Nữ Giám đốc Đỗ Thị Thu chiếm đoạt hàng tỷ đồng bằng cách lừa đảo sinh viên, phụ huynh: Cơ quan Công an vạch trần chiêu trò mới!
Theo cơ quan chức năng, bên tuyển sinh du học thật sẽ không cam kết "đỗ 100%", không yêu cầu nộp tiền trước khi mời nhập học chính thức…
Ngày 11/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an TP. Hà Nội) cho biết đã ra Quyết định khởi tố bị can đối với Đỗ Thị Thu (sinh năm 1983, trú tại khu đô thị Vinhomes SmartCity, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản ”.
Quá trình điều tra xác định, Công ty TNHH Tư vấn Nguyễn Gia Global do Đỗ Thị Thu làm Giám đốc, có trụ sở tại L7-56, khu đô thị Athena Fulland, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai (Hà Nội), không được cấp phép hoạt động trong các lĩnh vực tư vấn du học, đưa người đi lao động nước ngoài hay kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế.

Tuy nhiên, từ năm 2022 đến 2024, công ty này đã tung ra các thông tin gian dối về khả năng xin visa du học, lao động và du lịch tại Úc để lừa đảo các môi giới và người dân có nhu cầu. Hình thức lừa đảo là ký hợp đồng tư vấn xin visa, thu tiền đặt cọc và học phí.
Thủ đoạn của Đỗ Thị Thu là trực tiếp quảng bá hoặc sử dụng mạng xã hội để “thổi phồng” năng lực bản thân, tự nhận có mối quan hệ với nhiều đối tác, lãnh đạo trong và ngoài nước, có thể dễ dàng giúp khách hàng đi du học hoặc xuất khẩu lao động.
Khai báo với cơ quan điều tra, Đỗ Thị Thu thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Công ty do Thu làm Giám đốc không hề được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cấp phép tư vấn du học, nhưng vẫn ký hợp đồng, thỏa thuận với khách hàng, đồng thời lập các chứng từ giả mạo liên quan đến việc xin visa du học và du học nghề tại Úc.
Mỗi trường hợp, Thu yêu cầu khách hàng nộp từ 290 triệu đồng đến 353 triệu đồng trọn gói, bao gồm chi phí học tiếng Anh, dịch thuật hồ sơ, phí lăn tay, thư mời nhập học, học phí, bảo hiểm, hỗ trợ thuê nhà và xin việc làm sau khi sang Úc.
Để tạo vỏ bọc hoàn hảo cho hành vi lừa đảo , Thu thuê giáo viên dạy tiếng Anh ngay tại công ty và cam kết đào tạo đến khi đạt IELTS 6.5 hoặc đủ điểm PTE để đủ điều kiện xin visa. Trong quá trình học, để thúc ép khách hàng tiếp tục nộp tiền, Thu tung tin đã có thư mời học và tự giới thiệu mình là đại lý của các trường tại Úc. Đối tượng này còn hứa nếu khách nộp học phí cho mình sẽ được giảm 30% học phí toàn khóa, miễn tiền bảo hiểm và hoàn tiền nhanh hơn so với việc nộp trực tiếp cho trường, khiến nhiều khách hàng tin tưởng và nộp từ 100 triệu đến 350 triệu đồng/người.
Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, các thỏa thuận giữa Thu và khách hàng hoàn toàn không được thực hiện. Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều người có nhu cầu du học hoặc xuất khẩu lao động đã bị lừa, bị chiếm đoạt số tiền lớn. Đáng chú ý, nhiều người ở các tỉnh xa, phải vay tiền với lãi suất cao để nộp cho Thu, dẫn đến cảnh nợ nần, kiệt quệ.
Với thủ đoạn nêu trên, Thu đã ký hợp đồng “tư vấn du học”, “tư vấn xin visa” với nhiều người và chiếm đoạt tổng số tiền lên đến 3.387.950.000 đồng. Hiện vụ án đang tiếp tục được điều tra mở rộng.
Nhiều thủ đoạn lừa đảo nhằm vào sinh viên nở rộ
Thời gian gần đây, thủ đoạn lừa đảo tương tự đang có chiều hướng gia tăng, nhằm vào phụ huynh và học sinh, sinh viên. Trang Thông tin Chính phủ và Công an các địa phương cũng đã nhiều lần cảnh báo.

Theo cơ quan chức năng, các đối tượng thường lập các trang Facebook giả mạo, sử dụng logo, tên gọi và hình ảnh giống các trường đại học danh tiếng trong và ngoài nước, sau đó chạy quảng cáo trên mạng xã hội. Chúng đăng thông tin tuyển sinh với nhiều ưu đãi hấp dẫn như miễn học phí, học bổng toàn phần, xét tuyển đơn giản, chỉ cần học bạ hoặc phỏng vấn online…
Điểm chung là các thông tin này tạo cảm giác “cơ hội dễ dàng”, đánh vào tâm lý muốn “đi tắt đón đầu” của phụ huynh và học sinh. Khi đã thu hút được sự quan tâm, đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân như học bạ, địa chỉ, mã số học sinh...
Tiếp đó, chúng giả mạo email, website của trường để gửi thông báo trúng tuyển và đề nghị chuyển khoản học phí, phí hồ sơ hay giữ chỗ. Thường kèm theo là yêu cầu chuyển tiền gấp để nhận ưu đãi, sau đó chiếm đoạt số tiền.
Để phòng tránh lừa đảo, cơ quan An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ khuyến cáo người dân:
Xác minh thông tin chính xác: Kiểm tra thông tin trường hoặc trung tâm trên website chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc cơ quan chức năng tại nước sở tại như “www.moet.gov.vn” (Việt Nam), “teqsa.gov.au” (Úc), “nces.ed.gov” (Mỹ)... Nên yêu cầu xuất trình giấy phép hoạt động của tổ chức tư vấn du học.
Không tin vào quảng cáo cam kết đỗ 100%: Tổ chức uy tín không bao giờ yêu cầu nộp tiền khi chưa có thư mời nhập học hay thu phí “xử lý hồ sơ” để nhận học bổng.
Chỉ giao dịch qua tài khoản công ty rõ ràng: Đọc kỹ hợp đồng, yêu cầu hóa đơn chứng từ đầy đủ, làm việc trực tiếp, không chuyển tiền cho cá nhân hay tài khoản mờ ám.
Tránh truy cập các đường link lạ: Không mở liên kết, tập tin đính kèm trong email hay tin nhắn đáng ngờ.
Cập nhật thông tin phòng chống lừa đảo: Tuyên truyền cho người thân, đặc biệt là học sinh, sinh viên để nhận biết thủ đoạn lừa đảo.
Phát hiện dấu hiệu bất thường, lập tức dừng giao dịch: Báo ngay cho Công an nơi gần nhất để xử lý kịp thời, đồng thời thay đổi mật khẩu, khóa tài khoản nếu cần.
Cựu hành viên nhóm nhạc T-ara bị tuyên án tù với tội danh lừa đảo
Chủ tịch Vietravel Airlines bị giả danh lừa đảo, phải lập tức gửi thông báo nóng