Phát hiện dấu vết người tiền sử niên đại 8.000 năm ở tỉnh nghèo nhất Việt Nam
Trưởng đoàn khảo sát khẳng định, hệ thống di tích trên cần được bảo tồn và phát huy giá trị.
Các nhà khảo cổ vừa có một phát hiện đáng chú ý khi tìm thấy bốn hang động chứa dấu tích của người tiền sử  tại khu vực hai xã Quảng Khê và Đô Phúc, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Ước tính, những dấu tích này có niên đại hàng nghìn năm về trước.
Theo đó, trong suốt một tháng, đoàn chuyên gia Hội Khảo cổ học Việt Nam và Bảo tàng tỉnh Bắc Kạn đã tỉ mỉ khảo sát hơn 20 hang động tại hai xã Quảng Khê và Đồng Phúc. Kết quả, bốn di tích chứa đựng dấu vết của người tiền sử đã được phát hiện.
Hang Kẹm Liềm ở thôn Chợ Lèng, xã Quảng Khê với diện tích 280m2 và độ cao 80m so với suối Tà Lẻng là một trong những điểm khảo sát chính. Đoàn khảo sát đã tập trung đào một hố 3m2 tại vị trí trung tâm của hang, cách vách phía đông 1,5m. Kết quả, nhóm khảo sát đã phát hiện ra tầng văn hóa dày 0,7m nằm ngay trên nền đá tảng. Cuối cùng, họ tìm thấy sự xuất hiện của 154 di vật.
Các công cụ đá tìm thấy chủ yếu có kỹ thuật chế tác đơn giản, với các loại hình phổ biến như rìu tay, mảnh đá, mảnh tước, bàn nghiền và chày nghiền. Chúng chủ yếu được sử dụng cho các công việc thô sơ như chặt, đập.
Việc phát hiện bàn nghiền, chày nghiền, bếp lửa cùng với xương động vật và vỏ ốc cho thấy người tiền sử đã sinh sống, chế biến thức ăn tại đây. Những bằng chứng này khẳng định rằng họ đã có cuộc sống dựa trên hoạt động săn bắt và hái lượm. Nhóm khảo cổ đã khẳng định: "Đây là di tích cư trú của người tiền sử thuộc giai đoạn sớm của thời đại Đá mới cách đây khoảng 7.000- 8.000 năm".
Bên cạnh xã Quảng Khê, nhóm nghiên cứu  còn tìm thấy dấu vết của người tiền sử tại xã Đồng Phúc. Trên dãy núi Phja Pục, đoàn khảo sát đã khám phá ra hai hang động chứa đựng nhiều di tích khảo cổ có giá trị, đó là Đán Đeng 1 và Đán Đeng 2. Cả hai hang động này nằm gần nhau và đều có độ cao khoảng 15m so với chân núi. Cụ thể, 44 công cụ bằng đá ghè đẽo, vỏ ốc chặt đuôi được tìm thấy ở hang Đáng Đen 1. Tại hang Đáng Đen 2, nhóm nghiên cứu tìm thấy 10 hiện vật.
Theo PGS.TS Trình Năng Chung - Trưởng đoàn khảo sát, những phát hiện này mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa và khoa học to lớn, góp phần làm sáng tỏ bức tranh về văn hóa tiền sử ở Bắc Kạn nói riêng, Việt Nam nói chung.
PGS.TS Trình Năng Chung cũng khẳng định, hệ thống di tích nói trên cần được bảo tồn, phát huy giá trị. Chúng được coi như tiềm năng kinh tế du lịch, về nguồn trong kế hoạch phát triển kinh tế địa phương.
Bắc Kạn là tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Bộ của nước ta. Với GDP năm 2022 chỉ đạt 0,65 tỷ USD và GRDP bình quân đầu người là 1.989 USD, Bắc Kạn là tỉnh nghèo nhất Việt Nam. Nhiều năm liền, tỉnh nằm ở cuối bảng thu ngân sách các địa phương trong cả nước, với tổng thu khiêm tốn vài trăm tỷ đồng. Trong khi đó con số của các tỉnh đứng liền trên như Lai Châu, Điện Biên... đều đạt trên dưới 2.000 tỷ đồng.
Địa phương này vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội. Địa hình hiểm trở, kết cấu hạ tầng yếu kém, đặc biệt là giao thông đã hạn chế sự phát triển của tỉnh. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục và y tế cũng chưa được đầu tư đầy đủ, dẫn đến nhiều hạn chế.