'Phù phép' 1,7 triệu bao bì nhựa bỏ đi, Việt Nam lần đầu tiên xây dựng thành công con đường từ rác thải
Con đường này là minh chứng cho việc nguồn tài nguyên tái tạo có giá trị, góp phần phát triển nền kinh tế tuần hoàn nhựa.
Đầu tháng 10/2019, Dow và Khu công nghiệp DEEP C đã hoàn tất xây dựng đoạn đường giao thông được gia cố bởi nhựa tái chế  đầu tiên tại Khu công nghiệp DEEP C, TP. Hải Phòng.
Đoạn đường 200m hoàn tất đầu tiên được khánh thành dưới sự chứng kiến của các lãnh đạo Dow và DEEP C.
Với tổng chiều dài đoạn đường từ rác thải  nhựa đạt 1,4km, đoạn đường này chuyển hóa tổng cộng 6,5 tấn bao bì nhựa dẻo thay vì trở thành rác thải hoặc bị chôn lấp trong các bãi xử lý rác – tương đương với hơn 1,7 triệu bao bì nhựa dẻo.
Con đường là minh chứng cho thấy rác thải nhựa có khả năng trở thành một nguồn tài nguyên tái tạo có giá trị, góp phần phát triển nền kinh tế tuần hoàn nhựa.
Được biết, nguồn rác thải nhựa sinh hoạt tái chế chủ yếu là bao bì nhựa dẻo như màng polyethylene, do Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hải Phòng (URENCO Hải Phòng) cung cấp.
Trước khi được tái chế, rác thải nhựa được làm sạch, phơi khô và nghiền nhỏ trước khi trộn với nhựa đường asphalt ở nhiệt độ 150-180 độ C. Ở nhiệt độ này, nhựa bị nóng chảy hoàn toàn, hòa với nhựa đường, giúp nâng cao độ bền cho con đường.
Rác thải nhựa đang trở thành một vấn đề nhức nhối trên toàn cầu, đe dọa nghiêm trọng đến môi trường và cuộc sống con người. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ rác thải nhựa. Lượng rác thải nhựa gia tăng nhanh chóng, năm 2014 khoảng 1,8 triệu tấn/năm, năm 2016 khoảng 2,0 triệu tấn/năm và hiện nay khoảng 3,27 triệu tấn/năm.
Bình quân, mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1kg túi nilon/tháng. Riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa và túi nilon.
Bên cạnh gây ô nhiễm môi trường, rác thải nhựa còn là nguyên nhân gây hại cho động vật và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người. Vi nhựa có thể xâm nhập vào cơ thể con người qua đường ăn uống, hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp, tích tụ lâu ngày và gây ra các bệnh ung thư. Bên cạnh đó, một số chất phụ gia trong nhựa có thể ảnh hưởng đến hệ nội tiết tố của con người, gây ra các vấn đề về sinh sản, phát triển và sức khỏe...
>> Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường chỉ đạo 'nóng' vụ bãi rác Mộc Châu có kim tiêm