle và vợ đã bật khóc nức nở vì hạnh phúc. 45 năm lưu lạc đến tận đất Mỹ, cuối cùng người đàn ông này cũng có thể quay trở về với người thân.
“4 tuần sau khi nhận được thông tin rằng có một gia đình trùng khớp với thông tin của tôi ở Mỹ, lúc 10 giờ tối, vợ tôi nói với tôi rằng “Lyle, đó chính là cha của anh” dựa trên kết quả ADN. Tôi xúc động hệt như lúc này vậy, và vợ tôi cũng òa khóc”, Lyle kể về khoảnh khắc nghe tin rằng kết quả ADN của mình đã trùng khớp với ông Đường.
Giờ đây, anh đã là một người đàn ông trưởng thành, có vợ con, và có lẽ anh còn trở thành một người con may mắn nhất khi người cha đã gần 90 tuổi của mình vẫn còn khỏe mạnh để mong ngóng anh trở về từng ngày. Trong khoảnh khắc gặp lại nhau, hai cha con đã vỡ òa, không kiềm được nước mắt.
Chẳng có bất cứ rào cản ngôn ngữ nào có thể ngăn cản được dòng chảy huyết thống chảy trong máu, dù cho anh đã thất lạc gia đình Việt Nam của mình gần nửa thế kỷ.
Câu chuyện đoàn tụ từ nửa vòng Trái Đất chạm đến trái tim của rất nhiều khán giả. Cuộc đoàn tụ diễn ra trong nước mắt nhưng là giọt nước mắt hạnh phúc cùng những cái vỗ vai ấm áp của tình yêu thương. Ngoài ra, ai nấy đều cảm kích trước tấm lòng nuôi dưỡng chân thành của bố mẹ nuôi đã nuôi nấng anh Lợi trong từng ấy năm.