Oxalis: Chua Me Đất của làng du lịch Việt Nam
Chua me đất, loài cây dại mọc nhiều ở Phong Nha có hình dạng gần giống cỏ ba lá, đã trở thành nguồn cảm hứng cho cái tên Oxalis vào 13 năm trước.
Chèo thuyền kayak quanh làng trong ngày lụt là hoạt động nằm trong chuỗi trải nghiệm du lịch thích ứng thời tiết, mô hình du lịch độc đáo do công ty Oxalis phối hợp cùng người dân Tân Hóa triển khai.
Công ty TNHH MTV Chua Me Đất (Oxalis Adventure) ra đời vào năm 2011, nổi tiếng với tour chinh phục hang Sơn Đoòng , hang động tự nhiên lớn nhất thế giới, nằm trong Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng .
Đều nằm trong số các địa điểm khai thác du lịch của Oxalis, nhưng nếu “đệ nhất hang động” Sơn Đoòng mang đến lợi thế vượt trội, thì “vùng rốn lũ” Tân Hóa  lại là một thách thức lớn với bất kỳ doanh nghiệp nào có ý định phát triển du lịch tại đây.
Cách sân bay Đồng Hới khoảng 70km về phía Tây Bắc, xã Tân Hóa nằm trong lòng thung lũng, bao bọc xung quanh bởi các dãy núi đá vôi xanh ngắt. Do địa hình đặc biệt, khả năng thoát nước kém, vùng đất này thường xảy ra ngập lụt nghiêm trọng, nên được mệnh danh là "rốn lũ" của tỉnh Quảng Bình .
Vài năm trở lại đây, đa phần các hộ gia đình ở Tân Hóa đã trang bị nhà phao nổi để sơ tán tài sản và tạm trú khi nước dâng. Toàn xã hiện có 620 nhà phao trên tổng số 716 hộ dân, những hộ còn lại có nhà cao tầng kiên cố nên không bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, thông tin từ ông Trương Thanh Duẩn, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa.
Quý III năm ngoái, Oxalis kết hợp cùng người dân Tân Hóa xây dựng sản phẩm du lịch, đưa vùng đất thuần nông thành làng du lịch cộng đồng, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Châu Á, Founder kiêm CEO Oxalis, cho biết rằng, mô hình du lịch ở đây lấy điểm nổi bật là khả năng thích ứng với thời tiết. Theo đó, những căn nhà phao, vốn được thiết kế để chống lũ, nay được cải tạo thành các homestay đón khách. Nhờ vậy, hoạt động du lịch có thể diễn ra liên tục mà không bị gián đoạn bởi thiên tai.
Nếu du khách đến làng khi lũ về, họ vẫn được đảm bảo an toàn và có đủ tiện nghi sinh hoạt trong những căn homestay nổi. Bên cạnh đó, du khách có thể trải nghiệm các hoạt động như chèo thuyền kayak quanh làng, đánh cá cùng người dân,... thay cho hoạt động du lịch thông thường.
Trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đang hướng tới mục tiêu đạt Net Zero vào năm 2050 hoặc sớm hơn, định hướng phát triển du lịch bền vững, thích ứng thời tiết và biến đổi khí hậu của làng Tân Hóa được đánh giá phù hợp với xu thế toàn cầu.
Nhờ vậy, tháng 10 năm ngoái, Tân Hóa vượt qua nhiều tên tuổi khác, nhận được danh hiệu "Làng du lịch tốt nhất thế giới " do Tổ chức Du lịch Thế giới UNWTO bình chọn.
Mặc dù có danh hiệu, Tân Hóa vẫn khó thu hút du khách nếu chỉ hoạt động theo mô hình làng du lịch cộng đồng thông thường. Hơn nữa, vị trí địa lý của làng nằm biệt lập, cách xa trung tâm, thời gian di chuyển dài.
Lợi thế lớn nhất của Tân Hóa là nằm gần hệ thống hang động Tú Làn, nơi được chọn làm bối cảnh phim bom tấn Hollywood “Kong: Đảo Đầu Lâu” của đạo diễn Jordan Vogt-Roberts năm 2017.
“Thế giới sẽ thấy được Tú Làn đẹp đến nhường nào, họ sẽ đến, trải nghiệm và yêu Tú Làn như tôi đã từng vậy” đạo diễn Jordan Vogt-Roberts nói về tình cảm với địa điểm này sau khi bộ phim hoàn thành.
Oxalis khai thác tour thám hiểm hang động tại Tú Làn từ năm 2014 và có lượng khách ổn định nhiều năm. Trên cơ sở này, Oxalis chủ trương phát triển trải nghiệm du lịch tại Tân Hóa như một chuỗi giá trị bổ sung, kết hợp cùng sản phẩm lõi là tour thám hiểm hang động Tú Làn.
Mô hình du lịch trên chú trọng vào việc giữ nguyên vẹn nét mộc mạc, bình yên của làng quê vùng sơn cước cũng như những giá trị văn hóa của người dân bản địa. Đồng thời, Oxalis đào tạo, bồi dưỡng lực lượng lao động địa phương, biến những người nông dân vốn chỉ quen cấy hái, trồng trọt trở thành người làm dịch vụ du lịch chuyên nghiệp.
“Với hệ sinh thái này, chúng tôi có lý do để lôi kéo du khách thám hiểm Tú Làn xong thì ở lại Tân Hóa dùng bữa tối tại nhà dân, ngủ tại homestay được cải tạo từ nhà phao chống lũ của bà con”, ông Châu Á giải thích.
Hình thức “du lịch chia sẻ lợi ích" được thể hiện rõ nét thông qua việc người dân cung cấp dịch vụ nấu ăn bữa tối, homestay nhà phao cho khách du lịch.
"Khách hàng sẽ cảm thấy hài lòng hơn khi trả tiền cho một sản phẩm chia sẻ lợi nhuận cho cộng đồng địa phương", CEO Oxalis nói.
Ông Á dẫn chứng, trước đây, khách có thể còn đắn đo mức giá 5,5 triệu đồng tour Tú Làn hai ngày một đêm của Oxalis. Tuy nhiên, sau khi bổ sung thêm dịch vụ lưu trú homestay, dùng bữa tối tại nhà dân và tour xe ATV trong làng Tân Hóa, khách hàng phải trả 8,1 triệu đồng nhưng lại cảm thấy hài lòng hơn.
Thông tin từ Oxalis, trong 9 tháng đầu năm, Tân Hóa đón hơn 11.000 lượt khách, tăng 30% so với mùa du lịch năm 2023. Mặc dù vậy, thu nhập từ Tân Hóa được phản ánh trong doanh thu của Chua Me Đất chưa nhiều, ở mức gần 10 tỷ đồng.
Đại diện công ty cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng người dân Tân Hóa đường dài và không ngừng nỗ lực để nâng cao tính hiệu quả của mô hình.
Trích từ bài viết của YouTuber Tizi Đích Lép, kể lại chuyến khám phá hang Sơn Đoòng, được đăng tải trên Facebook hồi tháng 7. Nhân vật này mô tả Sơn Đoòng bằng cụm từ “đẹp tới tê người”.
Sự tráng lệ độc nhất vô nhị của Sơn Đoòng đủ sức chạm đến trái tim bất kỳ du khách nào khi đặt chân đến đây, nhưng trong kinh doanh, “hữu xạ” không phải lúc nào cũng “tự nhiên hương”. Một doanh nghiệp muốn thành công cần có khả năng xác định đúng nhóm khách hàng mục tiêu, tư duy xây dựng sản phẩm cùng chiến lược marketing và bán hàng hiệu quả.
Thời điểm tour Sơn Đoòng ra mắt lần đầu tiên vào năm 2013 với mức giá 3.000 USD mỗi khách, nhiều người đã hoài nghi về khả năng thành công của phương án kinh doanh này. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh, Oxalis không chỉ bán được tour giá cao mà còn thường xuyên rơi vào tình trạng "cháy hàng”.
Ngay từ đầu, Oxalis xác định đối tượng khách hàng tiềm năng cho tour Sơn Đoòng là du khách nước ngoài, những người có niềm đam mê thám hiểm và khả năng chi trả tốt.
Trong vòng 9 năm hoạt động trước đại dịch Covid-19, hơn 80% lượng khách tham gia tour của Oxalis đến từ thị trường quốc tế. Hai năm đại dịch, lượng khách nội địa đặt chân đến Sơn Đoòng tăng đột biến nhờ vào việc giảm giá tour xuống còn 2.500 USD mỗi người.
Mặc dù định giá cao, Oxalis lại giới hạn doanh thu bằng cách khống chế số lượt tham quan Sơn Đoòng ở 1.000 vé mỗi năm. Điều này khiến những khách hàng chậm chân có thể phải chờ đợi từ vài tháng đến cả năm. Bên cạnh đó, Oxalis không nhận thanh toán một phần, khách hàng phải thanh toán 100% chi phí mới được giữ chỗ.
Ông Châu Á cho rằng, chính sự khan hiếm đã tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt cho hang động lớn nhất thế giới, không chỉ thu hút các nhà thám hiểm mà còn gây chú ý mạnh mẽ với giới truyền thông hay các hãng phim điện ảnh.
Theo tâm lý học, con người có xu hướng trân trọng cũng như đánh giá cao những gì khó đạt được hoặc bị giới hạn, từ đó nảy sinh khao khát và sẵn sàng trả nhiều tiền hơn.
“Muốn bán được giá cao, hãy làm cho khách hàng khao khát”, CEO Oxalis nhấn mạnh.
Ở một góc nhìn khác, sự khan hiếm của tour Sơn Đoòng lại trở thành động lực thúc đẩy phát triển sản phẩm du lịch tương tự tại Phong Nha - Kẻ Bàng. Theo đó, khách hàng không đi Sơn Đoòng nhưng yêu thích thám hiểm hang động có thể chọn các tour thăm quan Hang Tú Làn, Hang Én, Hang Va... với chi phí thấp hơn.
Điều này giống như việc, mặc dù chỉ có số ít người chinh phục được đỉnh Everest mỗi năm, nhưng có hàng triệu người đặt chân đến Everest Base Camp, điểm dừng chân ở độ cao 5.364m nằm trên hành trình khám phá ngọn núi cao nhất thế giới.
Tuy nhiên, “khao khát” và “khan hiếm” cũng mang lại những ý kiến trái chiều. Theo đó, mức giá 3.000 USD (hơn 70 triệu đồng) được cho là quá cao so với thu nhập trung bình của người Việt Nam, làm giảm đi cơ hội tận mắt chiêm ngưỡng di sản tự nhiên có một không hai của “khách nội”.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, ông Châu Á cho biết, tour “Chinh phục Sơn Đoòng” được triển khai theo mô hình liên kết khai thác cùng Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, đơn vị chịu trách nhiệm quản lý hang động. Trong tổng chi phí 3.000 USD (đã bao gồm VAT), có 600 USD là phí tham quan và dịch vụ môi trường rừng trả cho Vườn quốc gia.
Ngoài ra, chiếm phần lớn trong chi phí mỗi tour là chi phí nhân công. Một tour khám phá Sơn Đoòng cho 10 khách cần đến sự hỗ trợ của 27 người, bao gồm: 1 chuyên gia hang động, 1 hướng dẫn viên, 6 trợ lý an toàn, 2 đầu bếp và 17 porter vận chuyển hành lý. Chi phí tour đã bao gồm dịch vụ đón tiễn tại sân bay và hai đêm nghỉ tại cơ sở lưu trú bên ngoài.
Bên cạnh đó, du lịch thám hiểm hang động đòi hỏi mức độ an toàn cao, nên tất cả trang thiết bị sử dụng trong quá trình trải nghiệm đều phải đạt tiêu chuẩn, chất lượng quốc tế, được nhập khẩu từ các nước như Pháp, Anh hay Thụy Sĩ.
Toàn bộ quy trình, từ khâu lựa chọn, mua sắm đến kiểm tra, bảo trì trang thiết bị an toàn, đều được nhóm chuyên gia hang động thuộc Đội thám hiểm hang động Anh - Việt giám sát chặt chẽ.
Ngoài Oxalis, tại Quảng Bình hiện nay có 2 doanh nghiệp khác đang vận hành các tour du lịch sinh thái khám phá hang động nằm sâu trong khu vực Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng theo hình thức liên kết.
Theo đó, đơn vị quản lý là Vườn quốc gia thiết lập các tuyến du lịch riêng biệt và liên kết với doanh nghiệp tổ chức khai thác, vận hành. Mỗi tuyến du lịch chỉ giao cho một đơn vị khai thác, nhằm mục tiêu quản lý, bảo vệ tối ưu hệ sinh thái đa dạng nơi đây.
Cách tiếp cận này mở ra cơ hội để doanh nghiệp phát triển sản phẩm du lịch, kích thích kinh tế địa phương phát triển, đồng thời gắn liền trách nhiệm bảo tồn môi trường.
Hang Sơn Đoòng được ông Hồ Khanh, một sơn tràng người địa phương, phát hiện lần đầu tiên vào năm 1990. Sau đó, vì nhiều lý do, quá trình khảo sát bên trong không tiếp tục.
Gần hai thập kỷ sau, năm 2009, dưới sự dẫn dắt của chuyên gia Howard Limbert, nhóm thám hiểm thuộc Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh, tiếp cận bên trong lòng hang, khảo sát, đo đạc; từ đó công bố Sơn Đoòng là hang động tự nhiên lớn nhất thế giới.
Thời điểm ấy, Sơn Đoòng thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế nhưng không duy trì sức nóng được quá lâu.
Năm 2015, Sơn Đoòng “bùng nổ” khi xuất hiện trong chương trình "Good Morning America" nổi tiếng của đài ABC News (Mỹ). Dưới bước chân dẫn dắt của người dẫn chương trình Ginger Zee, khung cảnh bên trong hang động dần hiện ra, đưa khán giả quốc tế đi từ bất ngờ này đến kinh ngạc khác.
Sau phát sóng, chương trình có khoảng sáu triệu lượt người xem, thu hút sự chú ý của hàng triệu người trên khắp thế giới vào cái tên Sơn Đoòng và Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Quảng Bình.
Theo người sáng lập Chua Me Đất, việc quảng bá hình ảnh Sơn Đoòng và các địa danh khác tại Quảng Bình ra toàn cầu là hoạt động xuyên suốt, trọng tâm trong chặng đường 13 năm hoạt động của doanh nghiệp.
Nếu ban đầu, phương thức truyền tải chỉ gói gọn trong ảnh chụp hay bài viết, thì từ năm 2014, nhiều hang động đẹp trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng dần xuất hiện trên màn ảnh.
Từ những chương trình truyền hình như Good Morning America, phim điện ảnh như Peter Pan năm 2014 và Kong: Skull Island năm 2016 hay MV ca nhạc "Alone, Pt. II" của Alan Walker năm 2019, vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên Việt Nam được giới thiệu đến khán giả toàn cầu qua các thước phim sống động.
Gần đây nhất, vào tháng 11/2023, Hang Sơn Đoòng, Hang Én và Hang Va cùng xuất hiện trong tập 6 - "Extremes" thuộc chuỗi phim tài liệu Planet Earth III do đài BBC sản xuất.
Phía sau những lần ra mắt đầy tự hào trên phạm vi quốc tế là khả năng xây dựng lòng tin và năng lực đàm phán của Oxalis với đối tác truyền thông quốc tế.
Ít người biết, để Sơn Đoòng trở thành bối cảnh chính cho MV "Alone, Pt. II" của Alan Walker - DJ, nhà sản xuất âm nhạc kiêm nhạc sĩ nổi tiếng thế giới, Oxalis đã dành ra nhiều tháng trời thuyết phục nam nghệ sĩ và đội ngũ quản lý của anh.
Dù không thể trả phí thương hiệu hàng triệu USD cho Alan Walker, sau cùng, Oxalis vẫn khiến nam nghệ sỹ và công ty quản lý gật đầu hợp tác, vì cảm nhận được sự chân thành cũng như ý nghĩa tốt đẹp dành cho thiên nhiên, cộng đồng.
Kết quả, Oxalis chịu toàn bộ chi phí sản xuất phát sinh tại Việt Nam, trong khi ekip của Alan Walker thực hiện quay MV tại Quảng Bình, Sơn Đoòng và một số địa danh khác, giúp quảng bá cảnh quan Việt Nam ra thế giới.
"Điện ảnh là cách tuyệt vời để thúc đẩy du lịch, thông qua đó có thể kể những câu chuyện của người dân, đất nước Việt Nam đến với thế giới", Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper phát biểu bên lề sự kiện hợp tác, xúc tiến Du lịch - Điện ảnh Việt Nam do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức vào cuối tháng 9 vừa qua.
Sự kiện diễn ra tại Tổ hợp Nhà hát DGA (thành phố Los Angeles, bang California, Mỹ) nhằm quảng bá điểm đến trong nước, tiềm năng bối cảnh quay phim, thu hút các hãng phim Hollywood ghi hình tại Việt Nam. Qua màn ảnh rộng, cảnh quan Việt Nam được giới thiệu rộng rãi, thúc đẩy khách du lịch quốc tế đến nước ta nhiều hơn.
Với kinh nghiệm trong hoạt động liên kết nghệ thuật, người đứng đầu Oxalis đồng hành cùng sự kiện và cho rằng, các nhà làm phim quốc tế rất yêu thích cảnh sắc, bối cảnh nước ta.
“Có lẽ Việt Nam là điểm đến cho bối cảnh mới hơn Thái Lan, Philippines… các quốc gia đã quá quen thuộc với hãng phim trong nhiều năm qua”, đại diện đến từ Quảng Bình nhận định.
Phía Oxalis cũng cho biết, họ sẽ tiếp tục hành trình tìm kiếm, kết nối các đạo diễn, nhà sản xuất, hãng phim nước ngoài… đến quay phim tại Sơn Đoòng và Quảng Bình, như một cách quảng bá sản phẩm du lịch Việt Nam tới du khách quốc tế.
Chua me đất, loài cây dại mọc nhiều ở Phong Nha có hình dạng gần giống cỏ ba lá, đã trở thành nguồn cảm hứng cho cái tên Oxalis vào 13 năm trước.
Nếu cỏ ba lá tượng trưng cho niềm tin, hy vọng và tình yêu, thì hành trình kinh doanh của Oxalis cũng bao gồm ba trụ cột chính là an toàn, bảo tồn và có sự tham gia của cộng đồng.
Từ một doanh nghiệp địa phương, từng có những thời điểm không đủ nguồn khách để tạo việc làm và thu nhập cho nhân viên, Oxalis ngày nay là một công ty có doanh thu hàng trăm tỷ đồng, tạo công ăn việc làm trực tiếp cho hơn 500 lao động.
Sơn Đoòng và Tân Hóa đều gắn với danh hiệu “nhất thế giới” nhưng người đứng đầu Chua Me Đất lại không xác định mục tiêu "lớn nhất" hay “tốt nhất” cho doanh nghiệp.
“Chúng tôi chỉ tập trung vào công việc của mình, muốn hàng ngày tạo ra giá trị cho nhân viên và cộng đồng, tạo thêm nhiều trải nghiệm thú vị cho khách hàng, nhiều công việc cho bà con. Chúng tôi không đặt mục tiêu trở thành công ty tốt nhất hay đạt đến một tầm vóc nào đó trên thế giới”, người đứng đầu Oxalis khẳng định.