Phó Thủ tướng: Không để lương chưa tăng nhưng giá đã tăng bất hợp lý 'thành thói quen'
Theo dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng, với mức tăng thêm 6% từ ngày 1/7 tới.
Ngày 12/6, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo, đánh giá kết quả công tác quản lý, điều hành 6 tháng đầu năm, định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại của năm 2024.
Phó Thủ tướng đề nghị làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra quá trình niêm yết thực hiện các chính sách, quy định về giá, trong đó kiểm tra yếu tố hình thành giá, không để tăng lương dẫn đến tăng giá bất hợp lý, "thành thói quen", làm mất đi ý nghĩa của việc tăng lương.
Theo dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng, với mức tăng thêm 6% từ ngày 1/7 tới, mức điều chỉnh tăng vùng I sẽ là 4.960.000 đồng/tháng, vùng II là 4.410.000 đồng/tháng, vùng III là 3.860.000 đồng/tháng, vùng IV là 3.450.000 đồng/tháng.
Cùng với lương tối thiểu tháng, mức lương tối thiểu theo giờ cũng tăng tương ứng 6% từ giữa năm 2024. Cụ thể, vùng I lên 23.800 đồng/giờ; vùng II lên 21.200 đồng/giờ; vùng III là 18.600 đồng/giờ; vùng IV là 16.600 đồng/giờ.
Nhiều năm nay có tình trạng, lương chưa tăng nhưng giá các mặt hàng thiết yếu đã tăng. Khi lương được điều chỉnh tăng, thì giá cả các mặt hàng thiết yếu cũng mượn cớ “té nước theo mưa”.
Lần tăng lương này cũng không ngoại lệ. Khi lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng, nếu không kìm hãm được việc tăng giá thì người lao động có thu nhập thấp sẽ vô cùng vất vả.
Thêm nữa, nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng lương chỉ thực sự ý nghĩa khi lạm phát được kiểm soát.
Chính vì vậy, Phó Thủ tướng đề nghị các đơn vị thực hiện nghiêm kịch bản điều hành giá, đề xuất tăng giá hàng hóa, dịch vụ phải nêu rõ thời điểm và lộ trình và mức độ, báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái |
Báo cáo của Bộ Tài chính – cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo cho thấy, bình quân 5 tháng đầu năm nay, CPI tăng 4,03% so với cùng kỳ năm 2023. Trong mức tăng này, có 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 1 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.
Đáng chú ý, chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 8,7% do trong năm học 2023-2024 một số tỉnh, thành phố tăng mức học phí, làm CPI chung tăng 0,54 điểm phần trăm.
Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 6,87%, tác động làm CPI chung tăng 0,37 điểm phần trăm do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế từ ngày 17/11/2023.
Chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 5,49%, làm CPI chung tăng 1,03 điểm phần trăm, do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào và giá thuê nhà ở tăng cao. Chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,6%, tác động làm CPI chung tăng 0,07 điểm phần trăm.
Ngược lại, chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông 5 tháng đầu năm 2024 giảm 1,46% so với cùng kỳ năm trước do giá điện thoại thế hệ cũ giảm khi các doanh nghiệp áp dụng chương trình giảm giá, kích cầu đối với các dòng điện thoại thông minh đưa ra thị trường sau một thời gian.
>>Đề xuất người lao động được chuyển vùng, tăng lương tối thiểu 2 lần từ 1/7/2024 
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo hoàn thiện 3 nghị định quan trọng về đất đai 
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái điện đàm với Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen