Nước mắt cổ đông Angimex (AGM): Một lần lên đỉnh, ba năm khóc ròng
Cảnh "tiệc tan, khách ra về, cổ đông đến chậm trắng tay" không phải là kịch bản mới mẻ đối với cổ phiếu doanh nghiệp buôn gạo Angimex (AGM). Những chuỗi tăng trần rồi sụt giảm mạnh đã khiến nỗi đau của nhiều cổ đông nhân lên gấp bội.
3 năm, 4 lần vẽ mô hình cây thông
Kết phiên giao dịch ngày 23/9, cổ phiếu AGM  của CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex - HoSE) giảm sàn phiên thứ hai liên tiếp, về mức 4.190 đồng/cp; khớp lệnh hơn 310.000 đơn vị.
"Gáo nước lạnh" tiếp tục dội vào những cổ đông "đu đỉnh" AGM ngay sau phiên đảo chiều giảm sàn trước đó. Tính từ mức giá đóng cửa ngày 19/9, nhiều nhà đầu tư đã lỗ hơn 13% ngay khi cổ phiếu về tài khoản. Những cổ đông mua vào tại mức 5.160 đồng trong phiên 20/9 thậm chí lỗ tới 18,8%.
"Tiệc tan thì khách ra về, cổ đông đến chậm ra về trắng tay" - đây vốn không phải kịch bản mới ở cổ phiếu của doanh nghiệp buôn gạo này. Tính từ đầu năm 2022, khi thị trường chứng khoán rơi từ đỉnh, cổ phiếu AGM đã có ít nhất 3 lần dựng sóng bằng chuỗi leo trần trước khi rơi mạnh ngay sau đó.
Cổ phiếu AGM hiện có giá chỉ tương đương một cốc trà đá |
>> Vừa mới giao dịch trở lại, cổ phiếu AGM bị HoSE đưa vào diện kiểm soát 
Đua lệnh từ đầu tháng 3/2022, chỉ sau 12 tháng, nhiều cổ đông Angimex lỗ hơn 90% danh mục khi giá rơi từ mức 6x về còn 5.x đồng.
Nửa cuối tháng 7/2023, trong cơn sóng cổ phiếu doanh nghiệp buôn gạo (khi Ấn Độ và nhiều nước thông báo ngừng xuất khẩu gạo), chuỗi tăng ấn tượng 130% chỉ sau 3 tuần đã giúp cổ phiếu AGM áp sát mốc 14.000 đồng/cp. Tuy nhiên, chỉ hơn một tháng sau đó, mã đã giảm về điểm bắt đầu bằng chuỗi giảm sàn trước khi bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) đưa vào diện đình chỉ giao dịch.
Cuối tháng 3/2024, 18,2 triệu cổ phiếu AGM được HoSE cho phép giao dịch trở lại. Hiệu ứng tức thời giúp mã bật tăng gần 30%, lên mốc 8.000 đồng/cp chỉ sau 2 phiên. Tuy nhiên, đây cũng là điểm bắt đầu “cơn ác mộng” cho những nhà đầu tư tin rằng AGM đã thực sự "rẻ", thực sự hấp dẫn để xuống tiền. Chỉ hơn 4 tháng sau khi được Sở "cởi trói", nhiều cổ đông Angimex đã ngậm ngùi báo lỗ gần 70% danh mục. Đầu tháng 8/2024, cổ phiếu AGM chỉ còn 2.680 đồng.
Một kịch bản "đu đỉnh - bán đáy" đang dần hiện hữu trong tháng 9 sau chuỗi 8 phiên tăng trần của cổ phiếu AGM từ hiệu ứng siêu bão Yagi (bão số 3).
Cổ phiếu "bốc hơi", dòng tiền mất hút
Trong cả quá trình đầu tư từ tháng 3/2022 đến nay, cổ phiếu AGM đã giảm 94%, khiến cơ hội cho những cổ đông Angimex cách đây hơn hai năm "về bờ" ngày càng xa vời. Thậm chí, những nhịp đua trần, mua đỉnh - bán đáy khiến nỗi buồn càng nhân lên.
Ông Đỗ Thành Nhân tại Angimex (thứ hai từ trái sang) thời điểm trước khi bị khởi tố |
Angimex từng là doanh nghiệp trong hệ sinh thái Louis Holdings  - tập hợp hàng loạt gương mặt niêm yết trên sàn. Cổ phiếu AGM cũng là cái tên từng "làm mưa làm gió" nửa cuối năm 2021 dưới sự điều hành của cựu Chủ tịch Đỗ Thành Nhân .
Sau khi nhóm Louis rời đi, "cuộc chơi" ở AGM cũng dần khép lại. Năm 2022, công ty chứng kiến doanh thu giảm nhẹ còn 3.430 tỷ đồng, đến năm 2023 còn chưa đầy 800 tỷ. Hoạt động kinh doanh dưới giá vốn khiến công ty lỗ sau thuế lần lượt 233 tỷ đồng và 221 tỷ đồng. Tình hình kinh doanh nửa đầu năm 2024 tiếp tục bết bát khi doanh thu Angimex chỉ còn 150 tỷ đồng. Khoản lỗ 98 tỷ đồng đã làm tăng lỗ lũy kế lên -264 tỷ đồng.
Đến cuối quý II/2024, công ty vay nợ gần 960 tỷ đồng (chiếm 77,5% nợ phải trả). Trong khi đó, vốn chủ sở hữu đã chuyển âm 82,3 tỷ đồng, và lượng tiền mặt cùng tương đương tiền chỉ còn 6,3 tỷ đồng.
>> Kẹt tiền, ‘vua gạo’ một thời Angimex (AGM) sắp bán 5 lô đất để trả nợ 210 tỷ đồng trái phiếu