Nobel Văn học 2024: Bài học xuất khẩu văn chương từ Hàn Quốc
Sự kiện nhà văn Han Kang thắng giải Nobel Văn học 2024 khẳng định, chiến lược xuất khẩu văn học nói riêng, đầu tư cho văn hóa nói chung của Hàn Quốc đáng nể tới mức nào. Những chính sách hỗ trợ sáng tác và quảng bá văn học của đất nước này cũng là gợi ý cho sự phát triển của nhiều quốc gia trong khu vực.
Kinh nghiệm từ Hàn Quốc
Những cái tên như Parasite (Ký sinh trùng), Squid game (Trò chơi con mực), BTS, BlackPink và rất nhiều thần tượng khác là ví dụ điển hình cho nền văn hóa đại chúng Hàn Quốc với sức ảnh hưởng xuyên biên giới. Thế nhưng, Hàn Quốc không chỉ có âm nhạc, phim ảnh khiến cả thế giới xiêu lòng. Nền văn học của quốc gia này cũng có nhiều thành tựu rực rỡ. Sự kiện nhà văn Han Kang  thắng giải Nobel Văn học 2024 một lần nữa khẳng định, chiến lược xuất khẩu văn học nói riêng, đầu tư cho văn hóa nói chung của xứ sở kim chi khiến người ta nể phục. Trước đó, từ năm 2022, có đến hai tác phẩm từ đất nước này góp mặt vào trong danh sách đề cử giải Booker quốc tế - một trong những giải thưởng văn chương danh giá nhất thế giới cho sách viết bằng ngôn ngữ ngoài tiếng Anh.
Độc giả xếp hàng để mua sách của nhà văn Han Kang tại Seoul (Hàn Quốc) một ngày sau khi nữ tác giả giành giải Nobel Văn học 2024. |
Đó là thành quả của nhiều chương trình giao lưu, hỗ trợ xuất bản… từ đó góp phần đưa văn chương Hàn Quốc đến gần hơn nữa với độc giả trẻ.
Viện Dịch thuật văn học Hàn Quốc nhiều năm liền hỗ trợ về mặt tài chính cũng như kết nối với đơn vị xuất bản ở nhiều quốc gia. Tính đến tháng 10/2022, hơn 109 đầu sách Hàn đã được hỗ trợ dịch thuật cũng như quảng bá sang hơn 25 ngôn ngữ khác nhau trên toàn thế giới. Viện Dịch thuật văn học Hàn Quốc cũng tổ chức các tọa đàm, các cuộc thi điểm sách văn học Hàn Quốc cũng như tài trợ các thư viện sách cho viện nghiên cứu, thư viện các trường đại học có khoa Hàn Quốc… ở nhiều khu vực. Số lượng đơn vị xuất bản của Hàn Quốc đã lên đến hàng trăm.
Không thể phủ nhận phim ảnh, âm nhạc,… khiến độc giả quốc tế quen thuộc hơn với ngôn ngữ Hàn Quốc, giúp tiểu thuyết dịch cũng phổ biến hơn. Trong một chương trình giao lưu tại Việt Nam vào tháng 7/2024, GS. Kim Jae Yong (Khoa Ngữ văn - Đại học Wonkwang, đồng thời là Tổng biên tập Tạp chí Văn học toàn cầu Hàn Quốc) cho biết, Nhật Bản, Trung Quốc hướng đến mục tiêu đoạt giải Nobel, nhưng Hàn Quốc quan tâm nhất đến việc giới thiệu văn chương nước mình đến rộng rãi độc giả quốc tế. Vài tháng sau, Hàn Quốc thắng giải Nobel Văn học 2024, và nhiều quốc gia trên thế giới học được từ họ kinh nghiệm quảng bá tác phẩm ra nước ngoài.
Một tác giả nhí người Việt vừa có tiểu thuyết đầu tay được viết hoàn toàn bằng tiếng Anh và xuất bản toàn cầu. Đây là tin vui với văn học Việt. Nguyễn Khánh Chi là học sinh lớp 6 tại một Trường Quốc tế Hà Nội ra mắt cuốn tiểu thuyết đầu tay có tên Magic runs wild (Phép thuật hoang dại). Tác phẩm được viết hoàn toàn bằng tiếng Anh, do NXB Ukiyoto tại Canada phát hành toàn cầu vào cuối tháng 9/2024. Magic runs wild cũng được đăng tải trên các kênh phát hành sách quốc tế khác như: Google book, Librarywala,…
Theo trang Hankyung, với giải Nobel Văn học 2024 của Han Kang, GS. Lee Ji-young (Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc) nhận định, thành tích của nhà văn Han Kang đã giúp văn hóa Hàn Quốc có một bước nhảy vọt.
Cần “bà đỡ”
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khẳng định, trong những năm qua, Hàn Quốc đã trở thành một hiện tượng toàn cầu về xuất khẩu văn hóa, đặc biệt là lĩnh vực điện ảnh và âm nhạc. Thành công này không phải ngẫu nhiên mà là kết quả của một chiến lược dài hạn, được chính phủ hoạch định kỹ lưỡng và đầu tư bài bản.
Cần thêm những chính sách hỗ trợ sáng tác và quảng bá văn học ở Việt Nam. |
“Chiến lược xuất khẩu văn hóa của Hàn Quốc rất thành công nhờ vào sự kết hợp giữa sức mạnh sáng tạo nội địa và việc xây dựng hình ảnh văn hóa quốc gia một cách có hệ thống. Chính phủ Hàn Quốc nhận ra tầm quan trọng của quyền lực mềm và đã khéo léo sử dụng văn hóa để tăng cường vị thế của quốc gia trên trường quốc tế”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu.
Chuyên gia nhấn mạnh, văn chương Việt dù phong phú nhưng vẫn thiếu những bước đi đồng bộ và táo bạo để bước ra thế giới một cách mạnh mẽ.
Dịch giả Nguyễn Thị Hiền nhận định, văn học Việt Nam cũng có nhiều tác phẩm hay, nhưng chưa giới thiệu bài bản được đến độc giả nước ngoài. Chưa tính đến câu chuyện xuất khẩu văn học, việc phát hành tác phẩm văn học trong nước cũng khó khăn, nhất là đối với tác giả trẻ chưa nhiều tên tuổi.
Dịch giả Lê Đăng Hoan - người có kinh nghiệm chuyển ngữ tác phẩm văn học Hàn sang tiếng Việt và ngược lại - cho rằng, việc đưa tác phẩm ra nước ngoài cần đến sự hậu thuẫn, giúp đỡ từ nhà nước. Điều này cần được thực hiện bài bản trong các khâu, từ tuyển chọn tác phẩm, dịch thuật, xuất bản cho đến phát hành. Không thể dừng lại ở những tác phẩm in ra chỉ để tặng, giao lưu nội bộ, mà cần phải có sự giao lưu văn học hai chiều. Từ đó, tác phẩm mới được phổ biến rộng rãi.
>> Điều chưa biết về nữ nhà văn Hàn Quốc đoạt giải Nobel văn học 2024