Nhiều dấu hiệu cho thấy thi thể của cả người lớn, trẻ em thời tiền sử đã được chất đống trong ngôi nhà trước khi nó bị thiêu rụi.
Khoảng 5.000 năm trước, một trận dịch khủng khiếp đã tàn phá một ngôi làng thời tiền sử  ở Trung Quốc, gây ra sự diệt vong cho toàn bộ cộng đồng nơi đây. Những nạn nhân xấu số, bao gồm cả trẻ em, thanh thiếu niên và người trưởng thành, đều không thể thoát khỏi sự lây lan của căn bệnh chết chóc này. Thi thể của họ bị chất đống trong một ngôi nhà, nơi sau đó bị thiêu rụi. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc vào năm 2015 đã tìm thấy gần 100 bộ hài cốt  biến dạng trong ngôi nhà này.
Cụ thể, thông tin trên tờ Daily Mail cho biết, di chỉ khảo cổ nơi phát hiện ngôi nhà, hiện được biết đến với tên gọi "Hamin Mangha", đã tồn tại từ thời kỳ trước khi chữ viết xuất hiện trong khu vực. Vào thời điểm đó, con người sinh sống trong các khu định cư nhỏ, chủ yếu dựa vào việc trồng trọt kết hợp với săn bắn để sinh tồn.
Địa điểm khảo cổ này hiện là một trong những địa điểm thời tiền sử được bảo tồn tốt nhất ở Đông Bắc Trung Quốc. Các nhà khoa học cho rằng, đã có một thời điểm nào đó, toàn bộ ngôi nhà bị thiêu cháy. Ngọn lửa bùng lên khiến phần mái nhà, gồm nhiều cây xà gỗ, đổ sụp xuống, kéo theo một số phần xương sọ và xương chi có trong nhà cũng bị cháy và biến dạng.
Thông tin trên báo cáo chứa các kết quả nghiên cứu của một đội nhân chủng học Đại học Jilin Trung Quốc cho biết, họ nhận thấy rằng những người trong ngôi nhà dường như đã chết vì một thảm họa thời tiền sử, khả năng cao là do dịch bệnh. Sự việc được minh chứng qua việc các thi thể xếp chồng lên nhau, điều này cho thấy họ không có đủ thời gian hoặc điều kiện để chôn cất một cách đúng đắn.
Đồng thời, các nhà khảo cổ thấy rằng nửa số di cốt thuộc về những người có độ tuổi từ 19 - 35 và không có di cốt của người già hơn. Độ tuổi của các nạn nhân tại Hamin Mangha tương đồng với những người được tìm thấy tại một số điểm mai táng tập thể thời cổ đại khác, như đã được phát hiện ở vùng Miaozigou, Đông Bắc (Trung Quốc). Điều này cho thấy rằng các thảm họa như dịch bệnh không chỉ xảy ra một cách cô lập mà có thể đã ảnh hưởng rộng khắp trong khu vực. Những khám phá này cho thấy rằng một trận dịch đã tàn phá toàn bộ nơi đây.
Được biết, ngoài các bộ di cốt đã kể trên, các nhà khảo cổ còn phát hiện nhiều mảnh gốm cổ, thiết bị nghiền, mũi tên, mũi giáo và nhiều hiện vật khác. Những cổ vật này đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng về lối sống của người cổ đại, giúp thế hệ sau hiểu rõ hơn về cách họ sinh tồn, lao động và chiến đấu.