Thế giới 24h

Ông Trump coi ông Tập Cận Bình 'như một người bạn', mong hợp tác để giải quyết vấn đề Ukraine

Vũ Bấc 25/01/2025 - 14:35

Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) 2024, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tái khẳng định chiến lược "Nước Mỹ trên hết", hé lộ chiến lược mềm mỏng hơn trong quan hệ thương mại với Trung Quốc.

Trong bài phát biểu đầu tiên tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) trong nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ sự lạc quan về quan hệ thương mại với Trung Quốc, đồng thời cảnh báo về việc áp thuế đối với các doanh nghiệp không sản xuất tại Mỹ.

Ông Trump coi ông Tập Cận Bình 'như một người bạn', mong hợp tác để giải quyết vấn đề Ukraine - ảnh 1
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu qua video tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ vào ngày 23/1/2025

Phát biểu qua video từ Nhà Trắng tại cuộc họp thường niên WEF ở Davos, Thụy Sĩ, ông Trump cho biết mối quan hệ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang "rất tốt" và nhấn mạnh rằng mục tiêu là làm cho quan hệ thương mại Mỹ - Trung trở nên "công bằng" chứ không cần "phi thường".

Tổng thống Mỹ chỉ trích thâm hụt thương mại lớn giữa hai nước, đổ lỗi cho chính quyền tiền nhiệm Joe Biden vì để tình trạng này "vượt tầm kiểm soát".

Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News, Tân Tổng thống tự tin rằng Mỹ có thể đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp thuế quan: “Chúng ta có lợi thế lớn với Trung Quốc, đó là thuế quan. Họ không muốn chúng tôi sử dụng, và tôi cũng vậy.”

Ông Trump cho biết cuộc điện đàm gần đây với ông Tập diễn ra "tốt đẹp và thân thiện," đồng thời khẳng định nhà lãnh đạo Trung Quốc "giống như một người bạn."

Dữ liệu từ chính phủ Mỹ cho thấy thâm hụt thương mại với Trung Quốc giảm từ 308 tỷ USD vào năm 2020 xuống còn 279 tỷ USD vào năm 2023. Trong 11 tháng đầu năm 2024, con số này là 270 tỷ USD.

Với nhiệm kỳ tiếp theo, nhiều chuyên gia dự báo rằng ông Trump sẽ tiếp tục thúc đẩy hình ảnh nước Mỹ như một "siêu cường" trong sản xuất, trí tuệ nhân tạo và tiền điện tử. Ông khẳng định: "Không nơi nào trên thế giới tốt hơn Mỹ để tạo việc làm, xây dựng nhà máy hoặc phát triển doanh nghiệp."

Ông Trump cũng đưa ra thông điệp rõ ràng cho các doanh nghiệp đa quốc gia: chuyển sản xuất về Mỹ hoặc đối mặt với thuế quan. "Hãy đến sản xuất tại Mỹ, và chúng tôi sẽ áp dụng mức thuế thấp nhất trên thế giới," ông nói. "Nếu bạn không sản xuất tại Mỹ, bạn sẽ phải chịu thuế quan," ông cảnh báo nhưng không cung cấp thêm chi tiết.

Ngày 20/1, ông Trump cho biết ông đang cân nhắc áp thuế 10% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 1/2. Tuy nhiên, đến nay, ông chưa đưa ra thông báo chính thức nào về việc áp thuế đối với Bắc Kinh.

Thay vào đó, ông chỉ đạo các cơ quan liên bang điều tra các "hoạt động thương mại không công bằng" của Trung Quốc, coi đây là bước đi để bảo vệ lao động và gia đình Mỹ. Khi được hỏi về khả năng áp thuế từ đầu tháng 2, ông Trump ám chỉ rằng không chỉ Mexico và Canada, mà Trung Quốc cũng nằm trong danh sách xem xét.

Vấn đề Nga - Ukraine

Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh vai trò của Trung Quốc trong việc chấm dứt cuộc chiến kéo dài gần ba năm tại Ukraine.

Ông Trump nhận định Bắc Kinh có "quyền lực rất lớn đối với tình hình đó" và bày tỏ sự sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc để tìm kiếm giải pháp hòa bình. Ông cũng tiết lộ rằng đã thảo luận về vấn đề này trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tuần trước, đồng thời nhấn mạnh mong muốn sớm gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin để đẩy nhanh tiến trình hòa bình.

“Chúng tôi mong muốn hợp tác với Trung Quốc để giải quyết vấn đề này. Tôi đã sẵn sàng,” ông Trump phát biểu khi được hỏi về đề xuất hòa bình của Trung Quốc. Bắc Kinh trước đó đã đưa ra kế hoạch kêu gọi ngừng bắn và tổ chức đàm phán hòa bình với sự tham gia của Brazil.

Trong bài phát biểu, ông Trump cũng cho biết đã thảo luận với Nga và Trung Quốc về việc cắt giảm vũ khí hạt nhân. Ông khẳng định: “Chúng tôi đang nói về phi hạt nhân hóa, và Trung Quốc sẽ tham gia. Tổng thống Putin cũng muốn điều đó. Đây sẽ là một bước tiến không thể tin được đối với hòa bình toàn cầu.”

Theo Trung tâm Kiểm soát và Không phổ biến vũ khí hạt nhân có trụ sở tại Washington, Nga hiện sở hữu 6.372 đầu đạn hạt nhân, nhiều nhất thế giới, trong khi Mỹ có 5.244 đầu đạn. Trung Quốc đứng thứ ba với khoảng 500 đầu đạn hạt nhân.

Mặc dù ông Trump khẳng định đã thảo luận về vấn đề này với Trung Quốc, đại sứ quán Trung Quốc tại Washington không xác nhận thông tin về cuộc trò chuyện. Trong một tuyên bố, đại sứ quán khẳng định: "Trung Quốc cam kết con đường phát triển hòa bình, duy trì lực lượng hạt nhân ở mức tối thiểu cần thiết và không tham gia chạy đua vũ trang."

Bên cạnh vấn đề Ukraine, ông Trump tiếp tục yêu cầu các đồng minh NATO tăng chi tiêu quốc phòng lên 5% GDP, vượt xa mức cam kết hiện tại là 2%. Ông chỉ trích các nước NATO đã không hoàn thành trách nhiệm trước đây, khiến Mỹ phải gánh phần lớn chi phí.

“Hầu hết các quốc gia không đóng góp đầy đủ cho đến khi tôi lên nắm quyền,” ong Trump nói. “Mỹ đã trả phần chênh lệch, và điều đó không công bằng với chúng tôi.”

Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm nay, Tổng thống Trump chỉ trích Liên minh châu Âu (EU) vì các chính sách thuế mà ông cho là bất công đối với các doanh nghiệp Mỹ.

Trả lời câu hỏi từ Stephen Schwarzman, CEO của Blackstone, Tổng thống Mỹ cho rằng mức thuế cao mà các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ đang phải đối mặt tại châu Âu là “rất bất công”.

“EU đã lấy được 15 hoặc 16 tỷ USD từ Apple, hàng tỷ USD từ Google, và tôi nghĩ họ còn đang nhắm tới Facebook để kiếm thêm hàng tỷ USD,” ông Trump nói. “Đây là những công ty Mỹ, dù thích hay không thì chúng vẫn là công ty Mỹ, và họ không nên làm như vậy.”

Trước gần 3.000 lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp tại Davos, ông Trump tái khẳng định cam kết của mình về việc cắt giảm thuế doanh nghiệp và kiểm soát lạm phát. Ông nhấn mạnh rằng các chính sách này sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và củng cố vị thế cạnh tranh toàn cầu của Mỹ.

Bên cạnh đó, ông Trump cũng ca ngợi mối quan hệ với Ả Rập Saudi, khi gọi Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman là một "người tuyệt vời" và tiết lộ ý định yêu cầu vương quốc này hạ giá dầu.

Theo Nhà Trắng, trước đó Trump đã có cuộc điện đàm với Thái tử Mohammed bin Salman, đánh dấu cuộc trao đổi đầu tiên với một nhà lãnh đạo nước ngoài trong nhiệm kỳ thứ hai của ông. Trong cuộc thảo luận, Thái tử Mohammed bin Salman ám chỉ kế hoạch đầu tư 600 tỷ USD của Ả Rập Saudi vào Mỹ trong bốn năm tới.

Theo SCMP

>> Bài phát biểu nhậm chức của ông Trump tiết lộ điều gì về đối sách với Trung Quốc 4 năm tới?

Ông Trump tuyên chiến với Chủ tịch Jerome Powell, yêu cầu Fed giảm lãi suất ngay lập tức

Ông Trump đề nghị Ảrập Xêút đầu tư 1 nghìn tỷ USD vào Mỹ

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/ong-trump-coi-ong-tap-can-binh-nhu-mot-nguoi-ban-mong-hop-tac-de-giai-quyet-van-de-ukraine-135481.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Ông Trump coi ông Tập Cận Bình 'như một người bạn', mong hợp tác để giải quyết vấn đề Ukraine
    POWERED BY ONECMS & INTECH