Vĩ mô

Phát triển thị trường cơ khí: 'Cần cơ chế, chính sách phù hợp'

Khúc Văn 13/01/2025 17:06

TS Phan Đăng Phong - Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí khẳng định đối với các doanh nghiệp cơ khí, điều cần nhất hiện nay là Nhà nước tạo ra thị trường, đặc biệt là những thị trường có dung lượng lớn như đường sắt đô thị, đường sắt nội đô, các dự án điện gió ngoài khơi...

Việt Nam mới đáp ứng được 1/3 nhu cầu thị trường cơ khí thế giới

Thống kê cho thấy, hiện tại, cả nước có khoảng 3.100 doanh nghiệp ngành cơ khí chế tạo với 53.000 cơ sở sản xuất, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam.

Phát triển thị trường cơ khí: 'Cần cơ chế, chính sách phù hợp'
Việt Nam mới đáp ứng được 1/3 nhu cầu thị trường cơ khí thế giới.

Thế mạnh của ngành cơ khí Việt Nam tập trung ở 3 phân ngành chính gồm: xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy; cơ khí gia dụng và dụng cụ; ô tô và phụ tùng ô tô. Doanh thu toàn ngành hiện đạt hơn 1,7 triệu tỷ đồng và tạo việc làm cho trên 1,2 triệu lao động.

Là một trong những ngành công nghiệp trọng yếu, ngành cơ khí đang đứng trước những cơ hội lớn từ sự hội nhập quốc tế, tiến bộ công nghệ và nhu cầu gia tăng từ các ngành kinh tế khác.

Theo nhận định của các chuyên gia, từ nay đến năm 2030, nhu cầu thị trường cơ khí khoảng 310 tỷ USD, riêng nhu cầu thị trường ôtô là 120 tỷ USD nhưng hiện Việt Nam mới chỉ đáp ứng 1/3.

Cơ hội để ngành này tiếp cận thị trường thế giới cũng rất lớn. Nếu tạo ra giá thành, thị trường ổn định thì cơ khí Việt Nam có cơ hội phát triển mạnh mẽ.

Mặc dù dư địa của ngành cơ khí được cho còn rất lớn, nhưng việc đa dạng và mở rộng thị trường đối với các doanh nghiệp trong vẫn hết sức khó khăn. Đặc biệt khi hàng loạt các rào cản, vướng mắc vẫn đang hiện hữu.

>>Nhiều doanh nghiệp sắp trả cổ tức bằng tiền, tỷ lệ từ 20-50%

Cần nguồn lực lớn về hạ tầng và vốn

Bình luận về vấn đề phát triển ngành cơ khí, ông Nguyễn Đức Cường - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội, khó khăn với doanh nghiệp cơ khí hiện nay là đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn về đất đai, nhà xưởng, cơ sở hạ tầng, máy móc, trang thiết bị; xây dựng hệ thống quy trình và phải có đơn hàng để tập dượt trong quá trình xây dựng quy trình đó. Điều này không chỉ diễn ra trong 1-2 tháng mà là 2-3 năm, thậm chí là 5 năm.

Hơn nữa, đa số các doanh nghiệp hiện tại vẫn phải dựa trên vay vốn ngân hàng, hoặc các tổ chức tài chính để đầu tư, trong quá trình đó có thể 5-7 năm mới có thể thu hồi vốn. Nếu tính với lãi suất 5% thì sau 10 năm, giá trị đầu tư đã tăng 50%.

Phát triển thị trường cơ khí: 'Cần cơ chế, chính sách phù hợp'
Cần nguồn lực lớn về hạ tầng và vốn.

Cùng với đó, ngành cơ khí còn phụ thuộc vào nguyên vật liệu nhập khẩu. Chẳng hạn, thép mác cao C45 gần như chúng ta phải nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan, Ấn Độ hoặc Thái Lan. Vì vậy, nếu có biến động xảy ra trên thế giới, chúng ta thiếu quyền chủ động trong việc quyết định giá. Mặt khác, ngành này còn hạn chế về công nghệ hiện đại cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm.

“Đây là một trong những điểm mà tôi thấy khá khó khăn cho doanh nghiệp Việt, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa”, ông Cường nhấn mạnh.

Cũng theo ông Cường, đa phần sản phẩm cơ khí tại Việt Nam hiện nay chiếm rất nhiều tỷ trọng trong việc gia công OEM (nhà sản xuất thiết bị gốc) cho các doanh nghiệp FDI. Như vậy, sẽ không cần đội ngũ R&D (nghiên cứu và phát triển). Khi hoạt động R&D hạn chế thì việc sáng tạo, đổi mới hoặc làm ra những sản phẩm mới, tìm kiếm cơ hội mới sẽ gặp khó khăn.

Không chỉ có vậy, vị này cũng cho rằng, các cơ chế, chính sách vẫn đang dừng lại ở mức độ tuyên truyền. Đã có một số ít doanh nghiệp chạm vào cơ chế, chính sách nhưng những thủ tục pháp lý, những quy định hiện rất vướng mắc đòi hỏi cần tháo gỡ để doanh nghiệp hoạt động thuận lợi hơn.

Tương tự, TS Phan Đăng Phong - Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí cũng cho hay, một số cơ chế ưu đãi về tài chính, đầu tư, thuế quan... rất hợp lý và tốt cho các doanh nghiệp cơ khí. Tuy nhiên, khi ứng dụng thực tế thì còn nhiều vướng mắc, thậm chí chậm và có độ trễ dẫn đến các doanh nghiệp rất khó để ứng dụng. Một số chính sách còn tương đối ngặt nghèo, chưa thực sự phù hợp nên doanh nghiệp rất khó tiếp cận.

Để tháo gỡ những nút thắt đã nêu, ông Phong cho rằng cần phải có đánh giá sơ kết chính sách phát triển cơ khí trong thời gian vừa qua, từ đó có những hiệu chỉnh, bổ sung phù hợp với tình hình mới, nhất là khi vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Điện lực (sửa đổi), trong đó quy định rất nhiều cơ chế, chính sách để phát triển các thiết bị cơ khí điện trong nước.

“Điều cần nhất của doanh nghiệp cơ khí hiện nay là Nhà nước tạo ra thị trường, đặc biệt là những thị trường có dung lượng lớn như ngành đường sắt đô thị, đường sắt nội đô, các nhà máy điện khí, các dự án điện gió ngoài khơi, các dự án sản xuất nguyên vật liệu,… nếu bổ sung được một số cơ chế, chính sách phù hợp thì các doanh nghiệp cơ khí có sẽ có nhiều cơ hội để phát triển hơn nữa trong thời gian tới”, TS Phan Đăng Phong nhìn nhận.

TPHCM: Xưởng cơ khí cháy lớn với nhiều tiếng nổ, 2 công nhân bị thương

Sai phạm liên quan lô đất 'vàng' 16-18 Phan Chu Trinh: Cơ khí Ngô Gia Tự góp vốn sai quy định

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/phat-trien-thi-truong-co-khi-can-co-che-chinh-sach-phu-hop-270180.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Phát triển thị trường cơ khí: 'Cần cơ chế, chính sách phù hợp'
    POWERED BY ONECMS & INTECH