Phát hiện ‘kho báu’ trữ lượng khủng ở độ sâu 1.175m dưới đáy biển: Huy động công nghệ cao, chuyên gia vào cuộc khai thác
Mỏ “kho báu” này nằm ở độ sâu 1.175m dưới mực nước biển, có đường kính 150m và chiều cao 60m so với đáy biển.
Mới đây, Trung tâm Nghiên cứu Biển Sâu thuộc Đại học Bergen (UiB) đã thực hiện một chuyến thám hiểm quan trọng ở biển Na Uy và biển Greenland, và trong quá trình nghiên cứu, họ đã tình cờ phát hiện một mỏ sunfua mới, được đặt tên là Grøntua.
Đây là một mỏ khoáng sản  có tiềm năng lớn, được tìm thấy trên sống núi Mohns, một khu vực được coi là triển vọng cho các mỏ sunfua dọc theo dãy núi giữa đại dương. Chuyến thám hiểm này kéo dài từ ngày 24/6 đến ngày 12/7/2024, nhằm thu thập dữ liệu về địa chất, môi trường và các tài nguyên khoáng sản dưới đáy biển.
Ảnh minh họa
Khoáng sản với hàm lượng đồng cao
Ban đầu, mục tiêu của chuyến thám hiểm là nghiên cứu sự lưu thông nước dưới bề mặt biển thông qua việc khoan vào một đứt gãy. Tuy nhiên, khi khoan sâu hơn 1.000m tại điểm cao địa hình ở phía Bắc núi Mohns, các nhà nghiên cứu đã phát hiện một hiện tượng bất ngờ khi xuất hiện xoáy nước và chướng ngại vật, báo hiệu sự có mặt của một mỏ khoáng sản. Các chuyên gia nhanh chóng dừng quá trình khoan và nhận ra rằng họ đã vô tình khoan trúng một mỏ sunfua không hoạt động, sau này được đặt tên là Grøntua.
Mỏ sunfua Grøntua nằm ở độ sâu 1.175m dưới mực nước biển, có đường kính 150m và chiều cao 60m so với đáy biển. Các phân tích ban đầu cho thấy hàm lượng đồng trong mỏ này có thể lên tới hơn 2%, một con số ấn tượng, mở ra khả năng khai thác khoáng sản có giá trị cao trong tương lai.
Huy động công nghệ khai thác tiên tiến
Để thu thập mẫu vật từ mỏ Grøntua, các nhà nghiên cứu đã sử dụng công nghệ khoan lõi mới, FlexiCore, được phát triển cho việc lấy mẫu trong môi trường biển sâu. Công nghệ này tích hợp các hệ thống hiện đại như tự động hóa, bigdata và giám sát thông minh, giúp thu thập dữ liệu thời gian thực và hỗ trợ việc ra quyết định chính xác trong quá trình khoan thăm dò. Trong suốt chuyến thám hiểm, nhóm nghiên cứu đã sử dụng cánh tay robot của thiết bị lặn điều khiển từ xa Ægir 6000 để lấy mẫu và ghi lại toàn bộ quá trình bằng video chất lượng cao.
Mặc dù mỏ sunfua Grøntua vẫn chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng, các nhà khoa học dự đoán đây có thể là một trong những mỏ khoáng sản lớn nhất dọc theo sườn núi Mohns. Hiện nay, số lượng mỏ thủy nhiệt hoạt động và không hoạt động trong khu vực này đang tăng lên hàng năm, với 10 mỏ hoạt động và 4 mỏ không hoạt động đã được phát hiện. Trong tương lai, việc khai thác các mỏ không hoạt động, như Grøntua, sẽ được chú trọng vì tiềm năng tài nguyên khoáng sản của chúng.
Dự kiến, trong nửa đầu năm 2025, Bộ Năng lượng Na Uy sẽ cấp giấy phép cho các doanh nghiệp thương mại để bắt đầu thăm dò trong khu vực này. Cùng với việc lập bản đồ tài nguyên dưới sự bảo trợ của Nhà nước, các nhà khoa học hy vọng sẽ có thêm nhiều phát hiện mới về các mỏ khoáng sản dưới biển sâu trong những năm tới.
Theo GEOExpro, Offshore