Thế giới

Ông Trump khởi động chiến tranh thương mại 2.0: Việt Nam có thể trở thành ‘cứu cánh’ cho thị trường Mỹ?

Thanh Lê 05/12/2024 17:01

Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 7 vào Mỹ và đã hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.

Tổng thống đắc cử Donald Trump đang có dấu hiệu sẵn sàng khởi động một cuộc chiến thương mại đồng thời với 3 đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ là Mexico, Trung Quốc và Canada.

Theo dữ liệu thương mại liên bang, 3 quốc gia này đã chiếm hơn 40% tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu của Mỹ trong năm qua.

z6099936384462_e540b358048cec03e3e3293f51a20068.jpg
Năm ngoái, Mexico đã vượt qua Trung Quốc để trở thành nước xuất khẩu hàng hóa hàng đầu sang Hoa Kỳ

Mới đây, ông Trump đã cam kết áp thêm 10% thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ Trung Quốc, bên cạnh các mức thuế hiện tại. Trên đường tranh cử, ông còn đề xuất mức thuế 60% trên toàn bộ hàng hóa Trung Quốc. Đối với Mexico và Canada, ông dự định áp thuế 25% ngay sau khi nhậm chức.

Ông Trump kỳ vọng các mức thuế cao hơn sẽ thúc đẩy sản xuất trong nước, vì doanh nghiệp Mỹ có thể tránh hoàn toàn thuế nếu sản xuất nội địa. Tuy nhiên, theo Daniel Anthony, Giám đốc điều hành của Trade Partnership Worldwide, điều này khó có thể tạo ra sự thay đổi đáng kể trong sản xuất trong nước. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, rất ít nhà sản xuất quay trở lại Mỹ.

Nguyên nhân một phần là do thiếu cơ sở hạ tầng sản xuất và chi phí sản xuất cao. Việc chuyển sản xuất về Mỹ sẽ trực tiếp dẫn đến chi phí và giá thành sản phẩm tăng cao. Do đó, nhiều doanh nghiệp có thể sẽ tìm cách chuyển sản xuất sang các quốc gia khác để tránh mức thuế nhập khẩu cao.

Trong số các quốc gia tiềm năng, Việt Nam được đánh giá là ứng cử viên hàng đầu, với chi phí sản xuất tương đối thấp. Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 7 vào Mỹ. Từ năm 2017 đến 2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã tăng gấp đôi, từ 47 tỷ USD lên 114 tỷ USD trong năm ngoái.

Tuy nhiên, Daniel Anthony cảnh báo rằng nếu quá nhiều công ty cùng lúc chuyển đến Việt Nam, chi phí sản xuất có thể sẽ tăng lên khi các nhà cung cấp phản ứng với sự gia tăng nhu cầu bằng cách nâng giá.

Ô tô

Mexico hiện là nguồn nhập khẩu xe lớn nhất của Mỹ. Các quốc gia châu Âu như Đức, cùng với Nhật Bản và Hàn Quốc, đều có tiềm năng để tăng cường sản xuất và xuất khẩu.

z6099936404357_da71e59350ed4f0815c5c07efd133950.jpg
Ảnh minh họa

Chuyên gia Brad Setser từ Hội đồng Quan hệ đối ngoại nhận định rằng đây là cơ hội để các nước này mở rộng thị phần.

Quần áo và giày dép

Ngoài Việt Nam, người Mỹ có thể sẽ thấy nhiều quần áo và giày dép của mình đến từ Indonesia, Bangladesh và Campuchia nếu cuộc chiến thương mại 3 bên xảy ra, theo Anthony.

Dữ liệu thương mại của Chính phủ cho thấy Mỹ đang ngày càng nhập khẩu nhiều quần áo và giày dép từ bốn quốc gia này trong những năm gần đây. Tuy nhiên, đối với thị trường giày dép và quần áo xa xỉ, Ý có thể sẽ trải qua nhu cầu sản xuất cao hơn, ông Anthony cho biết.

Điện tử

Đảo Đài Loan, khu vực xuất khẩu điện tử lớn thứ 3 sang Mỹ năm ngoái, được dự báo sẽ tăng cường sản xuất khi nhiều công ty tìm cách rời khỏi Trung Quốc. Các quốc gia Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, cùng Hàn Quốc và Nhật Bản, đều có lợi thế trong xu thế này.

Một điểm đáng chú ý là Hàn Quốc và Nhật Bản đang có lợi thế về tỷ giá. Đồng won và đồng yên đều suy yếu so với đô la Mỹ, khiến hàng hóa của hai quốc gia này trở nên hấp dẫn hơn với người tiêu dùng Mỹ. Một số công ty thậm chí đang học theo chiến lược của Apple, chuyển một phần sản xuất sang các quốc gia mới như Ấn Độ.

Nhiều doanh nghiệp vẫn sẽ ở lại

Tuy nhiên, việc chuyển dịch sản xuất không phải lúc nào cũng dễ dàng. Nhiều doanh nghiệp đã ký các hợp đồng sản xuất dài hạn, và chi phí chuyển đổi có thể rất lớn.

Ngay cả khi không có hợp đồng, "các công ty không cố gắng tránh thuế. Họ đang tìm kiếm chi phí tổng thể thấp nhất cho sản phẩm tốt nhất", Anthony nói. Điều đó có nghĩa là một số công ty sẽ sẵn sàng chấp nhận thuế cao hơn thay vì chuyển sang nơi khác, nếu điều đó là sự lựa chọn rẻ hơn.

Minh chứng là sau các đợt áp thuế của chính quyền Trump vào năm 2018, Mỹ vẫn tiếp tục nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, chỉ là với quy mô giảm. Năm 2017, 60% thiết bị máy tính của Mỹ nhập từ Trung Quốc, đến năm ngoái con số này chỉ còn 39%. Tuy nhiên, năm ngoái, tổng giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc cũng giảm từ 500 tỷ USD xuống còn 427 tỷ USD.

Trong khoảng thời gian đó, nhập khẩu từ Mexico và Canada đã tăng hơn 100 tỷ USD, với thuế gần như bằng không nhờ Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada, kết hợp với các mức thuế cao hơn đối với hàng hóa Trung Quốc. Điều này phần nào giải thích lý do tại sao Mexico đã vượt qua Trung Quốc trở thành quốc gia xuất khẩu hàng đầu vào Mỹ.

Tuy nhiên, ngay cả với thuế cao hơn, Setser không nghĩ rằng bất kỳ nhà sản xuất ô tô nào sẽ "muốn từ bỏ các khoản đầu tư tốn kém tại Mexico", đặc biệt là vì Mexico có thể thoát khỏi thuế cao hơn khi ông Trump có vẻ sẵn sàng đàm phán một thỏa thuận với họ thay vì Trung Quốc.

"Vấn đề lớn hơn là việc rời khỏi Trung Quốc. Và điều khó khăn về Trung Quốc là có quá nhiều năng lực sản xuất và chi phí sản xuất rất rẻ".

Theo CNN

>> Tổng thống Biden mong ông Trump 'suy nghĩ lại' về việc áp thuế Canada, Mexico

Mỹ không biết trước ý định áp thiết quân luật của Tổng thống Hàn Quốc

Trung Quốc lên kế hoạch phê duyệt thêm 100 lò phản ứng hạt nhân ngay trong thập kỷ tới

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/ong-trump-khoi-dong-chien-tranh-thuong-mai-20-viet-nam-co-the-tro-thanh-cuu-canh-cho-thi-truong-my-131688.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Ông Trump khởi động chiến tranh thương mại 2.0: Việt Nam có thể trở thành ‘cứu cánh’ cho thị trường Mỹ?
    POWERED BY ONECMS & INTECH