Những lễ vật không thể thiếu trên mâm cỗ cúng Rằm tháng Chạp (25/1 Dương lịch)
Tùy vào điều kiện và quan điểm, tín ngưỡng mà các gia đình lựa chọn có làm mâm cỗ mặn hay không. Điều quan trọng nhất vẫn là sự thành tâm.
Tháng Chạp  là tháng cuối cùng của năm âm lịch. Việc chuẩn bị mâm cỗ cúng Rằm tháng Chạp rất được các gia đình chú trọng vì ngoài ý nghĩa tri ân tổ tiên và các vị thần linh, chuẩn bị tống tiễn năm cũ thì với nhiều người còn là dịp để cầu mong những ngày cuối cùng của năm tai qua nạn khỏi, tránh rủi gặp may và cầu mong những điều lành trong năm mới.
Mâm cỗ cúng Rằm tháng Chạp cần những lễ vật gì?
Tùy theo tập tục của mỗi địa phương và điều kiện của mỗi gia đình mà mâm lễ cúng Rằm tháng Chạp được chuẩn bị khác nhau. Có nhà chỉ làm cỗ chay, có nhà chỉ dâng cỗ mặn, nhiều gia đình chuẩn bị cả hai mâm cỗ.
Mâm cỗ chay cúng ngày Rằm tháng Chạp:
- Nến hoặc đèn
- Hương
- Nước sạch
- Trầu cau
- Trái cây
- Hoa tươi
Mâm cỗ mặn cúng ngày Rằm tháng Chạp:
- Gà luộc: Trong mâm cỗ cúng ngày Rằm tháng Chạp không thể thiếu được một con gà luộc. Gà luộc da căng bóng, màu vàng đẹp, đầu ngẩng cao, hai cánh xòe ra. Gà nên chọn gà trống để dâng cúng, thể hiện được sự chu đáo của gia chủ .
- Xôi đậu hoặc xôi gấc: Đĩa xôi gấc đỏ au tượng trưng cho sự may mắn. Ngoài xôi gấc, bạn cũng có thể đồ xôi đậu để dâng cúng.
- Bánh chưng: Rằm tháng chạp được coi như là sự mở đầu của mùa Tết Nguyên đán, do đó một đĩa bánh chưng xanh gợi thêm không khí xuân mới thật gần. Màu xanh của bánh chưng sẽ giúp mâm cỗ thêm hài hoà.
- Canh: Trong mâm cỗ cúng Rằm tháng Chạp không thể thiếu được bát canh. Để mâm cỗ thêm đủ đầy, bạn có thể nấu canh miến, canh măng mọc, canh rau củ với nhiều màu sắc.
- Giò hoặc chả: Những đĩa giò, chả được cắt tỉa hình hoa đẹp mắt góp phần giúp mâm cỗ thêm trọn vẹn. Ngoài ra, nhiều gia chủ cũng làm các món giò đủ hương vị màu sắc như giò cuốn ngũ sắc, giò cuốn tai heo, giò thủ…
- Nem rán: Những cuốn nem rán giòn, thơm nức sẽ giúp mâm cỗ cúng của gia đình bạn thêm tươm tất.
- Món xào: Món xào trong mâm cỗ cúng Rằm tháng Chạp rất đa dạng, từ đơn giản đến phức tạp, từ dễ nấu đến cầu kỳ, chẳng hạn như rau cải chíp xào nấm hương, thịt bò xào ớt chuông... Thường người làm cỗ chọn món xào sao cho hài hòa với các món khác trong mâm cúng.- Rượu gạo và một vài món mặn khác.
Tùy vào điều kiện và quan điểm, tín ngưỡng  mà các gia đình lựa chọn có làm mâm cỗ mặn hay không. Điều quan trọng nhất vẫn là sự thành tâm.
Lễ cúng Rằm tháng Chạp có nên thực hiện trước vài ngày?
Thực ra, điều này không cần quá cứng nhắc, các gia đình có thể tùy ý thực hiện theo tập quán của từng địa phương, truyền thống của gia tộc và điều kiện cụ thể của mình. Rất nhiều gia đình cúng trước rằm. Tuy nhiên, phần lớn mọi người quan niệm rằng lễ này không nên tiến hành quá sớm, chỉ nên trước một vài ngày.
Năm nay, rằm tháng Chạp rơi vào thứ 5 (ngày 25/1/2024), là ngày làm việc trong tuần nên các gia chủ có thể sắp xếp cúng trước từ chiều tối 14 Âm lịch (tức thứ Tư ngày 24/1/2024) để tránh trường hợp hôm sau quá bận không kịp cúng.
Giờ cúng Rằm tháng Chạp không quá quan trọng, miễn là cúng trong vòng 2 ngày 14 hoặc 15 âm lịch. Tuy nhiên, thời điểm cúng Rằm tháng chạp tốt nhất là ban ngày hoặc chiều tối, tránh cúng quá muộn.
Lễ vật và văn khấn cúng vía Thần Tài 2024 giúp gia chủ tiền vàng ngập két, may mắn phát tài 
Đi lễ chùa đầu năm Quý Mão 2023 thế nào để "sở cầu như nguyện"?