Ông Donald Trump chỉ trích mức phí lên đến 300.000 USD/tàu: Để ngỏ khả năng dùng vũ lực để giành kênh đào Panama
Donald Trump chỉ trích mức phí mà Panama thu thật nực cười và chia sẻ việc không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để giành quyền kiểm soát, gây chú ý dư luận.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã gây xôn xao dư luận khi để ngỏ khả năng sử dụng vũ lực để giành lại quyền kiểm soát kênh đào Panama – tuyến đường thủy chiến lược kết nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Trong cuộc họp báo ngày 7/1 tại Mar-a-Lago, Florida, ông Trump tuyên bố rằng Mỹ "có thể cần phải làm gì đó" để bảo vệ lợi ích quốc gia.
Ông nhấn mạnh vai trò quan trọng của kênh đào Panama đối với nền kinh tế và an ninh Mỹ, đồng thời chỉ trích Panama áp đặt mức phí quá cao đối với tàu thuyền đi qua. "Chúng tôi sẽ không để kênh đào này rơi vào tay những kẻ xấu", ông nói, ám chỉ mối đe dọa từ sự hiện diện kinh tế của Trung Quốc tại khu vực. Trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump nhấn mạnh: "Các khoản phí mà Panama thu thật nực cười, đặc biệt là khi biết đến sự hào phóng phi thường mà Mỹ đã dành cho Panama".
Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump tại West Palm Beach. Ảnh: AP |
Tuyến đường thủy huyết mạch và những con số đáng chú ý
Panama tính phí đối với tàu thuyền đi qua kênh đào Panama, khoản phí này thay đổi tùy theo kích thước và mục đích của tàu thuyền, dao động từ thấp nhất 0,5 USD đến cao nhất 300.000 USD.
Tuy nhiên, Tổng thống Panama José Raúl Mulino nhanh chóng đáp trả, khẳng định sự độc lập và chủ quyền của Panama là không thể thương lượng. Ông bác bỏ cáo buộc về mức phí không hợp lý, đồng thời nhấn mạnh rằng mọi mét vuông của kênh đào đều thuộc về Panama. "Chúng ta sẽ chờ xem" ông Trump nói, để ngỏ khả năng hành động trong tương lai.
Kênh đào Panama dài 82 km, hoàn thành vào năm 1914, đóng vai trò là một trong những tuyến đường thủy quan trọng nhất thế giới. Với mức phí dao động từ 0,5 USD đến 300.000 USD mỗi chuyến, kênh đào này mang lại doanh thu kỷ lục 4,986 tỷ USD trong năm tài chính 2023-2024. Dù hạn hán kéo dài khiến lượng tàu vận chuyển giảm 20%, kênh đào vẫn đóng góp khoảng 2,5% thương mại đường biển toàn cầu.
Mỹ, với tư cách là khách hàng lớn nhất, chiếm 75% lượng hàng hóa qua kênh đào hàng năm, trong khi Trung Quốc đứng ở vị trí thứ hai. Kênh đào này cũng là mắt xích không thể thiếu trong hoạt động nhập khẩu ô tô và khí đốt từ châu Á, cũng như xuất khẩu hàng hóa của Mỹ.
Kênh đào Panama. Ảnh: Reuters |
Tham vọng và những thách thức
Lịch sử xây dựng kênh đào Panama cho thấy đây không chỉ là một công trình vĩ đại mà còn là biểu tượng của quyền lực quốc tế. Từ những nỗ lực ban đầu của Pháp vào thế kỷ 19 đến việc Mỹ hoàn tất công trình vào năm 1914, kênh đào đã trải qua những tranh chấp ngoại giao và chính trị dai dẳng. Sau hàng chục năm khai thác, Mỹ chuyển giao kênh đào cho Panama vào năm 1999, đánh dấu bước ngoặt trong quan hệ hai nước.
Hiện tại, tham vọng của ông Trump đối với kênh đào này đặt ra nhiều câu hỏi. Liệu chính quyền sắp tới có thể thay đổi lịch sử bằng cách tái kiểm soát tuyến đường chiến lược này, hay đây chỉ là một phần của chiến lược gây áp lực kinh tế và chính trị đối với Panama? Những diễn biến tiếp theo chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của dư luận toàn cầu.
>> Hai ông Trump, Biden và thông điệp trái ngược trong ngày Giáng sinh 
Ông Trump tuyên bố sẵn sàng ‘dùng vũ lực’ để giành lấy Greenland và kênh đào Panama 
Tim Cook quyên góp 1 triệu USD cho quỹ nhậm chức Tổng thống Donald Trump