Quốc gia từng phồn thịnh bậc nhất thế giới nay chìm trong suy thoái, 60.000 doanh nghiệp phải đóng cửa vì sa lầy trong chiến tranh
Nền kinh tế Israel và các nước trong dải Gaza đang gồng mình gánh chịu những hệ lụy nặng nề từ cuộc xung đột kéo dài.
Sau gần một năm kể từ khi xung đột bùng phát, Israel đang đối mặt với thách thức kinh tế nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ. Theo số liệu mới nhất từ OECD , nền kinh tế Israel đang chứng kiến đà suy giảm mạnh nhất trong số các quốc gia thành viên tổ chức này.
Kể từ sau cuộc tấn công ngày 7/10/2023, GDP của Israel đã sụt giảm 4,1%. Đà suy thoái này tiếp tục kéo dài sang năm 2024 với mức giảm lần lượt 1,1% và 1,4% trong hai quý đầu năm. Tình hình càng trở nên căng thẳng khi một cuộc đình công  toàn quốc nổ ra vào ngày 1/9, dù ngắn ngủi nhưng đã khiến hoạt động kinh tế gần như tê liệt giữa làn sóng phản đối cách Chính phủ xử lý cuộc chiến.
Trước khi xung đột nổ ra, Israel từng là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực, chủ yếu nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghệ. GDP bình quân đầu người của quốc gia này đã tăng 6,8% vào năm 2021 và 4,8% vào năm 2022, cao hơn đáng kể so với hầu hết các nước phương Tây. Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Israel mới đây đã phải hạ dự báo tăng trưởng năm 2024 xuống còn 1,5%, thấp hơn nhiều so với mức 2,8% đưa ra đầu năm.
Với viễn cảnh xung đột còn kéo dài, đặc biệt khi căng thẳng với Hezbollah tại biên giới Lebanon ngày càng leo thang, Israel ước tính chi phí chiến tranh có thể lên tới 67 tỷ USD vào năm 2025. Ngay cả khi được Mỹ viện trợ 14,5 tỷ USD, nguồn lực tài chính của Israel vẫn khó có thể đáp ứng đủ các khoản chi này. Điều này buộc Chính phủ phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn về phân bổ nguồn lực, có thể dẫn đến việc cắt giảm chi tiêu ở một số lĩnh vực hoặc phải gánh thêm nợ.
Tình hình tài chính xấu đi khiến các tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế như Fitch đã hạ bậc tín nhiệm của Israel từ A+ xuống A trong tháng 8, với lý do thâm hụt ngân sách dự kiến tăng từ 4,1% lên 7,8% GDP trong năm 2024. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng vay vốn của quốc gia mà còn có thể gây nguy hiểm cho việc duy trì chiến lược quân sự hiện tại tại Gaza.
Cuộc xung đột đã tác động sâu rộng đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Israel. Ngành xây dựng chứng kiến sự suy giảm gần 1/3 trong hai tháng đầu chiến sự, trong khi sản lượng nông nghiệp giảm 1/4 tại một số khu vực.
Khoảng 360.000 quân dự bị được triệu tập vào đầu cuộc chiến, hơn 120.000 người dân phải di dời khỏi các khu vực biên giới, và 140.000 lao động Palestine từ Bờ Tây không được phép vào Israel kể từ sau sự kiện ngày 7/10.
Mặc dù Chính phủ Israel đã cố gắng khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động bằng cách nhập khẩu công nhân từ Ấn Độ và Sri Lanka , nhiều vị trí quan trọng vẫn không thể được lấp đầy.
Theo ước tính, khoảng 60.000 doanh nghiệp Israel có nguy cơ phải đóng cửa trong năm 2024 do thiếu nhân lực, đứt gãy chuỗi cung ứng và niềm tin kinh doanh suy giảm. Ngành du lịch cũng chịu ảnh hưởng nặng nề khi lượng khách quốc tế sụt giảm mạnh, khiến một trong mười khách sạn trên toàn quốc đối mặt với nguy cơ phá sản.
Trong khi đó, nền kinh tế Palestine chịu thiệt hại còn nặng nề hơn nhiều và có thể phải mất nhiều năm để phục hồi. Người lao động Palestine tại Bờ Tây mất việc làm ở Israel, trong khi Chính quyền Palestine rơi vào tình trạng thiếu hụt tiền mặt nghiêm trọng do Israel giữ lại phần lớn doanh thu thuế. Tại Gaza, hoạt động thương mại gần như tê liệt hoàn toàn , buộc người dân phải phụ thuộc vào viện trợ nhân đạo trong bối cảnh cơ sở hạ tầng bị tàn phá nặng nề.
Cảng Haifa - trung tâm xuất nhập khẩu lớn nhất của Israel - đang rơi vào tình trạng đìu hiu chưa từng thấy. Theo một viên chức cấp cao tại đây, các tàu container quốc tế đã ngừng sử dụng cảng này làm điểm trung chuyển do lo ngại các cuộc tấn công từ lực lượng Houthi ở Yemen khi đi qua kênh đào Suez.
Số liệu thống kê cho thấy lưu lượng hàng hóa qua các cảng Israel đã sụt giảm 16% trong 6 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ 2023. Tình trạng này diễn ra trong bối cảnh cuộc xung đột bùng phát từ ngày 7/10 năm ngoái, khi Hamas tấn công Israel khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng và 250 người bị bắt làm con tin.
Tác động của cuộc xung đột đã lan rộng ra toàn khu vực Trung Đông. IMF dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực năm 2024 sẽ chỉ đạt 2,6% do bất ổn từ cuộc chiến ở Gaza và nguy cơ xung đột lan rộng. Kinh nghiệm từ các cuộc xung đột trước đây cho thấy tác động có thể còn nghiêm trọng hơn, như trường hợp cuộc không kích Gaza năm 2008 đã đẩy giá dầu tăng gần 8% và gây bất ổn cho thị trường toàn cầu.
Khi cuộc chiến tiến gần đến cột mốc một năm, thiệt hại kinh tế ngày càng trầm trọng. Các chuyên gia nhận định rằng chỉ có một thỏa thuận ngừng bắn bền vững mới có thể tạo điều kiện cho sự phục hồi kinh tế của cả Israel, Palestine và khu vực rộng lớn hơn.
Theo DW, CNN