Thế giới

Ô nhiễm kim loại nặng đe dọa hàng trăm triệu ha đất canh tác lúa gạo, loạt quốc gia châu Á nằm trong vùng nguy hiểm

Thiên Kim 22/04/2025 - 09:10

Vấn đề này không chỉ đe dọa an toàn thực phẩm mà còn phủ bóng lên an ninh lương thực toàn cầu, khi các vùng ô nhiễm nặng lại là những trung tâm sản xuất và tiêu thụ gạo lớn nhất hành tinh.

Một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Science cảnh báo rằng các quốc gia sản xuất gạo lớn trên thế giới đang nằm trong “vành đai ô nhiễm” kim loại nặng, đặt ra mối lo ngại cấp bách về an toàn thực phẩm toàn cầu.

Nhóm nghiên cứu tại Trung Quốc đã sử dụng công nghệ học máy để phân tích hàng trăm nghiên cứu dựa trên mẫu đất từ khắp nơi trên thế giới. Kết quả cho thấy, nhiều vùng trồng lúa màu mỡ nhất tại Nam Á và Đông Nam Á đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ ô nhiễm cadmium – một kim loại nặng độc hại.

Theo nghiên cứu do giáo sư Hou Deyi (khoa Môi trường thuộc Đại học Thanh Hoa) dẫn đầu, khoảng 1,4 tỷ người trên thế giới đang bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm kim loại nặng và 17% diện tích đất canh tác (tương đương 242 triệu ha) đã bị nhiễm độc.

Không chỉ vậy, nhiều khu vực có vai trò quan trọng với an ninh lương thực toàn cầu cũng bị phát hiện là điểm nóng ô nhiễm liên quan đến các bệnh về thận, xương và hô hấp.

Ô nhiễm kim loại nặng đe dọa hàng trăm triệu ha đất canh tác lúa gạo, loạt quốc gia châu Á nằm trong vùng nguy hiểm - ảnh 1
Ô nhiễm kim loại độc hại có thể tồn tại trong suốt nhiều thập kỷ. Ảnh: SCMP

Cadmium – một chất gây ung thư – xuất hiện phổ biến nhất tại các vùng sản xuất gạo lớn như Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Trung Quốc và Thái Lan. Việt Nam cũng là một trong những nước xuất khẩu gạo chủ lực, tuy nhiên mức độ ô nhiễm kim loại nặng tại đây được đánh giá là tương đối thấp.

Theo Statista, Ấn Độ hiện là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, dự kiến đạt 22 triệu tấn trong niên vụ 2024–2025, tiếp theo là Thái Lan với khoảng 7,5 triệu tấn. Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh là 3 quốc gia tiêu thụ gạo nhiều nhất. Trong đó, Trung Quốc sử dụng khoảng 155 triệu tấn trong niên vụ 2022–2023.

Kim loại nặng độc hại trong đất có nguồn gốc từ cả tự nhiên lẫn hoạt động của con người. Chúng có thể tồn tại hàng chục năm và gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ sinh thái cũng như sức khỏe con người.

Những kim loại độc hại phổ biến bao gồm asen, cadmium, crôm, cobalt, đồng, chì và niken – trong đó cadmium là chất xuất hiện nhiều nhất. Tình trạng ô nhiễm cadmium nghiêm trọng chủ yếu tập trung tại khu vực Nam Á và Đông Nam Á, đặc biệt là miền Bắc và Nam Ấn Độ. Sau đó là Pakistan, Bangladesh, miền Nam Trung Quốc, Thái Lan và Campuchia. Tất cả các khu vực mà lúa là cây lương thực chính.

Dù ô nhiễm đất đã được nghiên cứu trong nhiều thập kỷ, dữ liệu toàn cầu chi tiết và bản đồ không gian độ phân giải cao vẫn còn thiếu. Nhóm nghiên cứu đã phân tích dữ liệu lớn từ 1.493 nghiên cứu với tổng cộng 796.084 mẫu đất thu thập tại 91 quốc gia.

Ô nhiễm kim loại nặng đe dọa hàng trăm triệu ha đất canh tác lúa gạo, loạt quốc gia châu Á nằm trong vùng nguy hiểm - ảnh 2
Bản đồ mức độ ô nhiễm đất toàn cầu. Ảnh: Tạp chí Science

Bằng thuật toán “Extremely Randomised Trees”, họ ước tính nồng độ kim loại nặng trong đất dựa trên các chỉ số như khí hậu, địa chất, địa hình và yếu tố kinh tế – xã hội của từng khu vực. Theo định nghĩa của nhóm nghiên cứu, những vùng có nồng độ vượt quá 125% ngưỡng an toàn nghiêm ngặt nhất được xem là đã bị ô nhiễm.

Kết quả chỉ ra rằng, khoảng 14–17% diện tích đất nông nghiệp toàn cầu vượt ngưỡng an toàn với ít nhất một kim loại nặng độc hại. Cadmium là tác nhân phổ biến nhất, hiện diện tại 9% diện tích đất canh tác, tiếp theo là niken (5,8%) và crôm (3,2%).

Dù một số khu vực đã được xác định từ trước là có rủi ro cao, nghiên cứu lần này đã tạo ra bản đồ ô nhiễm đất toàn cầu toàn diện nhất từ trước đến nay.

Hoạt động luyện kim – từng là động lực phát triển của nhân loại suốt hàng nghìn năm – cũng đồng thời là nguồn phát tán kim loại nặng ra môi trường, từ thời kỳ đồ đồng cho đến kỷ nguyên pin sạc và smartphone hiện nay.

“Chúng tôi hy vọng dữ liệu ô nhiễm đất toàn cầu trong báo cáo này sẽ là lời cảnh báo khoa học để các nhà hoạch định chính sách và nông dân hành động ngay lập tức nhằm bảo vệ tài nguyên đất quý giá của thế giới”, ông Hou phát biểu.

Theo SCMP

>> Cháy lớn tại chung cư 21 tầng khiến nhiều người bỏng nặng, có người rơi từ tầng cao xuống đất: Huy động hơn 170 cảnh sát cơ động, phát hiện thư tuyệt mệnh 'bí ẩn'

Quảng cáo sữa hạnh nhân nhưng chỉ 2% là hạnh nhân, còn lại là nước và phụ gia, một hãng sữa phải bồi thường 230 tỷ đồng

Hơn 100 sản phẩm ăn dặm bị phát hiện chứa chì, gọi tên loạt thương hiệu lớn

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/o-nhiem-kim-loai-nang-de-doa-hang-tram-trieu-ha-dat-canh-tac-lua-gao-loat-quoc-gia-chau-a-nam-trong-vung-nguy-hiem-140940.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Ô nhiễm kim loại nặng đe dọa hàng trăm triệu ha đất canh tác lúa gạo, loạt quốc gia châu Á nằm trong vùng nguy hiểm
    POWERED BY ONECMS & INTECH