Nỗi băn khoăn từ việc điện gió, điện mặt trời không có ưu đãi nào khi vay vốn
Theo chuyên gia Lê Xuân Nghĩa, cho vay dự án điện gió, điện mặt trời... vẫn chỉ là những khoản cho vay hoặc đầu tư thông thường với đầy đủ điều kiện về tài sản đảm bảo, lãi suất, kỳ hạn mà không có ưu tiên, ưu đãi nào.
15,5 tỷ USD chưa tìm được dự án cho vay
Tại tọa đàm “Triển vọng phát triển Tài chính xanh” do tạp chí Đầu tư Tài chính tổ chức chiều 6/8, TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương hiệu và cạnh tranh, cho rằng, phát triển xanh không chỉ là cam kết chính trị mạnh mẽ của cả quốc gia, mà là mệnh lệnh từ chính thị trường khi người tiêu dùng yêu cầu xanh hơn, an toàn hơn; từ chính yêu cầu của các nước phát triển; từ tài chính, không xanh không cho vay.
Hiện 80% lượng vốn tài chính đòi hỏi ESG (môi trường - xã hội - quản trị) mới cấp vốn. Những vấn đề này với doanh nghiệp không chỉ là tồn tại hay không tồn tại, mà còn nắm bắt được nhiều cơ hội mới khi phát triển xanh.
Nhấn mạnh tài chính xanh  là cuộc cách mạng về thể chế, công nghệ với nhiều điểm mới như tiêu chí, tiêu chuẩn xanh, nguồn gốc xuất xứ xanh,... song ông thừa nhận có nhiều thách thức mà các doanh nghiệp phải đối mặt như chi phí chuyển đổi, áp lực từ thị trường và câu chuyện thể chế.
Về nguồn lực tài chính, ông Thành nhận định chuyển đổi xanh cần nhiều chi phí, đòi hỏi rất nhiều vốn. Quá trình này phải làm từ trên xuống, thay đổi thể chế pháp lý, chính sách, cách tiếp cận của doanh nghiệp...
Theo ông, kinh tế xanh, tài chính xanh là một sự chuyển đổi toàn diện. Trong quá trình này, rõ ràng tài chính rất quan trọng nên rất cần sự tham gia của các định chế tài chính, các quỹ.
Từ câu chuyện thực tế, TS Võ Trí Thành chỉ rõ “chúng ta đang vừa làm vừa chạy”. Theo ông, không riêng gì vấn đề kinh tế xanh, tài chính xanh mà cả kinh tế số, tài chính số hay phát triển tài chính... chúng ta đều đang làm dang dở. Nếu tiếp tục chờ luật thì sẽ mất thêm khoảng 4 năm nên cần có chính sách đột phá để phát triển kinh tế, tài chính xanh.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLaw - cho hay, nước ta đã quan tâm đến việc xây dựng khuôn khổ pháp lý về kinh tế xanh, tài chính xanh từ rất sớm, nhưng chưa được như kỳ vọng.
Việc thiếu hành lang pháp lý, thiếu quy định pháp luật ảnh hưởng rất nhiều lên quyết định của các nhà đầu tư vào thị trường này. Thêm vào đó, Việt Nam chưa xây dựng các bộ tiêu chí xanh khác nhau cho từng ngành cụ thể. Do đó, chặng đường phát triển tài chính xanh, kinh tế xanh ở nước ta vẫn đang còn nhiều thách thức.
TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nêu thực trạng có nguồn tài chính xanh nhưng doanh nghiệp chưa tiếp cận được.
Ông dẫn chứng về con số 15,5 tỷ USD mà cơ chế Đối tác Chuyển đổi Năng lượng công bằng dành cho Việt Nam để chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, nhưng đến nay chưa tìm được dự án vay hoặc nhận tài trợ do những vướng mắc liên quan đến thủ tục.
Mở rộng ra câu chuyện chính sách xanh, ông Nghĩa đánh giá, chúng ta đang nói rất nhiều nhưng làm rất ít. Thực tế, các khoản tín dụng xanh và trái phiếu xanh dành cho các dự án điện gió, điện mặt trời... vẫn chỉ là những khoản cho vay hoặc đầu tư thông thường với đầy đủ điều kiện về tài sản đảm bảo, lãi suất, kỳ hạn mà không có ưu tiên, ưu đãi nào.
Chưa kể, quy mô của các khoản quỹ càng không tương xứng với nhu cầu về tài chính xanh. Ngân hàng Thế giới ước tính chúng ta cần tới 360-400 tỷ USD để chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính từ nay đến 2030.
Muốn hút vốn xanh, doanh nghiệp phải có chiến lược
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Tài chính PAN Group - cho hay, công ty đã tiếp cận rất nhiều định chế tài chính quốc tế và nhận thấy sản phẩm tài chính bền vững là phù hợp.
Theo ông, tại Việt Nam có 2 sản phẩm theo định chế này, gồm: sản phẩm tài chính xanh dành cho các doanh nghiệp có dự án xanh lớn và dễ được các tổ chức quốc tế tài trợ; sản phẩm khác sẽ yêu cầu các doanh nghiệp cam kết giảm phát thải theo các tiêu chí ESG. PAN Group đang theo cả hai sản phẩm.
Các doanh nghiệp cũng có thể tiếp cận nguồn tài chính xanh theo cách trên mà không phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vốn nhà nước. Song, ông Tuấn cũng lưu ý, muốn tiếp cận các định chế tài chính, bản thân doanh nghiệp phải có nền tảng nhất định về phát triển bền vững cũng như quản trị bền vững.
Chủ tịch IIA Việt Nam Hoàng Đức Hùng nêu vấn đề: “Trong dòng chảy tài chính xanh, làm sao để tiền chảy vào đúng chỗ?” Theo ông, doanh nghiệp phải thể hiện mình “xanh”. Xanh ở đây không chỉ là vấn đề môi trường, mà rộng hơn là vấn đề ESG và phát triển bền vững. Tiền chảy vào doanh nghiệp không chỉ đơn thuần vì họ xanh, mà còn vì họ đạt được sự cân bằng, có sự cam kết và xã hội và phương thức quản trị.
Thế nên, để các quỹ đầu tư rót vốn vào doanh nghiệp, việc thẩm định là đương nhiên. Doanh nghiệp phải có báo cáo để các bên hữu quan nhìn thấy cam kết của mình.
Việt Nam có hạn chế là chưa có khung báo cáo về phát triển bền vững, về xanh. “Các bên cho vay có tiêu chí của họ. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý cũng cần xây dựng khung báo cáo phát triển bền vững. Phương pháp luận, công cụ đo lường cũng cần phải được chuẩn hóa”, ông Hùng góp ý và cho rằng về dài hạn và quan trọng nhất là ý thức của lãnh đạo cao nhất trong doanh nghiệp.
"Muốn hút vốn xanh, doanh nghiệp phải có chiến lược và định hướng cụ thể. Không phải nay nói xanh thì mai có thể xanh được ngay. Khi đã bị mang tiếng thì khó sửa và rất khó tìm bạn để chơi", ông Hùng chia sẻ.
>> HDBank đạt 13.017 tỷ đồng lợi nhuận, đẩy mạnh tài chính xanh và chuyển đổi số toàn diện
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng lập công ty mua bán và cho thuê xe điện thúc đẩy chuyển đổi xanh 
'Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số phải song hành cùng nhau, bổ trợ cho nhau'