Thế giới

Phát hiện bất thường về máy bay gặp nạn của Jeju Air: Bay liên tiếp 13 chuyến trong 48 giờ trước thảm kịch

Nhã San 31/12/2024 14:55

Sự cố này làm dấy lên những nghi vấn về việc khai thác quá mức và an toàn hàng không trong bối cảnh các hãng hàng không giá rẻ gia tăng tần suất hoạt động.

Ngày 29/12, chiếc Boeing 737-800 của Jeju Air gặp tai nạn nghiêm trọng tại sân bay Muan, tỉnh Jeolla Nam, Hàn Quốc, khiến 179 người thiệt mạng.

Lịch trình bay dày đặc trước thảm kịch

Trong 48 giờ trước khi gặp nạn, chiếc Boeing 737-800 đã thực hiện 13 chuyến bay liên tục, bao gồm các hành trình nội địa giữa Muan, đảo Jeju và Incheon, phía Tây Seoul, cũng như các chuyến bay quốc tế đến Bắc Kinh (Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan), Kota Kinabalu (Malaysia), Nagasaki (Nhật Bản) và Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc). Máy bay này chủ yếu phục vụ các chuyến bay thuê bao, đáp ứng nhu cầu du lịch nhóm đông người do một công ty lữ hành tại Gwangju tổ chức. Một trong số đó là chuyến đi trọn gói 5 ngày đến Bangkok nhân dịp Giáng sinh.

Sau khi trở về từ Bangkok, chiếc máy bay gặp sự cố nghiêm trọng khi hạ cánh tại sân bay Muan. Nghi vấn ban đầu cho thấy máy bay có thể đã đâm phải chim, dẫn đến trục trặc ở càng đáp. Phi công buộc phải hạ cánh bằng bụng xuống đường băng, nhưng máy bay không thể dừng lại, đâm vào tường bê tông cuối đường băng và bốc cháy. Trong số 181 người trên máy bay, chỉ hai tiếp viên sống sót nhờ ở phần đuôi máy bay.

Phát hiện bất thường về máy bay gặp nạn của Jeju Air: Bay liên tiếp 13 chuyến trong 48 giờ trước thảm kịch - ảnh 1
Hiện trường vụ việc. Ảnh: USA Today

Nguy cơ khai thác quá mức

Jeju Air được biết đến là một trong những hãng hàng không giá rẻ lớn nhất Hàn Quốc với đội bay gồm 39 chiếc Boeing 737-800. Theo dữ liệu từ công ty, thời gian bay trung bình hàng tháng của mỗi máy bay trong giai đoạn từ tháng 7-9 là 418 giờ, cao nhất trong số sáu hãng hàng không giá rẻ tại Hàn Quốc. Trong khi đó, các đối thủ như Jin Air và T'way Air ghi nhận mức trung bình lần lượt là 371 và 386 giờ.

Các chuyên gia hàng không lo ngại rằng tần suất hoạt động dày đặc, đặc biệt trong mùa cao điểm cuối năm, có thể dẫn đến sự mệt mỏi của phi hành đoàn và giảm khả năng bảo trì máy bay. Điều này đặt ra câu hỏi liệu Jeju Air có đảm bảo an toàn bay khi liên tục khai thác máy bay với cường độ cao hay không.

Phản ứng của ngành hàng không

Sau vụ tai nạn, các sân bay nội địa Hàn Quốc chứng kiến sự gia tăng đột biến về hủy chuyến bay và vé đặt trước. Jeju Air thông báo có khoảng 68.000 lượt hủy đặt chỗ, bao gồm 33.000 vé nội địa và 35.000 vé quốc tế. Nhiều công ty lữ hành tại Hàn Quốc cũng tạm dừng quảng cáo và các chương trình khuyến mãi do lo ngại về an toàn hàng không.

Quyền Tổng thống Hàn Quốc Choi Sang-mok đã chỉ đạo tiến hành kiểm tra đặc biệt đối với toàn bộ máy bay Boeing 737-800 hoạt động tại nước này, đồng thời ra lệnh kiểm tra khẩn cấp toàn bộ hệ thống hàng không.

Boeing 737-800 là một trong những mẫu máy bay phổ biến nhất thế giới, được sử dụng bởi gần 200 hãng hàng không và chiếm khoảng 15% đội bay toàn cầu. Tuy nhiên, sau vụ tai nạn tại Hàn Quốc, mẫu máy bay này trở thành tâm điểm chú ý về độ an toàn. Chiếc máy bay gặp nạn đã 15 năm tuổi, trước đây thuộc sở hữu của Ryanair và được Jeju Air thuê lại từ năm 2017.

Theo Yonhap

>> Jeju Air cam kết bồi thường 1 tỷ USD trong vụ tai nạn khiến 179 người thiệt mạng

Thêm một tai nạn máy bay, Cơ trưởng và Cơ phó đều thiệt mạng

5 thảm họa máy bay va phải chim chấn động

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/phat-hien-bat-thuong-ve-may-bay-gap-nan-cua-jeju-air-bay-lien-tiep-13-chuyen-trong-48-gio-truoc-tham-kich-133687.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Phát hiện bất thường về máy bay gặp nạn của Jeju Air: Bay liên tiếp 13 chuyến trong 48 giờ trước thảm kịch
    POWERED BY ONECMS & INTECH