Quốc gia Đông Nam Á sửa Luật Kinh doanh đã tồn tại 25 năm, 'mở toang cánh cửa' đón nhà đầu tư nước ngoài
Sau 1/4 thế kỷ, Thái Lan cuối cùng đã quyết định nới lỏng quy định về quyền sở hữu doanh nghiệp nước ngoài ở đạo luật bị cho là quá bảo hộ đối với doanh nghiệp quốc nội và không còn phù hợp với tình hình kinh tế đang thay đổi.
Nội các Thái Lan đã đồng ý về mặt nguyên tắc việc sửa đổi Luật Kinh doanh của người nước ngoài nhằm giảm bớt các quy định hạn chế và tạo môi trường thân thiện hơn với nhà đầu tư ở nền kinh tế lớn thứ nhì Đông Nam Á.
Ủy ban Cải cách Pháp luật kêu gọi cập nhật đạo luật đã 25 năm tuổi này, cho rằng mức độ bảo hộ doanh nghiệp nội địa quá cao và không còn phù hợp với tình hình kinh tế đang thay đổi.
>> Mỹ 'mạnh tay' đánh thuế pin mặt trời Đông Nam Á, nhiều doanh nghiệp Việt chịu thuế hơn 800%

Sau khi thông qua đề xuất, nội các đã chỉ đạo Bộ Thương mại Thái Lan tiến hành soạn thảo các sửa đổi nhằm loại bỏ những quy định đang cản trở sự phát triển kinh tế của đất nước.
Theo Phó phát ngôn viên Chính phủ Karom Polpornklang, điều này đặc biệt quan trọng đối với lĩnh vực khởi nghiệp (startup), vốn thường yêu cầu công nghệ mới và đầu tư gia tăng từ các nguồn nước ngoài
Ủy ban thuộc Hội đồng Nhà nước – cơ quan pháp lý của Chính phủ mong muốn sửa đổi bất kỳ quy định nào đang kìm hãm sự phát triển của các doanh nghiệp và ngành công nghiệp trong tương lai, hiện đang được xem là những nhân tố tiềm năng góp phần lớn vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thái Lan, ông cho biết.
Đề xuất sửa đổi luật đã nhận được sự đồng thuận từ các Bộ Tài chính, Thương mại, Nội vụ và Lao động, cùng với Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia và Ủy ban Đầu tư, ông Karom nói thêm.
>> Sửa Luật Kinh doanh bất động sản: Cần xoá bỏ mâu thuẫn, chồng chéo

Đặc biệt, Bộ Tài chính Thái Lan đã khuyến nghị cần sửa đổi các phần của luật liên quan đến các loại hình doanh nghiệp mà người nước ngoài được phép hoạt động tại Thái Lan, cũng như tỷ lệ cổ phần bắt buộc mà người Thái phải nắm giữ, ông cho biết.
Hiện tại, tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của người nước ngoài trong một công ty được đăng ký tại Thái Lan bị giới hạn ở mức 49%, trong khi nhiều loại hình doanh nghiệp chỉ dành riêng cho công dân Thái Lan.
Giới hạn 49% này đã dẫn đến nhiều trường hợp người nước ngoài sử dụng người Thái làm “người đứng tên hộ” để nắm giữ cổ phần thay mặt họ.
Do đó, Bộ Thương mại Thái Lan hiện có trách nhiệm đề xuất một mức giới hạn hấp dẫn hơn, ông Karom nói.
Nguyên tắc cơ bản của các quy định mới sẽ không còn là “bảo hộ” doanh nghiệp trong nước, mà là “hỗ trợ” họ nâng cao năng lực cạnh tranh, bất kể doanh nghiệp đó thuộc sở hữu của người Thái hay người nước ngoài, ông Karom nhấn mạnh.
Ngày 22/4, nữ Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra xác nhận Mỹ đã yêu cầu hoãn cuộc đàm phán thương mại song phương liên quan vấn đề thuế quan với lý do chưa hài lòng với các đề xuất ban đầu từ phía quốc gia Đông Nam Á.
Bà Paetongtarn cho biết phía Mỹ mong muốn Thái Lan rà soát và điều chỉnh một số biện pháp nhất định trước khi bước vào các cuộc đàm phán trong thời gian tới.
“Đúng là cuộc đàm phán ngày 23/4 đã bị hoãn. Phía họ yêu cầu nhóm đàm phán của chúng tôi xem lại một số vấn đề then chốt đã được nêu trong các đề xuất của chúng tôi”, Thủ tướng Thái Lan trả lời các phóng viên tại Tòa nhà Chính phủ.
Dù xác nhận việc hoãn nhưng Thủ tướng Paetongtarn không cung cấp thêm chi tiết về những điểm phía Mỹ chưa hài lòng hoặc thời điểm mới cho các cuộc đàm phán song phương. Bà cho biết Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính Pichai Chunhavajira, Trưởng đoàn đàm phán của Thái Lan sẽ sớm công bố thêm thông tin.
Theo Bangkok Post
>> Sửa Luật Kinh doanh bất động sản: Cần có chính sách điều tiết, cơ cấu lại thị trường