Phát hiện loại quả ‘quý như kim cương’ nhập khẩu từ Trung Quốc nhiễm hóa chất độc hại, Việt Nam là một trong những nước tiêu thụ hàng đầu
Nhiều thương nhân đã lạm dụng hóa chất để giữ màu sắc nhằm bán với giá cao hơn.
Cơ quan chức năng Trung Quốc đã mở cuộc điều tra về sản xuất kỷ tử sau khi một báo cáo từ đài truyền hình Nhà nước CCTV tiết lộ các thương nhân sử dụng hóa chất độc hại để giữ màu đỏ tươi cho loại quả này, đánh dấu vụ bê bối an toàn thực phẩm thứ 2 ở Trung Quốc trong những tháng gần đây.
Cụ thể, đầu tháng 9, CCTV cho biết nhiều thương nhân ở các tỉnh Thanh Hải và Cam Túc đã lạm dụng natri metabisunfit để giữ màu đỏ của kỷ tử  nhằm bán với giá cao hơn.
Natri metabisunfit, thường được sử dụng làm chất bảo quản trong thực phẩm và dược phẩm, đã được một số thương nhân dùng để “tăng cường” màu sắc của kỷ tử. Kỷ tử, còn được gọi là câu kỷ tử, thường được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc và các món canh bổ dưỡng nhờ vào các vitamin và khoáng chất có lợi cho gan và thị lực. Vì thế loại quả này được ví như "kim cương".
Báo cáo CCTV ghi nhận một số thương nhân ở Thanh Hải chia sẻ rằng quả kỷ tử sẽ dễ chuyển sang màu thẫm và bị ế hàng, khiến công sức của họ trở nên “lãng phí”. Họ biết về tác hại của natri metabisunfit, như gây kích ứng da và vấn đề hô hấp khi tiêu thụ quá mức, nhưng vẫn tiếp tục sử dụng. Một thương nhân không thêm chất này vì cho rằng nó “có hại cho cơ thể” đã phải chịu lỗ lớn.
Tại tỉnh Cam Túc, các thương nhân cũng được phát hiện ngâm kỷ tử khô trong natri metabisunfit để giữ màu sắc.
Cơ quan Thực phẩm Singapore (SFA) cho biết kết quả thử nghiệm trên kỷ tử khô đạt tiêu chuẩn. SFA cho biết các loại sulfite, bao gồm metabisulfit, là chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm khô nếu không vượt ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, người tiêu dùng dị ứng với sulfite nên kiểm tra nhãn mác trước khi sử dụng sản phẩm.
Lưu huỳnh công nghiệp
Báo cáo của CCTV cũng cho biết một số thương nhân đã sử dụng lưu huỳnh công nghiệp – có chứa arsenic độc hại gây tổn hại đến các cơ quan trong cơ thể – để giữ màu đỏ của kỷ tử trong điều kiện thời tiết bất lợi. Theo SCMP, năm 2023, Trung Quốc  đã xuất khẩu gần 12.000 tấn kỷ tử, với Việt Nam và Hong Kong là những thị trường lớn.
Đây là vụ bê bối thực phẩm thứ hai trong những tháng gần đây. Trước đó vào tháng 7, thông tin xe bồn chở dầu ăn và hóa chất không được làm sạch giữa các lần vận chuyển gây xôn xao dư luận Trung Quốc. Vụ việc khiến hai tài xế bị bắt và ba công ty bị phạt.
Ngày 1/10, chính quyền Thanh Hải đã thành lập đội điều tra đặc biệt để xác minh thông tin về kỷ tử nhiễm hóa chất. Chính quyền cam kết sẽ xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm theo pháp luật và công khai kết quả điều tra. Các cơ quan tại Cam Túc cũng thành lập đội điều tra chung để xử lý vụ việc. Theo quy định của chính quyền Thanh Hải, việc sử dụng natri metabisulfit và các chất tương tự bị cấm trong sản xuất kỷ tử.
Theo CNA