‘Ông trùm’ người Trung Quốc cầm đầu đường dây cho vay nặng lãi 2.190%/năm
Không chỉ cho vay nặng lãi lên tới 2.190%/năm, đường dây do "ông trùm" người Trung Quốc cầm đầu còn chuyên đòi nợ kiểu xã hội đen, với các phương thức khiến 'con nợ' khiếp sợ phải trả tiền.
Ngày 24/6, TAND TP Hà Nội đưa 135 bị cáo trong vụ án cho vay lãi nặng xuyên quốc gia ra xét xử về các tội Cưỡng đoạt tài sản, Trốn thuế và Cho vay nặng lãi  trong giao dịch dân sự.
Kẻ cầm đầu, chủ mưu được xác định là Li Zhao Qiang (SN 1988, quốc tịch Trung Quốc). Thời điểm tháng 10/2017, Li Zhao Qiang nhập cảnh vào Việt Nam, thuê máy chủ đặt tại Hong Kong (Trung Quốc) và tạo các ứng dụng trên điện thoại di động có kết nối Internet cho khách là người Việt Nam vay tiền, lấy lãi suất cao.
Mức lãi suất cho vay khoảng từ 43.000 đồng – 60.000 đồng/triệu/ngày (tương đương mức lãi suất từ 1.570% - 2.190%/năm).
Để tổ chức hoạt động cho khách vay tiền, Li Zhao Qiang đã bàn bạc và thuê Nguyễn Quang Vũ (SN 1987, ở quận Ba Đình) cùng nhiều đối tượng đứng tên thành lập, quản lý, điều hành một số công ty.
Sau đó, Li Zhao Qiang đưa Zhang Min (SN 1986), Liu Dan Yang (SN 1992, đều mang quốc tịch Trung Quốc) sang Việt Nam, rồi cùng nhau tuyển dụng nhân viên làm việc tại các bộ phận mời chào (Telesale), thẩm định, nhắc và truy thu nợ.
Nhóm nhân viên này có nhiệm vụ gọi điện nhắc người vay tiền trả nợ trước 1-2 ngày đến hạn. Trường hợp khách vay chậm trả tiền, nhóm đối tượng do Zhang Min quản lý, phụ trách sẽ truy thu nợ bằng hình thức như: Sử dụng các số điện thoại khác nhau để nhắn tin, gọi điện chửi bới, đe dọa hoặc cắt ghép ảnh của khách vay và người thân trong danh bạ đăng lên các trang mạng xã hội để bôi nhọ, gây sức ép.
Hoạt động tinh vi
Kết quả điều tra cho thấy, đường dây cho vay nặng lãi, đòi nợ kiểu xã hội đen này khá tinh vi với mô hình hoạt động theo phương thức: “Công ty tổng” là Công ty TNHH Công nghệ Newstar Việt Nam, Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Ngôi sao Việt điều hành mọi hoạt động các công ty chi nhánh, trả lương cho nhân viên, phụ trách việc thẩm định toàn bộ hồ sơ vay của khách hàng.
Ngôi sao Việt là công ty trực tiếp giao dịch tiền cho vay qua các công ty trung gian thanh toán điện tử, trong đó chủ yếu là Công ty TNHH Công nghệ thông tin YooPay Việt Nam.
Công ty này không được cấp phép hoạt động thanh toán trung gian tại Việt Nam mà được Li Zhao Qiang thành lập, đầu tư tiền rồi thuê đối tượng người Trung Quốc phụ trách kỹ thuật lập trình hệ thống thanh toán điện tử, trong đó có hệ thống giải pháp “Chi hộ” và “Thu hộ” cho khách hàng sử dụng dịch vụ của công ty.
Giải pháp này được hiểu là phát triển hệ thống cổng trung gian thanh toán YooPay. Công ty YooPay có nhiệm vụ giải ngân và thu tiền của khách vay. Sau khi thu được tiền, Công ty YooPay chuyển cho Công ty Ngôi sao Việt, sau đó công ty này chuyển cho Công ty Newstar Việt Nam tiền thu lợi bất chính theo sơ đồ dòng tiền.
Công ty Newstar Việt Nam và Công ty Ngôi sao Việt do Li Zhao Qiang điều hành từ Trung Quốc. Các công ty chi nhánh gồm Công ty TNHH phát triển tầm nhìn Metag, Công ty TNHH Dịch vụ CSKH DCS, hoạt động chính là để nhắc, truy thu nợ, sử dụng các khoản thu nợ để duy trì hoạt động, trả lương cho nhân viên.
Bằng mô hình, cơ cấu tổ chức trên, từ tháng 1/2019- 5/2022, tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành trên toàn quốc, “ông Trùm” Li Zhao Qiang cùng đồng phạm đã thực hiện hành vi phạm tội Cho vay lãi nặng, Cưỡng đoạt tài sản, Trốn thuế.
Cáo buộc cho rằng, Li Zhao Qiang là đối tượng chủ mưu, cầm đầu, tạo lập các app để cho khách là người Việt Nam vay tiền với lãi suất cao, từ 1.570- 2.190%/năm, sau đó chỉ đạo các đối tượng khác thực hiện hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự, cưỡng đoạt tài sản.
Từ năm 2019- 5/2022, “ông trùm” Li Zhao Qiang đã điều hành hoạt động của các công ty, cho vay qua nhiều aapp với tổng số 120.780 khách, tổng số tiền khoảng hơn 1.607 tỷ đồng, thu lời bất chính hơn 732 tỷ đồng.
CQĐT cho rằng, “ông trùm” người Trung Quốc này còn phạm tội Cưỡng đoạt tài sản với vai trò chủ mưu, cầm đầu tổ chức, với tổng số tiền cưỡng đoạt là hơn 218 triệu đồng của 31 bị hại.
Do Li Zhao Qiang không có mặt tại Việt Nam nên CQĐT đã ra quyết định truy nã và phối hợp với Cục C01- Bộ Công an làm thủ tục truy nã quốc tế, khi nào bắt được “ông trùm” này sẽ xử lý sau.
Phiên tòa hôm nay đã phải tạm hoãn do vắng nhiều bị cáo.
>> Xét xử đường dây cho vay nặng lãi lớn nhất từ trước đến nay, quy mô 20.000 tỷ