Báo cáo tài chính quý 2/2022 của một số doanh nghiệp vừa công bố cho thấy đa số các doanh nghiệp trong ngành dược phẩm, thiết bị y tế có doanh thu và lợi nhuận sụt giảm nhẹ nhưng không đáng kể.
Đến ngày 19/7, đã có một số doanh nghiệp công bố Báo cáo tài chính quý 2/2022 như CTCP Dược phẩm Dược liệu Pharmedic (PMC), CTCP Dược phẩm Hà Tây (DHT), CTCP Dược phẩm Trung ương CPC1 (DP1),... Theo đó, đa số các doanh nghiệp này đều ghi nhận sự sụt giảm nhẹ về doanh thu và lợi nhuận so với cùng kỳ năm 2021.
Doanh thu thuần và lợi nhuận gộp của DHT giảm lần lượt 12% và 11% so với cùng thời điểm năm 2021, doanh thu chỉ đạt 404 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh cũng gặp khó khăn khi lợi nhuận chỉ mang về 22 tỷ đồng, tương đương giảm 12%. Kết quả, lợi nhuận sau thuế giảm xuống chỉ còn 19,7 tỷ đồng, trong đó 18,7 tỷ là lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ. Con số này so với quý 2/2021 tuy có sự sụt giảm nhưng không đáng kể.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra với PMC khi doanh thu thuần quý này đã giảm 5,3%. Tuy vậy lợi nhuận của công ty vẫn có sự tăng trưởng nhẹ do lợi nhuận đáng kể đến từ hoạt động tài chính. Kết quả, PMC ghi nhận lợi nhuận tăng 10%.
Trong số những doanh nghiệp kể trên, chỉ có DP1 ghi nhận doanh thu đạt 541 tỷ đồng, tăng gần 12% so với cùng kỳ. Tuy lợi nhuận gộp tăng 16% so với quý trước nhưng lợi nhuận sau thuế lại có sự giảm nhẹ.
Về triển vọng của ngành dược trong 6 tháng cuối năm, nhóm phân tích của SSI nhận định nhu cầu dược phẩm tiếp tục tăng đến cuối năm 2022 khi doanh thu ở kênh bệnh viện phục hồi mạnh. SSI kỳ vọng doanh thu dược phẩm tại kênh bệnh viện sẽ có sự phục hồi mạnh, đặc biệt là ở các tỉnh phía Nam, giúp tăng trưởng doanh thu toàn ngành đạt khoảng 13% so với cùng kỳ trong nửa cuối năm 2022 và 11% so với cùng kỳ đối với cả năm 2022, phục hồi gần về mức doanh thu trước dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, cuộc đua mở mới chuỗi nhà thuốc kích thích doanh thu ngành dược tăng cao trong vài năm tới. Theo đó, ba chuỗi nhà thuốc lớn nhất gồm Long Châu, An Khang, Pharmacity đang mở rộng nhanh chóng số lượng cửa hàng ra các tỉnh thành cả nước. Theo khảo sát từ IQVIA, tổng số cửa hàng thuốc của cả nước trong năm 2016 là 55.300 cửa hàng, với chỉ có 186 cửa hàng thuộc chuỗi nhà thuốc (~1% thị phần).
Mặc dù tỷ trọng chuỗi nhà thuốc vẫn còn khá nhỏ so với thị trường, nhưng kế hoạch đầy tham vọng của 3 chuỗi nhà thuốc hàng đầu sẽ đưa tổng số cửa hàng thuốc trong chuỗi nhà thuốc lên 7.300 cửa hàng trong năm 2025, tương đương 16% thị phần và do đó kích thích doanh thu ngành dược tăng cao hơn nhu cầu thực tế của người dân trong 2 - 5 năm tới, chủ yếu do các cửa hàng mới này sẽ đẩy mạnh tích trữ tồn kho thuốc.
Ngoài ra, việc thắt chặt nguồn cung sẽ thúc đẩy giá thuốc tăng ổn định. Tuy nhiên, thuốc nhập khẩu tiếp tục là mối lo ngại đối với các doanh nghiệp trong nước. Tổng giá trị nhập khẩu thuốc của Việt Nam tăng 21% so với cùng kỳ trong năm 2021 và tiếp tục tăng 25% trong quý I/2022, trong khi nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất thuốc trong nước chỉ tăng 3% so với cùng kỳ trong năm 2021 và giảm 11% so với cùng kỳ trong quý I/2022.
PVI báo lãi 428 tỷ đồng trong 6 tháng, hoàn thành 55% kế hoạch năm 
VPBank: 6 tháng đầu năm 2022 báo lãi sau thuế 12.240 tỷ đồng