Phó Giám đốc Bệnh viện K chỉ ra 3 bệnh ung thư nam giới Việt mắc nhiều nhất
Với dân số khoảng 100 triệu người, trong năm 2022, Việt Nam ước tính ghi nhận hơn 180.000 ca ung thư mới và hơn 120.000 ca tử vong do ung thư.
Theo thông tin trên Báo Dân Trí, tại hội thảo "Điều trị đa mô thức bệnh ung thư và Quản lý bệnh viện trong kỷ nguyên số - Cập nhật ASCO 2024" diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày 30-31/10, PGS.TS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện K , đã chia sẻ nhiều thông tin quan trọng về ung thư.
PGS.TS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện K (Ảnh: Báo Dân Trí)
PGS.TS Phạm Văn Bình cho biết, bệnh ung thư  là một gánh nặng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong năm 2021, Việt Nam đã mất gần 3 triệu năm sống khỏe mạnh do các ca tử vong sớm hoặc sống chung với tàn tật do ung thư gây ra. Chi tiêu y tế bình quân đầu người của Việt Nam trong năm này là 173USD/người, với một tỷ lệ lớn dành cho việc điều trị ung thư.
Theo thống kê năm 2023, quỹ bảo hiểm y tế đã chi 7.521 tỷ đồng cho thuốc điều trị ung thư, mức chi cao nhất trong các loại thuốc điều trị bệnh của quỹ bảo hiểm y tế.
"Việt Nam có tỷ suất mới mắc cao thứ 101/185 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với 150,8/100.000 dân. Đứng đầu là Australia với tỷ suất mới mắc là 426,5/100.000 dân. Xét trong khu vực châu Á, Việt Nam có tỷ suất mắc ung thư cao thứ 20/47 quốc gia, cao nhất là Nhật Bản với 267,1/100.000 dân", PGS Bình cho biết.
Với dân số khoảng 100 triệu người, trong năm 2022, Việt Nam ước tính ghi nhận hơn 180.000 ca ung thư mới và hơn 120.000 ca tử vong do ung thư. Số ca mắc mới và số ca tử vong hàng năm đều tăng dần so với các năm trước.
Trong đó, 3 loại ung thư phổ biến hàng đầu ở nam giới hay mắc phải là gan, phổi, dạ dày. Trong đó, tỷ suất mắc mới ung thư gan là 35/100.000 nam giới, con số này với ung thư phổi là 31,5 và ung thư dạ dày là 18,6. Theo ông, cả nước còn 2 tỉnh chưa có đơn vị chuyên khoa ung bướu là Tây Ninh và Bình Phước.
3 loại ung thư phổ biến hàng đầu ở nam giới hay mắc phải là gan, phổi, dạ dày. (Ảnh: Báo Dân Trí)
"Về nhân lực, chúng ta còn cách xa, thiếu nhiều bác sĩ, điều dưỡng trên tỷ lệ dân số và bệnh nhân ung thư. Ví dụ, chúng ta thiếu đến một nửa bác sĩ nội khoa ung bướu so với các nước thu nhập cao", PGS Bình nhấn mạnh.
Bệnh ung thư có hai đặc điểm chính là dễ tái phát và di căn, do đó, cần áp dụng phương pháp điều trị đa mô thức, kết hợp phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, dinh dưỡng, tâm lý, thậm chí là yếu tố tôn giáo.
Theo PGS.TS Phạm Văn Bình, ngoại khoa đóng vai trò quan trọng trong điều trị ung thư, với hơn 200 bệnh lý ung thư, 60% can thiệp ngoại khoa giúp điều trị ung thư. Đặc biệt, những trường hợp phát hiện sớm có thể mang lại cơ hội chữa khỏi và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
PGS.TS Phạm Văn Bình nhấn mạnh rằng, phòng chống ung thư không thể là trách nhiệm của riêng cá nhân, bệnh viện hay một tổ chức nào mà đòi hỏi sự chung tay của cả hệ thống chính trị và các cơ quan quản lý nhà nước. Để đạt được mục tiêu giảm gánh nặng ung thư, cần có sự đầu tư chi phí hợp lý và cập nhật kiến thức y khoa hàng năm.
>> Tiến sĩ ĐH New York đưa ra 3 lời khuyên giúp ngừa ung thư ruột