Nối gót Hòa Phát và Hoa Sen, một ông lớn ngành thép tham gia 'đường đua' bất động sản với dự án đầu tay tại miền Trung
Tôn Đông Á (GDA) lên kế hoạch mua lại công ty bất động sản và xây nhà máy thép 10.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp dự định huy động vốn qua trái phiếu và phát hành cổ phiếu cho cổ đông.
CTCP Tôn Đông Á (UPCoM: GDA ) sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 vào ngày 28/6 tới đây. Trong cuộc họp lần này, HĐQT sẽ trình cổ đông kế hoạch triển khai đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, nông nghiệp với tỷ lệ không vượt quá 20% vốn điều lệ hoặc 10% vốn chủ sở hữu tại thời điểm đầu tư.
Vốn điều lệ của Tôn Đông Á ở ngày 31/3 là 1.146,9 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu là 3.688 tỷ đồng. Nếu tạm lấy theo số liệu này, nguồn vốn cho đầu tư bất động sản của doanh nghiệp dưới 400 tỷ đồng.
TDA dự định giao cho công ty con là Công ty TNHH MTV Tôn Đông Á Đà Nẵng tham gia góp vốn đầu tư dự án bất động sản tại miền Trung bằng cách mua lại 95% vốn điều lệ của Công ty TNHH Thương mại đầu tư và Xây dựng tổng hợp SBC Miền Trung.
Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó doanh nghiệp dự định đầu tư nhà máy thép lá mạ với công suất 1,2 triệu tấn/năm để nâng công suất toàn hệ thống lên 2 triệu tấn/năm, sản phẩm được cung ứng cho ngành xây dựng, thiết bị gia dụng và ô tô. Lộ trình đầu tư trong 6 - 8 năm với tổng mức đầu tư dự kiến 10.000 tỷ đồng chia làm 4 giai đoạn. Tôn Đông Á sẽ thành lập công ty TNHH mới với vốn góp không dưới 70%, địa điểm nhà máy nằm trong các khu vực cảng biển và sông ngòi.
Hiện Tôn Đông Á đang quản lý vận hành 2 nhà máy sản xuất tôn mạ ở Khu công nghiệp Sóng Thần 1 và Khu công nghiệp Đồng An 2 với công suất tối đa đạt 850.000 tấn/năm.
Tại thời điểm ngày 31/3, quy mô tài sản của Tôn Đông Á là 13.145,7 tỷ đồng, trong đó có 3.986,4 tỷ đồng là tiền mặt, tiền gửi (chiếm 30,3%) và 4.751,8 tỷ đồng hàng tồn kho (chiếm 36,1%). Tuy nhiên, số tài sản này hình thành chủ yếu từ nợ khi vốn chủ sở hữu là 3.688 tỷ đồng. Nợ phải trả đạt 9.457,7 tỷ đồng, trong đó, nợ vay là 6.549 tỷ đồng.
Công ty dự kiến sẽ huy động vốn bằng cách phát hành cổ phiếu cho cổ đông với giá không thấp hơn 10.000 đồng/cp và số lượng 20% - 30% số cổ phiếu đang lưu hành, thời gian năm 2025 - 2026. Số tiền huy động từ cổ đông sẽ sử dụng để đầu tư mới và bổ sung nguồn vốn hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, Tôn Đông Á sẽ phát hành tối đa 500 tỷ đồng trái phiếu hoặc trái phiếu chuyển đổi.
Năm 2024, Tôn Đông Á đặt mục tiêu tổng sản lượng đạt 780.000 tấn (+0,6% YoY), tổng doanh thu 18.000 tỷ đồng (+3,2% YoY) và lợi nhuận sau thuế 300 tỷ đồng (+5,6% YoY).
Trong cùng ngành, Hòa Phát (HPG ) đã "chắc chân" trong lĩnh vực bất động sản trong nhiều năm nay. Gần đây, Hoa Sen (HSG ) cũng trở lại "đường đua" bất động sản khi hồi cuối năm 2023, Tập đoàn thông qua kế hoạch góp vốn với tỷ lệ 40% để thành lập CTCP Hoa Sen Sài Gòn, đơn vị sẽ hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm bất động sản có giá trị 1.000 - 3.000 tỷ đồng. Mới đây, Hoa Sen rót thêm 200 tỷ đồng để hoàn thiện dự án Khách sạn Yên Bái đã "đắp chiếu" nhiều năm.