Nơi cuối cùng quyết định kết quả bầu cử tổng thống Mỹ
Quận Maricopa của bang Arizona là nơi cuối cùng quyết định liệu bà Kamala Harris hay ông Donald Trump sẽ trở thành tổng thống tiếp theo của Mỹ và đảng nào sẽ kiểm soát Thượng viện.
Ông Trump diễn thuyết vận động cử tri ở Arizona, ngày 23/8. (Ảnh: AP) |
Quận này bị phân cực chính trị đến mức có thể mất hơn 1 tuần để biết ai giành chiến thắng. Năm nay, các quan chức bầu cử cảnh báo có thể mất tới 13 ngày để kiểm tất cả phiếu ở Maricopa.
Việc kiểm phiếu kéo dài khiến quận này trở thành trung tâm của các thuyết âm mưu xung quanh sự kiện bầu cử tổng thống Mỹ . Nhưng lý do tại sao phải mất nhiều thời gian như vậy lại rất đơn giản.
Đây là một quận đang phát triển nhanh chóng và nằm trên khu vực rộng lớn.
Quận Maricopa trải dài trên hơn 23.000 km, với 4,5 triệu cư dân, là nơi sinh sống của 60% cử tri của Arizona. Maricopa có nhiều cư dân hơn gần một nửa số bang của cả nước.
Vài chục năm trước, quận này chỉ có chưa đến 1 triệu dân, nhưng sau đó trở thành nơi hấp dẫn với nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu, những người muốn chạy trốn khỏi nơi lạnh giá hoặc tình trạng bất ổn về kinh tế và chính trị, để đến một thành phố đầy nắng, giá cả sinh hoạt phải chăng và sạch sẽ hơn.
Năm 1993, dân số của Maricopa là 2,3 triệu người. Khi đó, đảng Cộng hòa thống trị cơ quan lập pháp của bang và quận Maricopa. Ngày nay, dân số của Maricopa tăng gấp đôi và chính trị cũng thay đổi. Arizona hiện có một thống đốc là người của đảng Dân chủ, được bầu vào năm 2022.
Cả hai thượng nghị sĩ của quận cũng là người của đảng Dân chủ.
Lý do đổi màu
Một trong những lý do khiến màu của Maricopa đổi từ đỏ sang xanh là do làn sóng nhập cư từ Mexico.
Bà Harris vận động ở Arizona, ngày 9/8. (Ảnh: AP) |
Trong những năm 1990, chính quyền của Tổng thống Bill Clinton khi đó củng cố biên giới của California, đẩy làn sóng di cư bất hợp pháp đến Arizona, nơi vốn đã có cộng đồng dân gốc Tây Ban Nha đông đảo.
Nhập cư nhanh chóng trở thành vấn đề chính trị, khi nhiều người trong cộng đồng gốc Latin đông đảo ở bang này cảm thấy đảng Cộng hòa coi thường họ.
Thay đổi lớn nhất diễn ra vào năm 2010, khi cơ quan lập pháp do đảng Cộng hòa kiểm soát của Arizona thông qua luật SB1070, cho phép cảnh sát địa phương chặn những người mà họ nghi ngờ nhập cư bất hợp pháp vào bang này.
Luật mà phe phản đối gọi là "Show Me Your Papers" (Hãy trình giấy tờ) là luật chống nhập cư khắc nghiệt nhất trong cả nước, khiến cộng đồng dân gốc Latin càng quay lưng với đảng Cộng hòa.
Một vành đai các khu phố giàu có hơn bao quanh trung tâm thành phố Phoenix của quận Maricopa, nơi một nhà máy sản xuất chip Intel mới đã thu hút nhiều công nhân công nghệ cao, đã chuyển từ ủng hộ đảng Cộng hòa sang đảng Dân chủ. Người địa phương gọi đây là "khu vực đảo ngược".
Tên gọi “khu vực đảo ngược” cũng có ý nói đến trình độ học vấn của người dân ở Maricopa. Trước đây, người dân ở đây có trình độ học vấn thấp hơn mức trung bình toàn quốc, nhưng hiện tại, quận này tự hào với tỷ lệ người dân có bằng đại học cao hơn một chút so với mức trung bình toàn quốc.
Quận này trở thành trung tâm của những thuyết âm mưu. Trong cuộc bầu cử năm 2020, ông Trump tuyên bố đã chiến thắng tại Arizona. Những người ủng hộ ông tập trung bên ngoài văn phòng bầu cử của quận, mang theo cả vũ khí và cờ để biểu tình. Ông Rudy Giuliani, luật sư của ông Trump khi đó, tổ chức các phiên điều trần tại một khách sạn ở Phoenix.
Stephen Richer, một thành viên đảng Cộng hòa lên tiếng bảo vệ kết quả bầu cử của quận, đã bị ông Trump chỉ trích. Richer và gia đình ông nhận nhiều lời đe dọa.
Richer cho biết lý do một số thành viên đảng Cộng hòa vẫn hoài nghi về cách thức bỏ phiếu và kiểm phiếu ở quận này là do đây là nơi tốt nhất để làm suy yếu niềm tin vào các cuộc bầu cử quốc gia.
Maricopa là quận dao động nằm trong một bang dao động. "Nếu bạn thực sự muốn củng cố thuyết âm mưu của mình thì Maricopa sẽ là nơi như vậy", ông Richer cho biết.
Lý do khiến việc kiểm phiếu ở Maricopa mất nhiều thời gian còn là do đây là khu vực bầu cử lớn thứ hai trong cả nước, và vì đây là quận dao động nên phải mất nhiều thời gian hơn để xác định người chiến thắng.
Điều đó gây ấn tượng rằng việc kiểm phiếu có thể hỗn loạn. Luật bỏ phiếu qua thư của Arizona cũng khiến thời gian kiểm phiếu kéo dài.
Năm 2022, có đến 293.000 cử tri, tương đương 1/5 tổng số phiếu bầu tại Maricopa, đã được gửi qua thư. Việc kiểm phiếu qua thư mất nhiều thời gian hơn vì trước khi kiểm đếm, nhân viên phải quét các phong bì thư, phân loại và kiểm tra chữ ký để bảo đảm phiếu hợp lệ.
Một số bang như Florida yêu cầu tất cả phiếu qua thư phải được gửi trước ngày bầu cử để quá trình này kết thúc khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa. Nhưng theo luật của Arizona, khi các điểm bỏ phiếu của Maricopa đóng cửa thì mọi thứ mới chỉ bắt đầu.
Luật của Arizona cũng cho phép cử tri sửa lá phiếu của họ trong tối đa 5 hôm sau ngày bầu cử. Điều đó có nghĩa là nếu văn phòng bầu cử xác định chữ ký trên lá phiếu hoặc một số chi tiết có sai sót, cử tri có thêm 5 ngày để đến sửa cho lá phiếu hợp lệ.
>> Giới nghệ sĩ chia rẽ vì ông Trump và bà Kamala Harris