Profile của doanh nghiệp tư nhân lớn thứ 2 Trung Quốc cùng Vingroup (VIC) thực hiện dự án gần 20.000 tỷ đồng
Dự án cầu Tứ Liên do Vingroup (VIC) và Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương cùng thực hiện nằm trong chủ trương của UBND thành phố Hà Nội giai đoạn 2025-2030.
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành văn bản số 532/TB-VP ngày 14/11/2024, truyền đạt ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh tại buổi làm việc liên quan đến tình hình triển khai đầu tư xây dựng một số cầu lớn qua sông Hồng.
Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố đã thống nhất về chủ trương đầu tư ba dự án cầu lớn qua sông Hồng trong giai đoạn từ năm 2025-2030. Ba dự án này gồm:
- Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên.
- Dự án đầu tư xây dựng cầu Trần Hưng Đạo và đường hai đầu cầu.
- Dự án đầu tư xây dựng cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu cầu.
Đối với dự án xây dựng cầu Tứ Liên, Chủ tịch UBND thành phố phân công Phó Chủ tịch UBND Dương Đức Tuấn làm việc với Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc) và Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC ) để thảo luận, thống nhất phương án đầu tư, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả, đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai.
Phối cảnh dự án cầu Tứ Liên |
Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao khẩn trương xem xét tờ trình của Sở Giao thông vận tải về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư, tham mưu, đề xuất, báo cáo UBND TP trình cơ quan có thẩm quyền tổ chức thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư trong tháng 1/2025. Tham mưu bố trí vốn đầu tư công thực hiện dự án đầu tư. Trước đó, tổng mức đầu tư cầu Tứ Liên được tạm tính là 19.959 tỷ đồng.
Profile của tập đoàn tư nhân lớn thứ 2 Trung Quốc
Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (China Pacific Construction Group) được ông Nghiêm Giới Hoà thành lập năm 1995, tập trung cốt lõi vào các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và xây dựng.
Tập đoàn đã được cấp giấy chứng nhận cấp 1 của Trung Quốc về tổng thầu xây dựng đường cao tốc, khu đô thị, công trình thủy lợi, kiến trúc và một số lĩnh vực khác. Tập đoàn này hiện đang vận hành khoảng 3.000 khu công nghiệp, các dự án đô thị trên khắp Trung Quốc.
CPCG là doanh nghiệp xếp thứ 96 trong số 500 doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu, thứ 19 trong số 500 doanh nghiệp lớn nhất Trung Quốc. Đây là doanh nghiệp tư nhân thứ 2 của Trung Quốc nằm trong 500 tập đoàn lớn nhất thế giới.
CPCG là doanh nghiệp tư nhân lớn thứ 2 Trung Quốc |
Tập đoàn đã khởi xướng hình thức đầu tư BT và tham gia xây dựng tại hơn 1.000 thành phố và 3.000 khu công nghiệp bằng cách áp dụng các hợp đồng BT, BTO, EPC và PPP.
Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương cũng trực tiếp tham gia vào các dự án của Thượng Hải – Nam Kinh, Thượng Hải – Chu Hải, Bắc Kinh – Thượng Hải… cũng như các dự án trọng điểm quốc gia khác.
Những năm gần đây, Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương tích cực mở rộng thị trường ra nước ngoài, đặc biệt là tăng cường trao đổi, hợp tác với 10 nước ASEAN, Trung Tây Á và Trung Đông Âu. Hiện tập đoàn này đang triển khai các dự án tàu điện ngầm, tàu cao tốc hợp tác với Ukraine, Iran và Malaysia.
Tại Việt Nam, tập đoàn này đã ký biên bản ghi nhớ với UBND thành phố Hà Nội về việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong 5 năm tới. Ngoài ra, Tập đoàn Thái Bình Dương cùng Vinaconex cũng đã ký kết biên bản hợp tác với Sở Giao thông Vận tải Hà Nội về các dự án quan trọng tại Hà Nội.
Tập đoàn Đèo Cả làm việc với Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương |
Bên cạnh đó, ngày 8/10 vừa qua, Tập đoàn Đèo Cả và Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương đã gặp gỡ để xúc tiến hợp tác trong các dự án hạ tầng lớn như đường sắt đô thị, đường cao tốc, sân bay, cảng biển và phát triển khu đô thị.
Hai bên thống nhất sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc họp chuyên sâu và khảo sát thực địa để xác định các dự án tiềm năng. Đây được coi là bước khởi đầu quan trọng, mở ra nhiều cơ hội hợp tác bền vững giữa hai tập đoàn lớn của Việt Nam và Trung Quốc.
>> Tập đoàn hàng đầu Trung Quốc sẽ cùng Vingroup (VIC) thực hiện dự án cầu Tứ Liên bắc qua sông Hồng
Vingroup (VIC) sắp ký kết hợp tác đầu tư với Vĩnh Phúc để thúc đẩy chuyển đổi xanh 
Vingroup (VIC) lập công ty quy mô nghìn tỷ đồng để nghiên cứu và phát triển người máy