Những lợi ích mà Liên minh châu Phi có được khi gia nhập G20
Trong ngày đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh, Nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G20) đã chào đón Liên minh châu Phi (AU) trở thành thành viên thường trực. Đây là một sự thừa nhận mạnh mẽ đối với châu Phi khi hơn 50 quốc gia tại đây đang tìm kiếm một vai trò quan trọng hơn trên trường toàn cầu.
Theo hãng tin AP, ngày 9/9, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tiếp đón chủ tịch hiện tại của AU, Tổng thống Comoros Azali Assoumani, bằng một cái ôm nồng ấm tại hội nghị thượng đỉnh G20 mà nước ông đăng cai tổ chức, bày tỏ ông “rất phấn khởi” trước động thái trở thành thành viên của AU.
“Xin chúc mừng toàn thể châu Phi!”, Tổng thống Senegal Macky Sall, cựu chủ tịch AU, người đã giúp thúc đẩy việc trở thành thành viên, cho biết. Người phát ngôn Ebba Kalondo cho biết trong 7 năm nay, AU nỗ lực mong muốn trở thành thành viên thường trực. Cho đến nay, Nam Phi là thành viên G20 duy nhất của khối.
Vậy gia nhập G20 có ý nghĩa gì với Liên minh châu Phi?
Tư cách thành viên thường trực của G20 báo hiệu sự trỗi dậy của một lục địa có dân số trẻ 1,3 tỷ người, dự kiến tăng gấp đôi vào năm 2050 và chiếm 1/4 dân số hành tinh.
Từ lâu, 55 quốc gia thành viên của AU, bao gồm cả Tây Sahara, luôn mong muốn thúc đẩy các vai trò nổi bật hơn của khối trong các cơ quan toàn cầu, bao gồm cả Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Họ cũng muốn cải cách hệ thống tài chính toàn cầu khi Ngân hàng Thế giới (WB) và các tổ chức khác đang buộc các nước châu Phi phải trả nhiều tiền hơn các nước khác để vay tiền, khiến nợ nần của họ ngày càng nghiêm trọng hơn.
Tính đến thời điểm hiện tại, châu Phi đã trở thành địa điểm thu hút đầu tư và lợi ích chính trị từ một thế hệ cường quốc toàn cầu mới ngoài Mỹ và các nước thực dân châu Âu trước đây của lục địa này. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi và là một trong những người cho vay lớn nhất. Nga là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho nước này. Các quốc gia vùng Vịnh cũng trở thành một trong những nhà đầu tư lớn nhất của lục địa. Căn cứ quân sự và đại sứ quán ở nước ngoài lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ nằm ở Somalia. Israel và Iran đều đang tăng cường tiếp cận châu lục để tìm kiếm đối tác.Một số nhà lãnh đạo châu Phi mong muốn trở thành nhà môi giới, thể hiện qua những nỗ lực hòa bình ở châu Phi trong xung đột Ukraine-Nga.
Việc trao tư cách thành viên của Liên minh châu Phi trong G20 là một bước công nhận lục địa này là một cường quốc toàn cầu.
Với vị thế mới, AU có thể đại diện cho một lục địa có khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới. Châu lục này cũng vô cùng giàu tài nguyên mà thế giới cần để chống lại biến đổi khí hậu.
Lục địa châu Phi sở hữu 60% tài sản năng lượng tái tạo toàn cầu và hơn 30% khoáng sản quan trọng đối với công nghệ tái tạo và ít carbon. Theo báo cáo của Liên hợp quốc về sự phát triển kinh tế của châu Phi công bố vào tháng trước, chỉ riêng Congo đã sở hữu gần một nửa lượng coban của thế giới, một kim loại cần thiết cho pin lithium-ion.
Trong hàng chục năm qua, các nhà lãnh đạo châu Phi đã mệt mỏi khi chứng kiến người ngoài khai thác tài nguyên của lục địa để chế biến và kiếm lợi nhuận ở nơi khác. Họ muốn phát triển công nghiệp nhiều hơn ở gần quê hương hơn để mang lại lợi ích cho nền kinh tế nước mình.
Tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu châu Phi đầu tiên vừa diễn ra trong tuần qua, Tổng thống Kenya William Ruto cho biết nếu tính đến tài sản tự nhiên của châu Phi thì lục địa này vô cùng giàu có. Cuộc họp ở Nairobi đã kết thúc với lời kêu gọi các tổ chức tài chính toàn cầu đối xử công bằng hơn, cung cấp 100 tỷ USD mỗi năm như đã hứa từ lâu cho các nước giàu để tài trợ khí hậu cho các quốc gia đang phát triển và thuế toàn cầu đối với nhiên liệu hóa thạch.
Tuy nhiên, AU đang phải đối mặt với nhiều thách thức và cũng rất khó có thể vượt qua những thách thức đó để trở thành một người chơi có tiếng nói hơn trên đấu trường toàn cầu. Tìm được quan điểmchung giữa các quốc gia thành viên AU, từ các cường quốc kinh tế Nigeria và Ethiopia cho đến một số quốc gia nghèo nhất thế giới, là một trong những thách thức nổi cộm. Bên cạnh đó, bản thân AU cũngluôn bị các nước bên ngoài thúc giục phải mạnh mẽ hơn trong việc ứng phó với các cuộc đảo chính và các cuộc khủng hoảng khác.
Chức chủ tịch luân phiên của cơ quan, thay đổi hàng năm, cũng cản trở sự nhất quán. Theo ông Ibrahim Assane Mayaki, cựu thủ tướng Niger, và Daouda Sembene, cựu giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, châu Phi sẽ cần phải có tiếng nói chung nếu muốn ảnh hưởng đến việc ra quyết định của G20.
Quốc gia từng giàu có nhất một lục địa nay chìm trong khủng hoảng, đồng tiền mất giá 230% 
Nga nói Mỹ đang tăng cường hoạt động quân sự - sinh học tại châu Phi