'Nợ nần chồng chất', Mỹ có thể bị hạ bậc tín nhiệm
Moody’s tiếp tục cảnh báo về tình trạng nợ công của Mỹ và dường như tiến gần hơn đến việc hạ bậc tín nhiệm.
Mỹ từ lâu đã hưởng lợi từ "exorbitant privilege" (tạm dịch: đặc quyền vượt trội) khi đồng USD là đồng tiền dự trữ toàn cầu. Tuy nhiên, tình trạng nợ công và thâm hụt ngày càng trầm trọng có thể làm lu mờ lợi thế đó.
Mới đây Moody’s đã đưa ra một cảnh báo mới về tình hình tài chính đang xấu đi của Mỹ . Hãng xếp hạng tín nhiệm này nhấn mạnh rằng vị thế tín dụng hạng AAA của Mỹ ngày càng phụ thuộc vào "sức mạnh kinh tế phi thường" và "vai trò trung tâm của đồng USD cùng thị trường trái phiếu Kho bạc Mỹ trong hệ thống tài chính toàn cầu".

Hãng này cho biết lãi suất cao đã khiến việc vay nợ trở nên kém bền vững hơn. Một phần nguyên nhân đến từ chính sách tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) nhằm kiểm soát lạm phát, cũng như mức thâm hụt ngân sách lớn dưới thời Tổng thống Joe Biden.
Tuy nhiên, Moody’s cũng cảnh báo rằng các chính sách của Tổng thống Donald Trump  có thể làm tình hình tồi tệ hơn, đe dọa các lợi thế tài chính của Mỹ.
"Các tác động tiêu cực từ mức thuế quan cao duy trì lâu dài, cắt giảm thuế không có nguồn bù đắp và các rủi ro lớn đối với nền kinh tế đã làm giảm khả năng những lợi thế của Mỹ có thể tiếp tục bù đắp thâm hụt tài khóa ngày càng mở rộng và khả năng trả nợ suy giảm", báo cáo của Moody’s nêu rõ.
Trên thực tế, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) cảnh báo rằng nếu các khoản cắt giảm thuế từ nhiệm kỳ đầu của ông Trump được gia hạn vĩnh viễn, tỷ lệ nợ công trên GDP sẽ đạt 214% vào năm 2054. Trong trường hợp lãi suất tăng thêm 1 điểm phần trăm do tình hình tài khóa xấu đi, nợ công có thể đạt 204% GDP vào năm 2047 và vượt 250% vào năm 2054.
Moody’s là tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn cuối cùng vẫn giữ mức đánh giá cao nhất (AAA) cho nợ công Mỹ. Trước đó, Fitch đã hạ tín nhiệm Mỹ một bậc vào năm 2023 do tình trạng tài khóa xấu đi và những lần đối đầu chính trị về trần nợ. Standard & Poor’s cũng đã có động thái tương tự vào năm 2011 sau một cuộc khủng hoảng trần nợ trước đó.
Vào tháng 11/2023, Moody’s đã hạ triển vọng tín nhiệm của Mỹ xuống mức tiêu cực, thường là dấu hiệu báo trước một đợt hạ bậc xếp hạng. Báo cáo mới nhất không cho thấy dấu hiệu cải thiện. Theo ước tính của Moody’s, đến năm 2035, Mỹ có thể phải dành 30% doanh thu để trả lãi nợ, tăng mạnh so với mức 9% vào năm 2021 khi chi phí vay còn thấp. Trong khi đó, tỷ lệ nợ công trên GDP dự kiến tăng lên khoảng 130% vào năm 2035, từ gần 100% vào năm 2025.
Ngay cả trong kịch bản lạc quan nhất, "khả năng chi trả nợ của Mỹ vẫn yếu hơn đáng kể so với các quốc gia có xếp hạng AAA khác," cho thấy Moody’s có thể đang tiến gần hơn đến việc hạ bậc tín nhiệm.
Nhà Trắng và các chuyên gia nói gì?
Nhà Trắng chưa có phản hồi ngay về báo cáo của Moody’s, nhưng trước đó đã cho rằng các chính sách cải cách của chính quyền Trump, như tăng sản lượng năng lượng, nới lỏng quy định và cắt giảm chi tiêu, sẽ thúc đẩy tăng trưởng và mở rộng cơ sở thuế. Điều này có thể giúp giảm lạm phát, tạo điều kiện cho Fed cắt giảm lãi suất và giảm chi phí vay nợ.
Dù vậy, các chuyên gia vẫn cảnh báo rủi ro. Ông Bruce Kasman, chuyên gia kinh tế trưởng của JPMorgan, nhận định rằng Mỹ vẫn đang hưởng lợi từ "exorbitant privilege" nhờ hệ thống pháp luật minh bạch, thanh khoản dồi dào và nền kinh tế mạnh mẽ.
"Tôi nghĩ Mỹ vẫn duy trì được lợi thế này khi các nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng nắm giữ tài sản Mỹ”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn trước khi Moody’s công bố báo cáo.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng có những rủi ro tiềm ẩn, đặc biệt nếu Mỹ không kiểm soát được thâm hụt tài khóa, che giấu dữ liệu kinh tế hoặc áp đặt điều kiện bất lợi cho người nắm giữ trái phiếu.
Nếu vị thế đặc quyền của Mỹ suy giảm và nhu cầu đối với tài sản Mỹ giảm, ông Kasman dự báo sự thay đổi sẽ diễn ra từ từ thông qua chi phí tài chính ngày càng cao, thay vì một cuộc khủng hoảng đột ngột.
"Những thay đổi này thường diễn ra theo xu hướng dài hạn hơn là các cú sốc bất ngờ. Tôi nghĩ đây là rủi ro lớn hơn mà Mỹ đang phải đối mặt", ông nói, đồng thời dự báo chi phí vay có thể tăng thêm từ 50 đến 100 điểm cơ bản.
Theo Yahoo
>> Nhà đầu tư tháo chạy, USD lao dốc: Chuyện gì đang xảy ra với siêu cường số 1 thế giới? 
Cảnh báo nợ công Mỹ vượt 200% GDP nếu duy trì chính sách thuế quan 
TikTok ‘bùng nổ’: Công ty mẹ được định giá kỷ lục 300 tỷ USD, gây chấn động thị trường