Ông Hoàng Nam Tiến: ‘Chỉ 5 năm sau, Việt Nam sẽ là nơi phải đến của ngành công nghiệp bán dẫn’

13-04-2024 19:54|Khúc Văn

Bày tỏ niềm tin về quá trình phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam, ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT khẳng định chỉ 5 năm nữa thôi, Việt Nam sẽ là nơi cần đến, phải đến của ngành công nghiệp bán dẫn thế giới.

Việt Nam đã có nền tảng để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn

Thống kê cho thấy, từ năm 2001 đến nay, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đã có sự phát triển vượt bậc, đạt giá trị gần 800 tỷ USD vào năm 2023. Hiện nay, với sự phát triển của khoa học và công nghệ, xu hướng phát triển các lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao như ô tô tự hành, trí tuệ nhân tạo, lưu trữ đám mây, chuyển đổi số và dữ liệu lớn… đã trở thành động lực chính thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp bán dẫn trong tương lai.

Ở Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh lĩnh vực công nghiệp bán dẫn vẫn đang phụ thuộc 100% nguồn cung chip bán dẫn từ nước ngoài. Ở trong nước mới chỉ có Tổng Công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel và Công ty CP bán dẫn FPT tham gia công đoạn thiết kế chip bán dẫn. Các công ty có vốn đầu tư nước ngoài đa phần thực hiện các công đoạn gia công thiết kế vi mạch, lắp rắp và kiểm định.

Ông Hoàng Nam Tiến: ‘Chỉ 5 năm sau, Việt Nam sẽ là nơi phải đến của ngành công nghiệp bán dẫn’
Ông Hoàng Nam Tiến.

Những năm gần đây, sự dịch chuyển của các chuỗi sản xuất chất bán dẫn toàn cầu đã và đang mở ra cơ hội cho ngành công nghiệp bán dẫn trong nước. Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến của nhiều hãng sản xuất linh kiện điện tử, bán dẫn khi thu hút được một số doanh nghiệp hàng đầu thế giới như Intel, Samsung, Foxconn, Amkor… tới đầu tư xây dựng nhà máy.

>>Quốc gia châu Á khởi công cùng lúc 2 nhà máy chip trị giá hàng chục tỷ USD, 'tất tay' cho giấc mơ lớn

Đáng nói, trong bối cảnh nhiều nước châu Á cũng hạ quyết tâm làm chủ công nghệ cốt lõi này. Theo tính toán của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam cần ít nhất 50.000 kỹ sư vào năm 2030, gấp 10 lần con số hiện nay, để có chỗ đứng trên bản đồ bán dẫn thế giới.

Buổi tọa đàm “Thiết kế chip bán dẫn: Cơ hội mới - Tương lai” ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT cho biết câu chuyện về ngành công nghiệp bán dẫn hiện nay cũng tương tự như câu chuyện ngành phần mềm trước đây.

“Trước đây, khi chúng tôi bắt đầu nói và làm phần mềm, nhiều người đã nói chúng tôi điên rồ. Nhưng hiện nay việc bán phần mềm đã mang về hàng tỷ USD cho FPT. Với ngành bán dẫn hiện nay cũng như vậy, nhiều người cho là hoang tưởng, điên rồ nhưng tôi rất tin tưởng vào tiềm năng của Việt Nam trong lĩnh vực mới tiềm năng này”, ông Tiến nói.

Ông cũng khẳng định: “Các bạn trẻ hiện nay không cần chờ tới 25 năm như chúng tôi. Chỉ 5 năm nữa thôi, Việt Nam sẽ là nơi cần đến, phải đến của ngành công nghiệp bán dẫn thế giới”.

Cũng theo ông Tiến, Việt Nam có những nền tảng để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Hiện nay từ Chính phủ, các Bộ ban ngành, doanh nghiệp đã có những chiến lược, động thái mạnh mẽ để phát triển ngành này.

Về đào tạo, hiện Việt Nam đã đưa STEM vào các trường từ lớp 1 đến lớp 12. Một ưu điểm đặc biệt khác của người Việt Nam là tính kiên trì, kiên nhẫn. Người trẻ Việt Nam có khả năng tự học và tự học rất nhanh.

"Tôi làm FPT đã 31 năm và nhìn các bạn trẻ ở đây tôi có lòng tin như vậy. Chúng tôi có lòng tin sau 14-16 tháng đào tạo nghề, chúng ta có thể bắt đầu làm việc trong ngành thiết kế chip bán dẫn", ông Tiến tự tin cho biết.

>>Ông Trương Gia Bình: Làm phần mềm thu nhập một thì bán dẫn thu nhập 3, ngành bán dẫn đang thiếu 1 triệu lao động

Nhân sự ngành bán dẫn đang thiếu hụt nhân sự trên toàn thế giới

Ông Nguyễn Thanh Yên, Tổng giám đốc Công ty CoAsia SEMI Vietnam, chia sẻ mức lương của kỹ sư thiết kế chip bán dẫn tại Mỹ là 100.000-300.000 USD/năm.

“Tại Việt Nam, lương kỹ sư ngành này vào khoảng 10.000-100.000 USD/năm tùy vào kinh nghiệm. Sinh viên mới ra trường thường đã có mức lương khởi điểm khoảng 10.000 USD/năm, chưa kể thưởng tuỳ theo tình hình kinh doanh của cơ quan”, ông Yên chia sẻ.

Ông Hoàng Nam Tiến: ‘Chỉ 5 năm sau, Việt Nam sẽ là nơi phải đến của ngành công nghiệp bán dẫn’
Việt Nam có tiềm năng lớn trong ngành bán dẫn

Ông Yên nhấn mạnh, mức lương này cao hơn những ngành khác nhưng vẫn thấp hơn so với các nước phát triển như Mỹ. Với chi phí nhân công kỹ sư thiết kế chip bán dẫn thấp cùng các nền tảng tốt, nhiều doanh nghiệp trên thế giới đang và sẽ có nhu cầu tuyển dụng nhân sự từ Việt Nam. “Đây sẽ là cơ hội cho các bạn trẻ có mong muốn theo đuổi ngành nghề mới mẻ này”, ông Yên nói.

Ông Yên cũng cho biết hiện nhân sự ngành này đang thiếu hụt trên toàn thế giới. Việc Việt Nam đào tạo được nguồn nhân lực tốt, trở thành nơi cung cấp nhân lực sẽ trở thành mỏ neo giữ các công ty đầu tư ở lại Việt Nam. Nguồn nhân lực càng nhiều và chất lượng thì mỏ neo càng lớn và chắc chắn để giữ dòng tiền đầu tư vào Việt Nam.

Dẫu vậy, theo ông Yên, thách thức của ngành nghề này cũng là không nhỏ. “Người trẻ rất năng động nhưng phải cần là thêm đam mê, kiên trì, kiên nhẫn bởi phải sau cỡ 10 năm mới bắt đầu thu quả ngọt. Trải qua 10 năm gian khổ này, tôi tin rằng các bạn trẻ nhất định sẽ có chỗ đứng trong ngành này. Giống như tôi trước đây, nếu không kiên trì, đã không có tôi của ngày hôm nay”, ông Yên nhấn mạnh.

Về phần mình, ông Võ Xuân Hoài, Phó giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) cho biết Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn chưa từng có. Trước đây chúng ta đã xây dựng nhà máy sản xuất vi mạch, rất muốn phát triển ngành nhưng chưa có cơ hội.

Hiện nay, cơ hội cho Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bán dẫn thế giới đến từ nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung ứng. Điều này đến từ bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Xu hướng dịch chuyển khỏi Trung Quốc khiến các nước tại khu vực châu Á trở thành điểm đến. Việt Nam trở thành điểm sáng với địa chính trị ổn định, nguồn nhân lực dồi dào, nền tảng về STEM tốt.

>>Việt Nam nên thiết kế chip bởi đây là phân khúc có giá trị cao nhất

Ông Trương Gia Bình: Làm phần mềm thu nhập một thì bán dẫn thu nhập 3, ngành bán dẫn đang thiếu 1 triệu lao động

Huawei xây dựng ‘pháo đài’ bán dẫn tỷ đô tại Thượng Hải

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ong-hoang-nam-tien-chi-5-nam-sau-viet-nam-se-la-noi-phai-den-cua-nganh-cong-nghiep-ban-dan-230654.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Ông Hoàng Nam Tiến: ‘Chỉ 5 năm sau, Việt Nam sẽ là nơi phải đến của ngành công nghiệp bán dẫn’
    POWERED BY ONECMS & INTECH