Doanh nghiệp

Quốc gia có GDP hơn 2.200 tỷ USD bất ngờ cử phái đoàn đến Việt Nam tìm cơ hội giảm phụ thuộc vào Mỹ

Quang Dương 05/05/2025 10:50

Quốc gia này lựa chọn Việt Nam vì đây là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất Đông Nam Á.

Nhằm thúc đẩy nỗ lực đa dạng hóa thị trường và nguồn cung, Cơ quan Xúc tiến Xuất khẩu Canada (EDC) đã phối hợp với Đại học Dalhousie và Thương vụ Việt Nam tại Canada tổ chức một buổi tọa đàm dành cho các đại diện doanh nghiệp khởi nghiệp tại Nova Scotia – khu vực bờ Đông Canada – sang Việt Nam khảo sát và tìm hiểu thực tế.

Đoàn đại diện gồm nhiều sinh viên thuộc Đại học Dalhousie, do Giáo sư Binod Sundararajan phụ trách. Đoàn đã làm việc với Thương vụ Việt Nam tại Canada để tìm hiểu sâu hơn về môi trường kinh doanh tại Việt Nam, cũng như cách tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do giữa hai nước.

Quốc gia có GDP hơn 2.200 tỷ USD bất ngờ cử phái đoàn đến Việt Nam tìm cơ hội giảm phụ thuộc vào Mỹ
Các thành viên của đoàn công tác tại Hội thảo. Ảnh: Thanh Hải/PV TTXVN tại Canada

>> Việt Nam lọt nhóm đàm phán ưu tiên với Mỹ: Cơ hội miễn trừ với loạt mặt hàng chủ lực và giảm thuế về 10-20%

Theo TTXVN, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Canada Trần Thu Quỳnh, cho biết đã có 14 đại diện các doanh nghiệp chủ động liên hệ với Thương vụ để tìm kiếm sự hỗ trợ kết nối. Những doanh nghiệp trẻ này không chỉ hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu thông thường mà còn mở rộng sang dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ công nghệ – lĩnh vực mà cả Việt Nam và Canada đều đang có nhu cầu và tiềm năng hợp tác lớn.

Giáo sư Binod Sundararajan từ Đại học Dalhousie cho biết đoàn lựa chọn Việt Nam vì đây là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất Đông Nam Á. Theo ông, Việt Nam thể hiện mức độ sẵn sàng cao trong hoạt động xuất nhập khẩu toàn cầu – yếu tố then chốt đối với các thị trường mới nổi. Ngoài ra, môi trường kinh doanh cởi mở tại Việt Nam cũng được xem là nền tảng thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài tìm kiếm cơ hội phát triển thành công.

Ở góc độ khác, bà Katie Haigh – người phụ trách chương trình quốc tế của Đại học Dalhousie – nhận định việc cả Việt Nam và Canada cùng tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nên đây là cơ hội để Canada bắt đầu tìm kiếm đối tác bên ngoài nước Mỹ.

Theo bà, Việt Nam là thị trường giàu tiềm năng với quy mô dân số ngày càng tăng và tầng lớp trung lưu đang mở rộng nhanh chóng – những yếu tố rất phù hợp với các sản phẩm của doanh nghiệp Canada.

Trong khuôn khổ chuyến công tác lần này, các cá nhân đại diện cho ba doanh nghiệp lớn của Canada là Tangier Lobster, Victoria Fisheries và SimplyCast, cùng công ty khởi nghiệp Celebrate Your Curves sẽ tìm kiếm cơ hội kết nối với đối tác Việt Nam thông qua sự giới thiệu từ EDC.

Chương trình hợp tác giữa Đại học Dalhousie và EDC đã được triển khai tại nhiều thị trường mới nổi như Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc, Chile, Peru và Argentina trong suốt những năm qua. Việc EDC vừa chính thức mở văn phòng tại Việt Nam đánh dấu bước mở rộng sang khu vực Đông Nam Á, đồng thời phản ánh rõ nét sự quan tâm ngày càng lớn của giới học thuật và doanh nghiệp Canada trong việc đẩy mạnh hợp tác giáo dục, kinh doanh, thương mại và đầu tư với Việt Nam.

Năm 2024, Canada là quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 9 thế giới theo GDP danh nghĩa (2.214,8 tỷ USD). Giống như các nước phát triển khác, dịch vụ là ngành chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu GDP và tạo ra tới ba phần tư tổng việc làm cho người dân Canada.

>> Hàng xóm của Mỹ khởi xướng điều tra chống bán phá giá dây thép carbon và hợp kim thép nhập khẩu từ Việt Nam

Hãng trà Việt Nam 21 năm tuổi từng được Bộ Ngoại giao vinh danh chính thức hiện diện tại Canada

Nhà đầu tư Canada muốn xây khu liên hợp điện rác 110 triệu USD tại Quảng Nam

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/quoc-gia-co-gdp-hon-2200-ty-usd-bat-ngo-cu-phai-doan-den-viet-nam-tim-co-hoi-giam-phu-thuoc-vao-my-288653.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Quốc gia có GDP hơn 2.200 tỷ USD bất ngờ cử phái đoàn đến Việt Nam tìm cơ hội giảm phụ thuộc vào Mỹ
    POWERED BY ONECMS & INTECH