Thế giới

Quốc đảo nhỏ nhất thế giới đang chìm dần, Chính phủ rao bán quốc tịch giá hơn 140.000 USD để giải cứu

Thanh Lê 22/02/2025 10:42

Nhằm trang trải chi phí di dời khoảng 10.000 cư dân khỏi những khu vực trũng thấp đang bị đe dọa bởi nước biển dâng và lũ lụt, quốc đảo nhỏ bé Nauru ở Thái Bình Dương đang có kế hoạch bán quốc tịch cho người nước ngoài.

Tổng thống David Adeang đặt mục tiêu huy động 65 triệu USD ban đầu để cải tạo vùng nội địa khô cằn, vốn đã bị tàn phá nặng nề bởi nhiều thập kỷ khai thác phosphate, thành một khu định cư mới với trang trại và khu làm việc. Theo kế hoạch, khoảng 90% dân số Nauru sẽ được tái định cư.

z6332611904597_ce6b2ed7f1e893868ce118f5d77b4cf6.jpg
Theo nhóm nghiên cứu về Biến đổi mực nước biển của NASA, Nauru sẽ phải đối mặt với tình trạng lũ lụt nghiêm trọng gia tăng trong những thập kỷ tới

Những người nước ngoài sẵn sàng chi ít nhất 140.500 USD để sở hữu hộ chiếu Nauru có thể sẽ không bao giờ đặt chân đến quốc đảo này, nằm cách Sydney khoảng 4.000 km về phía Đông Bắc. Tuy nhiên, họ có thể hưởng lợi từ việc miễn thị thực khi nhập cảnh vào các điểm đến như Anh, Singapore và Hong Kong (Trung Quốc).

"Trong khi thế giới vẫn còn tranh luận về hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, chúng tôi phải có những bước đi chủ động để bảo vệ tương lai đất nước," Tổng thống Adeang, người đắc cử vào năm 2023, chia sẻ. "Chúng tôi sẽ không ngồi yên chờ những con sóng cuốn trôi nhà cửa và cơ sở hạ tầng của mình".

Nauru đang đi theo bước chân của Dominica trong việc sử dụng doanh thu từ bán quốc tịch để bảo vệ người dân trước các tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu. Đây là một minh chứng cho những thách thức mà các quốc gia nhỏ bé phải đối mặt trong việc huy động tài chính để nâng cao khả năng chống chịu trước thiên tai.

Mặc dù các nền kinh tế giàu có đã gia tăng tốc độ cung cấp các khoản vay và viện trợ cho các nước đang phát triển, nhưng khoảng cách giữa nguồn vốn hiện có và nhu cầu thực tế có thể lên đến 359 tỷ USD mỗi năm, theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc vào tháng 11.

Năm ngoái, trong Hội nghị COP29 tại Azerbaijan, các nhà đàm phán đại diện cho các quốc đảo nhỏ, bao gồm Nauru, từng bất ngờ rời khỏi cuộc thảo luận căng thẳng về tài chính khí hậu. Cuối cùng, các quốc gia giàu có cam kết hỗ trợ ít nhất 300 tỷ USD mỗi năm cho các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, con số này vẫn còn xa so với mức hơn 1.000 tỷ USD mà các nước đang phát triển mong đợi.

Mối đe dọa từ nước biển dâng

Theo nhóm nghiên cứu về Biến đổi mực nước biển của NASA, Nauru sẽ phải đối mặt với tình trạng lũ lụt nghiêm trọng gia tăng trong những thập kỷ tới. Dữ liệu cho thấy số ngày bị ngập lụt (mực nước biển dâng cao hơn mức chuẩn 0,5m) đã tăng từ 8 ngày trong giai đoạn 1975-1984 lên 146 ngày trong giai đoạn 2012-2021.

Hiện tại, ước tính thiệt hại hàng năm do lũ lụt ven biển đối với các quốc đảo nhỏ – bao gồm Jamaica và Fiji – đã vượt 1,6 tỷ USD.

z6332611904428_2ff2b50095f4f3789ed3267d15ef4b7a.jpg
Đảo Nauru nằm giữa Úc và Hawaii

Sự gia tăng tần suất các trận lũ lớn đe dọa nhấn chìm các khu dân cư ven biển, các tòa nhà chính phủ và cả sân bay duy nhất của Nauru, nơi có đường băng nằm sát đại dương, theo ông Alexei Trundle, Giám đốc điều hành quốc tế tại Trung tâm Thành phố Melbourne, người đang hỗ trợ Nauru lập báo cáo đánh giá tính dễ tổn thương trước biến đổi khí hậu.

Hồi tháng 7 năm ngoái, sau một trận mưa lớn, nhiều ngôi nhà bị ngập nước, đường xá bị chia cắt. "Toàn bộ dân số Nauru sống quanh rìa đảo, và ba đến bốn khu vực đông dân nhất trong số đó rất dễ bị ảnh hưởng bởi triều cường," Paul Dargusch, Giám đốc Chương trình Hành động vì Khí hậu Thái Bình Dương tại Trường Kinh doanh Monash, nhận định.

Doanh thu từ việc bán hộ chiếu sẽ không thể hoàn toàn trang trải chi phí của Dự án Higher Ground Initiative, được công bố lần đầu vào năm 2019. Chính quyền Nauru đang tìm kiếm thêm sự hỗ trợ từ các nguồn tài chính công và tư nhân.

Giai đoạn đầu tiên của dự án trị giá 102 triệu AUD (65 triệu USD) đã được triển khai, nhằm giải phóng khoảng 10 ha đất trên khu vực "Topside" – nơi từng bị khai thác phosphate trong gần một thế kỷ, từ đầu những năm 1900. Nauru giành độc lập vào năm 1968, nhưng nền kinh tế nước này sụt giảm nghiêm trọng khi nguồn phosphate cạn kiệt.

Trước đây, chính quyền Nauru từng thử nhiều cách để tạo nguồn thu mới, từ việc thành lập quỹ tài sản quốc gia, tài trợ một vở nhạc kịch ở London (nhưng thất bại), đến ký kết thỏa thuận gây tranh cãi với Australia để tạm giữ người xin tị nạn.

Chương trình bán quốc tịch trước đây của Nauru từng bị Mỹ chỉ trích vì lo ngại có thể bị tội phạm quốc tế lợi dụng. Vào năm 2003, chương trình này đã bị ngừng lại sau khi hộ chiếu Nauru bị phát hiện được sử dụng bởi các phần tử khủng bố, bao gồm cả thành viên al-Qaeda.

Tổng thống Adeang khẳng định chính quyền đã rút kinh nghiệm từ những thất bại trước đây và áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để đảm bảo tính minh bạch. Edward Clark, một cựu nhân viên ngân hàng, đã được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành Văn phòng Chương trình Nauru để giám sát việc tuân thủ các quy định. Hiện tại, công dân Nga bị cấm tham gia chương trình này.

Chính phủ Nauru đang xử lý những đơn xin quốc tịch đầu tiên và đã nhận được nhiều yêu cầu từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Mỹ, Pakistan và Anh, theo công ty tư vấn nhập cư Henley & Partners – đơn vị đang làm đại lý cho chương trình đầu tư lấy quốc tịch của Nauru.

Theo dự báo của chính phủ, chương trình này có thể mang lại khoảng 9 triệu AUD trong năm tài chính kết thúc vào ngày 30/6, tương đương với khoảng 66 đơn đăng ký thành công. Trong tương lai, Nauru đặt mục tiêu nâng con số này lên 68 triệu AUD/năm, so với tổng thu ngân sách dự kiến hiện tại là 311 triệu AUD.

Kristin Surak, giáo sư xã hội học chính trị tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London, nhận định rằng nhu cầu về các chương trình đầu tư lấy quốc tịch sẽ không biến mất. "Điều quan trọng là phải đảm bảo sự minh bạch, cả trong quy trình xét duyệt lẫn dòng tiền đầu tư," bà nhấn mạnh.

Theo Yahoo Finance

>> Đồng minh của Mỹ cân nhắc cắt viện trợ cho quốc đảo chiến lược ở Thái Bình Dương, Trung Quốc 'ngư ông đắc lợi'

Lộ diện 10 hãng hàng không đúng giờ nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, một đại diện Việt Nam lọt top

Kinh tế Trung Quốc có nguy cơ suy thoái, kéo tụt khu vực Đông Á và Thái Bình Dương

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/quoc-dao-nho-nhat-the-gioi-dang-chim-dan-chinh-phu-rao-ban-quoc-tich-gia-hon-140000-usd-de-giai-cuu-137120.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Quốc đảo nhỏ nhất thế giới đang chìm dần, Chính phủ rao bán quốc tịch giá hơn 140.000 USD để giải cứu
    POWERED BY ONECMS & INTECH