Những cổ phiếu ngân hàng giúp nhà đầu tư lời nhiều nhất năm 2024
Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục là động lực tăng trưởng, lan tỏa tín hiệu tích cực tới mọi ngành nghề trên thị trường.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 31/12/2024, VN-Index chốt tại mức 1.267 điểm, giảm 5,24 điểm. Tổng kết cả năm, VN-Index tăng 137 điểm, tương đương 12%.
Tại nhóm ngân hàng, số lượng cổ phiếu tăng giá chiếm tỷ lệ đa số trong năm 2024 với 21/27 mã chứng khoán. Trong đó, nhóm tư nhân đang dẫn đầu bảng xếp hạng với nhiều cổ phiếu tăng giá hàng chục %.
Hiệu suất sinh lãi của 27 cổ phiếu ngân hàng trong năm 2024 |
3 cổ phiếu giúp nhà đầu tư lãi hơn 50% năm 2024
LPB  của LPBank là cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh nhất trong năm 2024 với mức tăng tới 120%, đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của năm ở mức 31.250 đồng/cp. Trước đó, trong phiên 30/12/2024, LPB đã lập đỉnh 31.550 đồng/cp.
Là á quân trong bảng xếp hạng, cổ phiếu HDB  của HDBank có đà tăng 55%. Tại phiên giao dịch ngày 30/12, HDB đã tạo đỉnh, đạt 26.650 đồng/cp.
HDB là một trong những cổ phiếu chiến lược của quỹ ngoại Pyn Elite Fund quy mô 789 triệu EUR (khoảng 21.700 tỷ đồng), chiếm 7,3% danh mục đầu tư.
HDB cũng là cổ phiếu được 9 quỹ ETF chú ý, bao gồm: DCVFMVN30 ETF, SSIAM VN30 ETF, KIM Growth VN30 ETF, MAFM VN30 ETF, DCVFMVN Diamond, MAFM VNDiamond, BVFVN Diamond, KIM Growth Diamond, và SSIAM VNFIN Lead ETF, với tổng vốn gần 21.700 tỷ đồng.
Rõ ràng, cổ phiếu HDB không phải ngẫu nhiên được nhiều nhà đầu tư "săn đón" trên thị trường. Điều này phản ánh rõ nét hiệu quả hoạt động ấn tượng của HDBank. Ngân hàng duy trì bộ đôi chỉ số sinh lời vượt trội, với ROE đạt 26,7% và ROA đạt 2,2% – hai con số dẫn đầu toàn hệ thống.
Bên cạnh đó, tỷ lệ lãi biên (NIM) – thước đo hiệu quả cốt lõi của ngân hàng – đã vượt kỳ vọng, đạt 5,7%. Đặc biệt, dù đang trong giai đoạn đẩy mạnh đầu tư vào mạng lưới và công nghệ, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) vẫn được kiểm soát chặt chẽ ở mức 34,2%.
Những con số này không chỉ thể hiện năng lực quản trị vượt trội của HDBank, mà còn khẳng định vị thế dẫn đầu của ngân hàng trong việc tối ưu hóa lợi nhuận và phát triển bền vững.
Bên cạnh HDBank, TCB  của Techcombank là mã tăng mạnh thứ 3 trong bảng xếp hạng. Cổ phiếu này kết thúc năm 2024 ở mức giá 24.650 đồng/cp, tăng 50% so với cuối năm 2023.
Nhiều cổ phiếu khác cũng ghi nhận mức tăng từ 30-40% như STB  (+32%), VAB  (+34%), MBB  (+38%), CTG  (+39%).
Ngoài TCB, MBB, CTG, các cổ phiếu vốn hóa lớn khác như VCB của Vietcombank tăng 14%, VPB  của VPBank tăng 5%, BID  của BIDV tăng 5%.
Ở chiều ngược lại, một số cổ phiếu ngân hàng giảm giá trong năm 2024. SSB  của SeABank là mã giảm mạnh nhất, đóng cửa phiên 31/12/2024 còn 16.750 đồng/cp, giảm gần 4.300 đồng/cp, tương đương 20%. Ngoài ra, PGB  giảm 20%, NVB  giảm 15% và ABB  giảm 6%.
>> Dự báo KQKD 2024: Chuyên gia gọi tên 8 ngân hàng, kỳ vọng lớn vào Sacombank, HDBank, Techcombank…
Lợi nhuận nhóm ngân hàng tư nhân dự báo tăng 20%
Theo Vietcombank Securities (VCBS), lợi nhuận trước thuế (LNTT) ngành ngân hàng tiếp tục giữ đà tăng trưởng đạt mức khoảng 15% trong cả năm 2025. Trong đó, LNTT của nhóm ngân hàng tư nhân năng động dự kiến tăng trưởng 20%, nhóm quốc doanh duy trì ở mốc 12% và còn lại đạt 8%.
Trong nhóm ngân hàng tư nhân, VCBS đánh giá cao các ngân hàng: HDBank (HDB), MB (MBB) và Techcombank (TCB) với lợi nhuận kỳ vọng cho năm 2025 của từng ngân hàng có thể đạt mức 2x%.
HDBank là ngân hàng năng động với chiến lược phát triển bứt phá, tập trung mạnh vào phân khúc bán lẻ và SMEs, tài trợ chuỗi, nông nghiệp xanh… tại các đô thị loại 2.
VCBS ước tính lợi nhuận trước thuế của HDBank cho năm 2024 và 2025 lần lượt đạt 17.127 tỷ đồng và 21.613 tỷ đồng, lần lượt tăng 31,6% và 26,2% so với cùng kỳ. Như vậy, với kết quả tích cực, HDBank sẽ sở hữu chuỗi tăng trưởng lợi nhuận 13 năm liên tiếp, khẳng định vị thế Top đầu.
Theo VCBS, HDBank sẽ sở hữu chuỗi tăng trưởng lợi nhuận 13 năm liên tiếp |
Kết quả tích cực không chỉ là thành tựu của một năm nỗ lực, mà còn là minh chứng rõ nét cho nền tảng nội lực vững chắc mà HDBank xây dựng trong thời gian qua. Cụ thể, tín dụng ngân hàng ghi nhận ở mức vượt trội, được kỳ vọng cao hơn mặt bằng chung của ngành, lần lượt đạt 24,4% trong năm 2024 và 25,8% vào năm 2025.
Cùng với đó, NIM (biên lãi ròng) dự kiến sẽ cải thiện đáng kể nhờ chiến lược cho vay hiệu quả và tỷ lệ LDR (tín dụng trên huy động) duy trì ở mức thấp so với các ngân hàng khác.
Một động lực tăng trưởng quan trọng khác của HDBank đến từ công ty tài chính tiêu dùng HD Saison. Cụ thể, HD Saison kỳ vọng đóng góp vào LNTT của ngân hàng mẹ lần lượt 1.225 tỷ đồng cho năm 2024 và 1.650 tỷ đồng vào năm 2025, tăng 108% và 35%.
Bên cạnh HDBank, MB được dự phóng lợi nhuận trước thuế năm 2025 đạt 35.808 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Động lực của ngân hàng đến từ việc duy trì tín dụng trong nhóm dẫn đầu, đồng thời cải thiện biên lãi ròng (NIM) nhờ tỷ lệ CASA gia tăng và tỷ trọng cho vay bán lẻ được đẩy mạnh. Hoạt động bán chéo sản phẩm – vốn đã hồi phục mạnh mẽ từ năm 2024, tiếp tục trở thành "đòn bẩy" cho nguồn thu ngoài lãi của MB, bên cạnh chất lượng tài sản được kỳ vọng cải thiện rõ rệt.
LNTT năm 2025 của Techcombank được kỳ vọng đạt 30.037 tỷ đồng, tăng trưởng vượt bậc 22%. Điểm sáng của ngân hàng là tín dụng tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2024 kéo dài đến năm 2025, cùng với biên lãi ròng (NIM) cải thiện nhờ tỷ lệ CASA duy trì ở mức cao. Hơn nữa, chiến lược tối ưu hóa chi phí đã phát huy hiệu quả rõ nét, trong khi việc đa dạng hóa nguồn thu nhập ngoài lãi mở ra tiềm năng tăng trưởng bền vững cho Techcombank.
>> VN-Index có thể đạt đỉnh 1.663 điểm, lợi nhuận ngân hàng tư nhân kỳ vọng tăng 20%