Ông Trump nói về siêu dự án 500 tỷ USD biến Mỹ thành siêu cường AI: Số tiền này lẽ ra đã chảy sang Trung Quốc!
Ông Trump tự hào gọi đây là khoản đầu tư AI lớn nhất trong lịch sử.
Vào ngày 21/1, Tổng thống Donald Trump đã công bố khoản đầu tư trị giá nửa nghìn tỷ USD  từ khu vực tư nhân vào cơ sở hạ tầng trí tuệ nhân tạo (AI) tại Mỹ. Dự án này nhận được sự ủng hộ từ các lãnh đạo công nghệ như Sam Altman (OpenAI), Son Masayoshi và Larry Ellison (Oracle).
Ông Trump tự hào gọi đây là khoản đầu tư AI lớn nhất trong lịch sử và nhấn mạnh: “Số tiền này lẽ ra đã chảy sang Trung Quốc”.
AI, công nghệ được xem là định hình nhiệm kỳ của ông Trump, khiến ông không khỏi ấn tượng. “AI có vẻ rất nóng bỏng,” ông nói. Tuy nhiên, như tuyên bố về dự án kéo dài bốn năm (bắt đầu với việc xây dựng các trung tâm dữ liệu khổng lồ tại Texas) đã gợi ý, AI có khả năng sẽ là ưu tiên trong chính quyền của ông, cả về mặt chiến lược lẫn kinh tế.
Một chuyên gia công nghệ tại Washington gọi mục tiêu của chính phủ là “ngôi sao Bắc Đẩu” – đánh bại Trung Quốc trong cuộc chiến AI.
Tại Nhà Trắng, các “diều hâu” công nghệ Thung lũng Silicon đã sẵn sàng.
David Sacks, “czar” AI và tiền điện tử của ông Trump, là một nhà đầu tư mạo hiểm tin rằng lợi ích từ việc Mỹ thắng trong cuộc cạnh tranh địa chính trị với Trung Quốc lớn hơn chi phí kinh tế của việc cô lập nước này. Michael Kratsios, nhà hoạch định chính sách AI trong cả hai chính quyền Trump  và từng làm việc tại Scale AI, một startup công nghệ, cho rằng Trung Quốc đang “quyết tâm” xuất khẩu công nghệ AI ra toàn cầu.
Trong khi đó, Jacob Helberg, người được ông Trump chọn làm Thứ trưởng Tăng trưởng Kinh tế và từng là cố vấn cho Palantir, khẳng định rằng việc thắng trong cuộc đua AI với Trung Quốc là điều cấp thiết.
Câu hỏi lớn đặt ra là liệu ông Trump có tiếp tục cách tiếp cận của chính quyền Biden, ưu tiên các biện pháp hạn chế Trung Quốc như kiểm soát xuất khẩu, để duy trì vị trí dẫn đầu của Mỹ trong lĩnh vực AI, hay sẽ tập trung hơn vào việc khuyến khích các công ty công nghệ Mỹ vượt qua Trung Quốc bằng đổi mới sáng tạo?
Có những lý do để giữ Trung Quốc trong tầm kiểm soát. Tại Thung lũng Silicon, các nhà ủng hộ biện pháp mạnh cho rằng các công ty Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ, giúp các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) của họ phát triển nhanh chóng.
Họ cáo buộc rằng các công ty công nghệ Trung Quốc đã lách luật kiểm soát xuất khẩu chip bán dẫn của Mỹ bằng cách mua chip trên chợ đen hoặc thuê năng lực từ các máy chủ đám mây nước ngoài. Điều này không chỉ thúc đẩy ngành công nghệ của Trung Quốc mà còn giúp nước này vượt xa Mỹ trong việc tích hợp AI vào công nghệ quân sự, điều khiến các biện pháp ngăn chặn trở nên hợp lý trên góc độ an ninh quốc gia.
Khung chính sách mới
"Khung Phổ biến Trí tuệ Nhân tạo" của ông Biden - được công bố trước khi ông rời nhiệm sở - đề xuất các yêu cầu cấp phép nghiêm ngặt cho xuất khẩu GPU và dữ liệu LLM. Mục tiêu là ngăn chặn các lỗ hổng mà Mỹ cho là Trung Quốc đang khai thác.
Khung này cũng sẽ gây khó khăn cho một số quốc gia, bao gồm cả các đồng minh của Mỹ tại Trung Đông và châu Á, trong việc xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn. Những người ủng hộ, bao gồm cả một số thành viên Đảng Cộng hòa, hy vọng nó sẽ hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ Mỹ của Trung Quốc và gửi đi thông điệp rõ ràng rằng các quốc gia muốn tiếp cận cơ sở hạ tầng AI của Mỹ cần giữ khoảng cách với Trung Quốc.
Tuy nhiên, Nvidia đã phản đối và cho rằng nó quá "phiến diện" và có thể làm suy yếu đổi mới công nghệ của Mỹ. Một số người lo ngại rằng việc áp đặt quá nhiều hạn chế lên các quốc gia khác có thể đẩy họ về phía Trung Quốc.
Một số ý kiến khác lo ngại rằng việc áp dụng quá nhiều hạn chế sẽ đẩy các nước thứ ba về phía Trung Quốc. Ngoài ra, các biện pháp cấm vận có thể phản tác dụng: sự ra mắt mô hình AI mới của DeepSeek, một công ty Trung Quốc, vào ngày 20/1, rẻ hơn đáng kể so với các mô hình của Mỹ, cho thấy rằng các hạn chế có thể đã thúc đẩy các công ty Trung Quốc trở nên siêu hiệu quả.
Ngành công nghệ kỳ vọng rằng ngoài việc mạnh tay với Trung Quốc, chính quyền Trump cũng sẽ khuyến khích sự cạnh tranh trong nước bằng cách nới lỏng các quy định. Ngay ngày đầu tại nhiệm, ông Trump đã hủy bỏ sắc lệnh của ông Biden yêu cầu các nhà phát triển LLM tiên tiến chia sẻ thông tin với chính phủ.
Các chuyên gia công nghệ tại Washington dự đoán chính quyền mới sẽ áp dụng cách tiếp cận “đặc thù ngành”, nghĩa là các cơ quan liên bang sẽ giám sát việc sử dụng AI trong từng lĩnh vực thay vì ban hành các quy định tổng quát.
Dù ít quy định hơn có thể khiến các công ty vượt qua ranh giới an toàn AI, nhưng hiện tại phe ủng hộ tăng tốc đổi mới đã lấn át những người lo ngại về rủi ro. Điều này thể hiện qua việc ông Trump cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất cho dự án Stargate.
Ngoài ra, chi tiêu quốc phòng cũng có thể là lực đẩy mạnh mẽ cho đổi mới AI. Mỹ hiện chỉ dành một phần nhỏ trong ngân sách quốc phòng trị giá 850 tỷ USD cho AI. Các lãnh đạo tại Silicon Valley hy vọng chính quyền ông Trump sẽ cho phép nhiều công ty khởi nghiệp tham gia đấu thầu các hợp đồng quốc phòng để phát triển vũ khí và hệ thống AI.
Nhìn chung, mục tiêu của ông Trump là tăng đầu tư vào công nghệ Mỹ, thúc đẩy tăng trưởng thị trường chứng khoán và tuyên bố chiến thắng trước Trung Quốc. Các "gã khổng lồ" AI Mỹ muốn xây dựng những mô hình lớn hơn và duy trì vị thế dẫn đầu. Dự án Stargate được xem như hình mẫu cho xu hướng này.
Chuyên gia John Villasenor từ Đại học California, Los Angeles, nhấn mạnh: "Cách tốt nhất để vượt qua Trung Quốc là không siết chặt quá nhiều quy định trong nước". Đây dường như sẽ là định hướng chính của chính quyền mới trong cuộc đua công nghệ này.
Theo Economist