Nước này vừa trải qua quá trình công nghiệp hóa có tốc độ và mức độ chưa từng có trong lịch sử.
Bài viết thể hiện quan điểm của Richard Baldwin, Giáo sư nghiên cứu kinh tế quốc tế đang làm việc tại Trường Kinh doanh IMD. Ông là nhà sáng lập và Tổng biên tập của VoxEU.
Có một sự thật hiển nhiên nhưng chưa được biết đến rộng rãi: Trung Quốc là siêu cường duy nhất của thế giới trong lĩnh vực chế tạo |
Mỹ là siêu cường  quân sự duy nhất của thế giới, với chi tiêu cho quốc phòng lớn hơn cả 10 nước xếp sau cộng lại. Trong khi đó, có một sự thật hiển nhiên nhưng chưa được biết đến rộng rãi: Trung Quốc  cũng là siêu cường duy nhất của thế giới trong 1 lĩnh vực là chế tạo. Sản lượng của nước này vượt tổng sản lượng của 10 quốc gia đứng sau cộng lại.
Trong bài bình luận này, tôi sẽ sử dụng các dữ liệu mới được OECD cập nhất cho năm 2023 để phác họa hành trình vươn lên vị trí số 1 thế giới về chế tạo của Trung Quốc, cũng như những ảnh hưởng của nước này đến chuỗi cung ứng toàn cầu .
Đâu là những “tay chơi” lớn nhất trong lĩnh vực chế tạo của thế giới?
Hình 1 dưới đây thể hiện 2 góc nhìn về tỷ trọng của các quốc gia và vùng lãnh thổ trong bức tranh ngành sản xuất toàn cầu năm 2020 (là năm gần nhất dữ liệu được cập nhật). Hình tròn bên trái thể hiện tỷ trọng của mỗi nước dựa trên tổng sản lượng, còn bên phải thể hiện tỷ trọng dựa trên giá trị gia tăng.
Tổng sản lượng sẽ được tính bằng tổng doanh số bán ra của các nhà sản xuất nước đó, còn giá trị gia tăng được tính bằng tổng sản lượng trừ đi chi phí đầu vào.
Theo đó, có 6 quốc gia chiếm ít nhất 3%. Xếp sau Trung Quốc là Mỹ, Nhật Bản, Đức, Ấn Độ và Hàn Quốc. Số liệu cũng cho thấy thế giới đã thay đổi chóng vánh như thế nào. Chỉ có 3 trong số này thuộc nhóm các quốc gia đã có ngành công nghiệp phát triển lâu đời. 3 quốc gia còn lại đều mới chỉ công nghiệp hóa gần đây. 4 quốc gia còn lại của nhóm G7 là Anh và Canada thậm chí không lọt vào top 10.
Xét theo tổng sản lượng, tỷ trọng của Trung Quốc gấp 3 lần Mỹ, 6 lần Nhật Bản và 9 lần Đức. Đài Loan (Trung Quốc), Mexico, Nga và Brazil đều có sản lượng cao hơn Anh. Canada xếp thứ 15.
Tốc độ công nghiệp hóa nhanh chưa từng có
Quá trình công nghiệp hóa ở Trung Quốc có tốc độ và mức độ chưa từng có trong lịch sử. Lần cuối cùng “ông vua sản xuất” bị soán ngôi là ở thời điểm ngay trước Chiến tranh Thế giới thứ nhất, khi Mỹ vượt qua Anh. Và Mỹ đã mất gần 1 thế kỷ mới leo được lên “ngai vàng”, trong khi Trung Quốc chỉ mất khoảng 15 – 20 năm để vượt Mỹ.
Hình 2 thể hiện rõ nét cuộc soán ngôi ngoạn mục này. Nếu coi đây là một cuộc đua ngựa có 25 vòng, mỗi năm 1 vòng, thì 13 vòng đầu tiên là hấp dẫn nhất. Kể từ năm 1995 (dữ liệu chỉ bắt đầu được thu thập từ năm này), Trung Quốc bắt đầu cuộc đua ở vị trí dẫn trước một chút so với Canada, Anh, Pháp và Italy. Nước này vượt qua Đức vào năm 1998, Nhật Bản năm 2005 và Mỹ năm 2008. Kể từ đó đến nay, Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi tỷ trọng của mình trong khi tỷ trọng của Mỹ giảm 3 điểm phần trăm.
Biểu đồ bên phải cho thấy Trung Quốc mạnh đến mức nào: tổng sản lượng của nước này bằng 10 quốc gia và vùng lãnh thổ xếp sau cộng lại. Điều này cũng giúp chúng ta hiểu được phần nào nguyên nhân khiến căng thẳng thương mại Mỹ - Trung không ngừng leo thang và chuỗi cung ứng toàn cầu bị “bẻ gãy” như thế nào khi Trung Quốc chìm trong dịch bệnh và sau đó là đóng cửa hoàn toàn trong suốt 3 năm.
Hình dưới đây cho thấy sự thống trị của Trung Quốc trong xuất khẩu ít ấn tượng hơn, nhưng sự vươn lên thực sự khiến bất kỳ ai cũng phải trầm trồ. Năm 1995, Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 3% tổng kim ngạch xuất khẩu trong ngành chế tạo của thế giới. Đến năm 2020, tỷ lệ đã tăng lên 20%. Xét theo thước đo này thì sự suy giảm của nhóm G7 nhẹ nhàng hơn. Điều này được giải thích bởi sự trỗi dậy của sức tiêu dùng nội địa của Trung Quốc – yếu tố giúp hấp thụ lượng sản phẩm chế tạo tăng lên kể từ năm 2004.
Không được thể hiện trong các biểu đồ này nhưng có 1 điểm đáng chú ý là tỷ lệ xuất khẩu/sản lượng của Trung Quốc đã đạt đỉnh 18% vào năm 2004 và giảm xuống còn 13% vào năm 2020 – gần bằng với mức 11% của năm 1995.
Hành trình vươn lên của Trung Quốc
Biểu đồ bên trái trong hình trên cho thấy Trung Quốc là nước xuất khẩu ròng các mặt hàng chế tạo và nhập khẩu ròng mọi thứ khác, từ nông sản, chế phẩm và nhiên liệu khai thác mỏ đến dịch vụ.
Còn biểu đồ bên phải cho thấy sự lột xác của Trung Quốc. Cho đến giữa những năm 2000, Trung Quốc vẫn là trung tâm gia công. Các công ty Trung Quốc nhập khẩu ròng các đầu vào trung gian, và xuất khẩu ròng hàng hóa cuối cùng. Nhưng từ khoảng năm 2002 trở đi, Trung Quốc đã trở thành nước xuất khẩu ròng lớn về cả hàng hóa trung gian lẫn hàng hóa cuối cùng.
Và biểu đồ dưới đây cho thấy cơ cấu ngành chế tạo của Trung Quốc đã thay đổi hoàn toàn. Nhìn vào giỏ hàng xuất khẩu, nước này đã chuyển từ tương đối phụ thuộc vào các lĩnh vực chế tạo đơn giản như dệt may sang các lĩnh vực phức tạp hơn như điện tử, các sản phẩm kim loại cơ bản và chế tạo, hóa chất và dược phẩm. Dệt may chiếm tỷ trọng cao nhất vào năm 1995, nhưng đến năm 2020 điện tử đã trở thành mặt hàng đứng đầu.
Với những con số nói trên, không còn phải bàn cãi, Trung Quốc chính là gã khổng lồ chế tạo duy nhất của thế giới. Như thành công gần đây của họ trong lĩnh vực xe điện đã cho thấy, nền tảng công nghiệp sâu rộng của Trung Quốc sẽ giúp họ đạt được lợi thế cạnh tranh trong hầu hết các lĩnh vực.