Những ‘kho báu quý giá’ giúp Việt Nam thu về hơn 420 tỷ USD mỗi năm
Ngày 20/1, Bộ Công Thương Việt Nam phối hợp với Bộ Công Thương Czech tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Czech.
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, những năm qua Việt Nam luôn được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những nền kinh tế năng động, là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của khu vực và thế giới, với mức tăng trưởng GDP bình quân từ 6,5% đến 7%/năm.
Hiện Việt Nam có nền kinh tế lớn thứ 3 ASEAN  và thứ 32 thế giới; top 20 về thương mại quốc tế và Top 15 về thu hút FDI hàng đầu thế giới.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng được xem là một trong những “công xưởng” của thế giới, với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa hàng năm trên 420 tỷ USD.
Ảnh minh họa - Nguồn: VnExpress |
Những kho báu quý giá của Việt Nam
Về xuất khẩu, trong năm 2024 có 37 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 94,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 69%.
Trong những năm gần đây, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện liên tục đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu. Trong năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này đạt 72,58 tỷ USD, tăng 26,6% so với năm trước và chiếm tới 18% tổng kim ngạch xuất khẩu trên cả nước.
Trong năm 2024, mặt hàng này xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 23,2 tỷ USD, tăng 36,3%; sang EU (27 nước) đạt 9,9 tỷ USD, tăng 63,7%; sang Hồng Kông (Trung Quốc) đạt 8,16 tỷ USD, tăng 47,3%; sang Hàn Quốc đạt 5,73 tỷ USD, tăng 18,6%; sang Trung Quốc đạt 12,64 tỷ USD, giảm 3,1%.
Ngoài ra, trong năm 2024, kim ngạch xuất khẩu  điện thoại các loại và linh kiện đứng thứ hai với 53,89 tỷ USD, so với năm trước tăng 2,9%.
Xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đứng ở vị trí thứ ba với tổng kim ngạch đạt 52,19 tỷ USD, tăng 21% so với năm trước.
Nhóm hàng mới tham gia “câu lạc bộ chục tỷ đô” là thủy sản với kim ngạch xuất khẩu đạt 10,04 tỷ USD, tăng 11,9% so với năm trước.
Thủy sản của Việt Nam được xuất khẩu chủ yếu sang Hoa Kỳ (1,83 tỷ USD, tăng 17,6%); Trung Quốc (1,73 tỷ USD, tăng 29,4%); Nhật Bản (1,53 tỷ USD, tăng 1,1%); EU (1,04 tỷ USD, tăng 9,4%).
Ngoài ra, những mặt hàng xuất khẩu tỷ đô khác của Việt Nam bao gồm: hàng dệt, may với giá trị xuất khẩu đạt 37,04 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm trước; giày dép đạt 22,87 tỷ USD, tăng 13%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 16,28 tỷ USD, tăng 20,9%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 15,07 tỷ USD, tăng 6,4%.
Sự gia tăng xuất khẩu chủ yếu đến từ các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Trong đó, Hoa Kỳ vẫn là đối tác xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam với các mặt hàng như điện tử, dệt may, giày dép và nông sản.
Ngoài ra, trong năm 2024, việc gia tăng xuất khẩu sang các thị trường châu Phi và Nam Mỹ cũng trở thành một điểm sáng. Tại thị trường này, những mặt hàng như nông sản, thực phẩm chế biến sẵn và sản phẩm tiêu dùng đã đạt những thành tích ấn tượng.
Với những thành tích ấn tượng trên, Bộ Công Thương đặt mục tiêu phấn đấu trong năm 2025 tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khoảng 12% so với năm 2024.
Để đạt được mục tiêu trên, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi thông tin kịp thời cho các hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp; duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài; định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường;...
>>Xuất khẩu lập kỷ lục 400 tỷ USD, nhóm hàng nào đóng góp nhiều nhất? 
Việt Nam có vị thế ‘độc nhất, vô nhị’ để trở thành quốc gia phát triển trong khu vực 
Việt Nam nghiên cứu gia nhập Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế thế giới OECD