Nóng: Phát hiện hơn 1.700 virus mới trong sông băng ở Trung Quốc, có thể giải phóng mầm bệnh chưa ai biết đến?
May mắn, tất cả 1.700 loại virus được tìm thấy trong lõi băng ở Cao nguyên Thanh Tạng không gây ra mối đe dọa nào đối với sức khỏe con người.
Theo Daily Mail, các nhà khoa học đã phát hiện ra hơn 1.700 loại virus  cổ đại “núp sâu” bên trong một sông băng ở miền Tây Trung Quốc . Phát hiện này vừa được đăng trên tập san Nature Geoscience.
Đáng chú ý, phần lớn trong số đó chưa từng được phát hiện trước đây. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng khi thế giới nóng lên và băng tan, nó có thể giải phóng các mầm bệnh mà khoa học chưa biết đến, từ đó gây ra một đại dịch chết người.
Cụ thể, một nhóm nhà nghiên cứu quốc tế đã tìm thấy nhiều virus trong lõi băng dài 304m được lấy từ sông băng Guliya trên Cao nguyên Thanh Tạng, nằm ở giao điểm của Trung Á, Nam Á và Đông Á. Các loại virus này có niên đại từ 41.000 năm trước và sinh tồn qua ba lần thay đổi lớn từ khí hậu lạnh sang ấm.
Giới khoa học từng ghi nhận các tác nhân gây bệnh chết người xuất hiện từ tầng đất đóng băng vĩnh cửu tan chảy ở nhiều địa điểm khác trên thế giới. Điều này làm dấy lên nỗi sợ về một đợt bùng phát dịch tiềm tàng.
Ví dụ, vào năm 2016, bào tử bệnh than đã thoát ra từ xác động vật bị đông lạnh trong tầng đất đóng băng vĩnh cửu ở Siberia. Chúng khiến hàng chục người phải nhập viện và một trẻ em tử vong.
Nhưng may mắn, tất cả 1.700 loại virus được tìm thấy trong lõi băng ở Cao nguyên Thanh Tạng không gây ra mối đe dọa nào đối với sức khỏe con người. Chúng chỉ có thể lây nhiễm cho cổ khuẩn và vi khuẩn. Chúng không thể khiến con người, động vật hoặc thậm chí là thực vật bị bệnh.
Nhưng việc nghiên cứu chúng rất quan trọng bởi chúng cung cấp dữ liệu quý giá về lịch sử khí hậu của Trái Đất và có thể giúp con người hiểu được các vi khuẩn trong tương lai có thể trông như thế nào.
Theo Daily Mail