Nợ xấu tại Coteccons (CTD) 'phình to', đạt mức 2.243 tỷ đồng
Nợ xấu và trích lập dự phòng tại Coteccons có xu hướng tăng mạnh trong các quý vừa qua. Tuy nhiên, sức khỏe tài chính của doanh nghiệp vẫn được đảm bảo bởi nợ vay ròng bằng 0 và lượng backlog lên đến 30.000 tỷ đồng.
Nợ xấu của CTCP Xây dựng Coteccons (HoSE: CTD ) đang có xu hướng "phình to" sau mỗi quý. Tại thời điểm ngày 30/6, công ty ghi nhận khoản nợ xấu lên tới 2.243 tỷ đồng, tăng 1,6% so với quý trước và 35,1% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, Coteccons đã trích lập dự phòng lên tới 1.355 tỷ đồng (chiếm 60%), tăng 6% so với quý trước và 15,1% so với cùng kỳ năm trước.
Các khoản nợ xấu lớn từ các khách hàng như Tân Hoàng Minh (484 tỷ đồng), Minh Việt (122 tỷ đồng), Saigon Glory (143 tỷ đồng) vẫn không thay đổi so với quý trước và đã được Coteccons trích lập dự phòng toàn bộ.
Nợ xấu của Coteccons liên tục gia tăng (Nguồn: VNDirect Research) |
Chủ tịch HĐQT Coteccons, ông Bolat Duisenov, đã chia sẻ với cổ đông trong cuộc họp hồi tháng 9 rằng, nguyên tắc của Coteccons là khi thấy nợ khó thu hồi, công ty chắc chắn phải trích lập khoản dự phòng. Tuy nhiên, nhìn chung, vấn đề này không ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tài chính của công ty.
"Trích lập dự phòng không phải là điều tệ hại hay quá tiêu cực. Nó không có nghĩa là khoản đó sẽ bị lãng quên và không thể thu hồi, mà công ty sẽ có đội ngũ chuyên trách theo dõi sát sao và hối thúc chủ đầu tư thanh toán. Cá nhân tôi tự tin rằng Coteccons sẽ sớm nhận lại phần lớn số tiền này" - ông Bolat khẳng định.
VNDirect Research kỳ vọng mức trích lập dự phòng sẽ giảm trong những năm tới nhờ vào việc công ty đã áp dụng cách tiếp cận thận trọng hơn trong việc lựa chọn các hợp đồng để thực hiện, từ đó giảm thiểu rủi ro hình thành nợ khó đòi, cũng như việc thu hồi lại một phần các khoản phải thu.
Nguồn: VNDirect Research |
Dù nợ xấu liên tục tăng cao, nhìn chung Coteccons vẫn có sức khỏe tài chính tốt hơn nhiều công ty trong cùng ngành. Tại thời điểm ngày 30/6, quy mô tài sản của công ty đạt 22.869 tỷ đồng, trong đó, tiền mặt và tiền gửi ngân hàng lên đến 3.826 tỷ đồng (chiếm 17%). Sau khi trừ đi các khoản nợ vay, công ty không có nợ vay ròng. Trong khi đó, tỷ lệ nợ vay ròng/vốn chủ sở hữu của Hòa Bình (HBC ) là 251%, Hưng Thịnh Incons (HTN ) là 130%, và Vinaconex (VCG ) là 57%...
Coteccons được đánh giá sẽ hưởng lợi từ làn sóng FDI đang gia tăng, cùng với những nỗ lực chủ động của Việt Nam trong việc củng cố vai trò của mình trong ngành công nghệ toàn cầu. Điều này tạo ra xu hướng mạnh mẽ trong việc xây dựng các cơ sở sản xuất chất lượng cao trong những năm tới. Kinh nghiệm xây dựng các dự án nhà máy cho các chủ đầu tư lớn như Lego, VinFast,... sẽ giúp Coteccons trở thành một trong những ứng cử viên hàng đầu khi các nhà sản xuất nước ngoài khác chính thức gia nhập thị trường Việt Nam.
Hiện nay, backlog (khối lượng công việc chưa thực hiện) của Coteccons đạt khoảng 30.000 tỷ đồng, trong đó 20.000 tỷ đồng dự kiến sẽ được ghi nhận vào doanh thu trong niên độ từ tháng 6/2024 - 6/2025. Cơ cấu backlog bao gồm: (1) bất động sản công nghiệp, chiếm khoảng 50%, chủ yếu được thúc đẩy bởi các hợp đồng với doanh nghiệp FDI; (2) bất động sản nhà ở, chiếm 45%, được hỗ trợ bởi việc bán hàng lại cho các chủ đầu tư lớn, từ đó đảm bảo dòng doanh thu ổn định; (3) bất động sản du lịch và nghỉ dưỡng, xây dựng hạ tầng, chiếm 5%.
Trong giai đoạn từ tháng 6/2023 - 6/2024, tổng giá trị hợp đồng ký mới đạt 22.000 tỷ đồng. Trong đó, 41 dự án đã có được thông qua chiến lược "bán hàng lại" của Coteccons, nhờ vào việc công ty đấu thầu thành công hoặc được trao thầu trực tiếp từ các chủ đầu tư mà công ty đã hợp tác trước đó.
>> Coteccons (CTD) bất ngờ đề xuất trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 10%