Phát hiện vật thể đen lạ khi thi công, dự án trọng điểm bị phong tỏa gấp, chuyên gia xác nhận là 'kho báu' khủng 1,3 tỷ tấn
Một phát hiện bất ngờ đã làm thay đổi tiến độ của dự án xây dựng tại thành phố An Sơn.
Một dự án xây dựng ngầm quy mô lớn tại thành phố An Sơn, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc đã bị tạm dừng sau khi đơn vị thi công phát hiện một vật thể bất thường dưới lòng đất. Sau khi kiểm tra, các chuyên gia xác nhận đây là một mỏ sắt có trữ lượng lớn và chất lượng cao, được đánh giá là chưa từng khai thác trong khu vực.
Theo thông tin từ China News Network, sự việc xảy ra trong quá trình thi công Dự án mỏ sắt Tây An Sơn – một trong những công trình hạ tầng ngầm trọng điểm tại khu vực Đông Bắc Trung Quốc. Vật thể có màu đen ánh bạc được phát hiện trong lòng đất khiến đơn vị thi công buộc phải tạm dừng để đánh giá địa chất. Kết quả khảo sát cho thấy đây là mỏ khoáng sản có giá trị, dẫn đến quyết định chuyển hướng dự án thành khai thác tài nguyên.

Mỏ sắt ngầm lớn nhất Trung Quốc
Dự án mỏ sắt Tây An Sơn được chính quyền Trung Quốc nhanh chóng đưa vào danh mục các công trình nằm trong "Kế hoạch nền tảng quốc gia" – kế hoạch đầu tư cho các ngành công nghiệp cốt lõi và khai khoáng chiến lược. Theo thống kê ban đầu, tổng trữ lượng tài nguyên tại khu mỏ ước tính khoảng 1,3 tỷ tấn, trong đó có khoảng 30 triệu tấn quặng sắt hỗn hợp và hơn 10 triệu tấn quặng sắt cô đặc.
Đây là mỏ sắt ngầm đơn lẻ có trữ lượng chưa khai thác lớn nhất Trung Quốc, đồng thời cũng được đánh giá có chất lượng quặng cao vượt trội, tiềm năng đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho ngành luyện kim trong nước.
Được biết, trục không khí hồi lưu số 3 của dự án – một trong các trục chính trong hệ thống đường hầm đã được đào sâu tới 773,2 mét, trở thành trục đầu tiên hoàn thành tại Tây An Sơn. Thành công này được xem là bước tiến quan trọng trong việc đặt nền móng cho toàn bộ hệ thống khai thác ngầm tại khu vực.

Khai thác thông minh, hướng tới phát triển xanh
Dự án Tây An Sơn được triển khai theo mô hình khai thác hầm lò thông minh, kết hợp nhiều công nghệ hiện đại gồm: Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu lớn (Big Data). Hệ thống cảm biến được lắp đặt dọc theo các tuyến hầm nhằm thu thập dữ liệu thời gian thực về điều kiện địa chất, trạng thái thiết bị, mức độ ổn định của nền móng và trữ lượng khoáng sản tại chỗ.
Thông tin thu thập sẽ được truyền về trung tâm điều hành, nơi dữ liệu được phân tích để ra quyết định tối ưu về vận hành và bảo trì, giúp tăng hiệu quả khai thác, giảm thời gian chết máy và nâng cao độ an toàn cho người lao động.
Bên cạnh yếu tố kỹ thuật, dự án cũng hướng tới tiêu chuẩn khai thác thân thiện môi trường. Các kỹ sư cho biết quy trình thi công đã được điều chỉnh để giảm thiểu xói mòn đất, ô nhiễm bụi và ảnh hưởng tới nguồn nước. Các biện pháp này góp phần duy trì cảnh quan tự nhiên và hệ sinh thái quanh khu vực Tây An Sơn.
Máy móc hiện đại được điều khiển từ xa giúp giảm sự phụ thuộc vào nhân lực, từ đó giảm thiểu nguy cơ tai nạn trong hầm lò vốn là thách thức lớn trong các dự án khai thác sâu.
Trọng điểm phát triển công nghiệp nặng
Giới chuyên gia nhận định, phát hiện mỏ sắt tại Tây An Sơn không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà còn mang tính chiến lược trong bối cảnh Trung Quốc đang thúc đẩy tự chủ nguyên liệu trong ngành công nghiệp luyện kim. Việc khai thác và chế biến sâu tại chỗ sẽ giúp giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, nhất là trong bối cảnh biến động thị trường khoáng sản toàn cầu.
Chính quyền Liêu Ninh cũng đã công bố kế hoạch mở rộng các tuyến đường phục vụ vận chuyển quặng, đảm bảo nâng cao công suất khai thác và chế biến trong giai đoạn tới.