Ông Hoàng Nam Tiến ước mơ có thể nổi tiếng như 'Anh trai say hi' hoặc 'Anh trai vượt ngàn chông gai'
Ông Hoàng Nam Tiến bày tỏ sự tự hào khi gặp gỡ các bạn trẻ, ví mình như "một nghệ sĩ nói về trí tuệ con người".
Tại Hội nghị Tác động Công nghệ Việt Nam 2024 (Vietnam Tech Impact Summit 2024 - VTIS), diễn ra vào đầu tháng 12, ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học FPT, đã có những chia sẻ thú vị về tương lai của trí tuệ nhân tạo (AI) và vai trò không thể thay thế của con người trong kỷ nguyên công nghệ mới.
Ông Hoàng Nam Tiến nhấn mạnh vai trò quan trọng của sự sáng tạo và trí tuệ cảm xúc trong việc định hình tương lai của con người, bất chấp sự bùng nổ của AI. Để minh họa quan điểm của mình, ông đã kể về một mong muốn thú vị và đầy cảm xúc: "Tôi có một mơ ước rất nhỏ, giá như mình có thể nổi tiếng như "Anh trai say hi" hay "Anh trai vượt ngàn chông gai". Tôi rất ghen tị với các nghệ sĩ. Khi họ đứng trên sân khấu, hàng ngàn người cổ vũ, vỗ tay. Tôi nghĩ, người làm công nghệ, mang lại điều mới mẻ, cũng xứng đáng được tôn vinh như vậy".
Trong khoảnh khắc giao lưu với khán giả, ông Hoàng Nam Tiến đã bất ngờ rút điện thoại, nhờ khán giả bật đèn flash và dành ra 15 giây để chụp hình. "Điều này giúp tôi cảm nhận được rằng trí tuệ cũng có thể được tôn vinh như nghệ thuật", ông chia sẻ. Thậm chí, ông còn nhờ các bạn trẻ tham dự chụp ảnh từ phía sau sân khấu để thấy được quy mô và sự quan tâm từ khán giả.
Ông Tiến bày tỏ sự tự hào khi gặp gỡ các bạn trẻ, ví mình như "một nghệ sĩ nói về trí tuệ con người". Ông khuyến khích: "Hãy luôn tò mò, luôn sáng tạo, và đặc biệt giữ gìn trí tuệ cảm xúc. Nếu các bạn làm được điều đó, không có AI nào có thể thay thế chúng ta."
Ông Hoàng Nam Tiến |
Trong bài phát biểu, ông Hoàng Nam Tiến nhấn mạnh: "Có 3 điều tôi muốn gửi gắm đến các bạn trẻ. Nếu giữ được ba điều này, không có AI, không có trí tuệ nhân tạo hay robot nào có thể thay thế được chúng ta".
Ông Tiến lý giải, điều đầu tiên mà con người cần duy trì chính là "sự tò mò về thế giới". Theo ông, các công cụ như AI, ChatGPT hay Gemini có khả năng tìm kiếm và xử lý thông tin cực kỳ nhanh chóng, vượt xa con người. Tuy nhiên, chúng không thể tự phát sinh sự tò mò, điều vốn là bản năng của con người. Sự tò mò chính là động lực để con người khám phá và tạo ra những điều mới mẻ.
"Chúng ta phải luôn tò mò về thế giới này. AI, Chat GPT, Gemini có thể tìm kiếm thông tin rất giỏi, có thể tốt hơn con người rất nhiều, nhưng nó không thể tò mò về những thông tin đấy, không biết tò mò về thế giới này", ông chia sẻ.
Điều thứ hai, ông nhấn mạnh rằng, trí tuệ nhân tạo đang chứng minh rằng nó đang bắt chước sự sáng tạo rất giỏi, nhưng nó không biết sáng tạo. Các thuật toán dù tinh vi đến đâu vẫn chỉ là kết quả của việc bắt chước và tổ hợp thông tin đã có, trong khi sáng tạo của con người xuất phát từ những ý tưởng nguyên bản và cảm hứng.
Cuối cùng, ông Tiến đề cập đến "trí tuệ cảm xúc" (EQ), một yếu tố mà máy móc không thể thay thế. Theo ông, trí tuệ cảm xúc giúp con người thấu hiểu, đồng cảm và xây dựng mối quan hệ, điều mà AI hoàn toàn thiếu. Trí tuệ cảm xúc không chỉ giúp chúng ta tồn tại mà còn tạo ra giá trị thực sự trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, ông khẳng định.
"Khi giữ được 3 điều này, các bạn hãy yên tâm trí tuệ nhân tạo giờ này sẽ trở thành cánh tay nối dài của trí tuệ chúng ta", ông Hoàng Nam Tiến kết luận.
Bài phát biểu của ông Hoàng Nam Tiến không chỉ mang lại cảm hứng mà còn khẳng định vị trí đặc biệt của con người trong thế giới công nghệ. Hội nghị VTIS 2024 là một minh chứng sống động cho sự giao thoa giữa công nghệ và cảm xúc, nơi mà AI không thể thay thế được giá trị nhân văn.
Canada muốn chia sẻ với Việt Nam công nghệ lò phản ứng hạt nhân 'an toàn nhất thị trường' 
Việt Nam sắp có thêm trung tâm dữ liệu 200 triệu USD tại Quảng Trị